Sự giận dữ, đó là điều con được đánh động khi suy ngẫm Tin Mừng hôm nay. Thỉnh thoảng con quan sát một vài cơn thịnh nộ trên đường: một người lái xe bất ngờ băng ngang trước đầu xe của ai đó, khiến họ tức giận; một người sử dụng điện thoại di động khi dừng đèn đỏ và khi đèn xanh bật lên rồi họ vẫn không chịu di chuyển, chúng ta bực bội… Cảm xúc tức giận, bực bội là một cảm xúc bình thường nơi con người mỗi khi thấy điều bất công hay gây tổn hại cho người khác. Nhưng thay vì quát tháo hay la mắng người đó, chúng ta hãy thinh lặng. Thinh lặng để làm gì? Thưa, để ý thức và nhận định hành động sai khiến chúng ta khó chịu, chứ không phải sự giận dữ dành cho người gây ra hành động sai trái đó, bởi chúng ta là những thực thể có khả năng phân định đúng sai, từ đó mà có những phản ứng tương hợp.
Tiếp đến – xin hãy cầu nguyện cho người gây ra hành vi ấy, vì chúng ta không biết họ vừa trải qua điều gì và cảm xúc của họ như thế nào. Có thể người này vừa bị mất việc, vừa nhận kết quả xét nghiệm ung thư, hay đang trên đường đến bệnh viện vì người thân trong cơn nguy cấp, hay đang vội vã đi giao hàng cho khách… Chúng ta không biết.
Vâng, cầu nguyện là một liều thuốc làm nguội cơn giận trong lòng chúng ta, để rồi người gây ra hành vi sai cũng không bị tổn thương vì những câu quát mắng của chúng ta. Hướng sự tức giận vào hành động sai và cầu nguyện cho người anh em, cảm xúc nóng giận sẽ mất đi, và chúng ta có cơ hội để thưa chuyện với Thiên Chúa.
Trong cuộc sống có nhiều điều khiến chúng ta tức giận, chẳng hạn như bị đối xử bất công trong công việc hay trong lớp học, bị nói xấu, bị lừa dối, bị chơi xấu, Những người khiến chúng ta nổi giận thường lại là những người rất gần với ta: bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp, hàng xóm, người thân yêu trong gia đình, vậy nên chúng ta cần thận trọng hơn nữa.
1) Chúng ta hãy tỉnh thức lưu tâm đến cơn nóng giận đang sôi sục trong tâm trí chúng ta. Lặng để suy ngẫm xem liệu cơn giận này có chính đáng không, vấn đề đang xảy ra ảnh hưởng như thế nào đến chúng ta như thế nào. Hãy chia sẻ với một người chúng ta tin tưởng về biến cố ấy, kết quả mang lại sẽ khiến chúng ta ngạc nhiên, cơn nóng giận dường như giảm đi rất nhiều.
2) Sau khi thấu hiểu chính mình chúng ta hãy bước đến người anh chị em ấy, để nói cho họ biết cảm xúc của chúng ta về những việc làm hay lời nói của họ như thế nào. “Mình cảm thấy tức giận và khó chịu vì điều này điều kia v.v.” Không tấn công, không chỉ trích nhân cách, đạo đức, lòng tự trọng của họ, không xúc phạm, la mắng, chửi bới hay lạnh nhạt với họ.
Thay vào đó, chúng ta hãy để họ nói lên suy nghĩ và quan điểm, để tháo gỡ những vướng mắc trong tương quan để cả hai hiểu nhau hơn, chấp nhận nhau, thông cảm cho nhau hơn.
3) Để cuối cùng, chúng ta có cách cư xử phù hợp: xin lỗi, thay đổi quan niệm, thay đổi hành vi, hay bất cứ điều gì có thể cải thiện tình hình hiện tại. Điều quan trọng là chúng ta không bị cảm xúc chi phối.
Chìa khóa cho vấn đề này là:
Nếu chúng ta chiều theo cảm xúc nóng giận thì những điều tiêu cực sẽ xảy ra.
Còn nếu chúng ta làm chủ cảm xúc nóng giận thì mọi sự tốt đẹp sẽ diễn ra.
Khi chứng kiến cảnh dân tộc mình chịu cảnh nô lệ, Môi-sê đã nổi giận. Sự tức giận là một phần động lực thúc đẩy ông yêu cầu Pharaoh, “Hãy để dân tộc của tôi đi!” (Xuất hành 5: 1) Trải qua biết bao biến cố trong suốt 40 năm trong sa mạc, Môi-sê vẫn tiếp tục đưa dân vào vùng đất tự do.
Tổ tiên của những người khai sinh ra hợp chủng quốc hoa kì đã rất tức giận bởi những chính sách bất công của Vương Quốc Anh đối với châu Mỹ, nơi người Anh cho rằng đó là thuộc địa của họ. Sự tức giận này đã dẫn đến cuộc nổi dậy dành chính quyền, sự ra đời của Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, và một quốc gia mới được thành lập.
Martin Luther King, Jr. đã rất tức giận khi chứng kiến những bất công mà người Mỹ da trắng đối xử với người Mỹ da đen. Sự tức giận này đã khiến ông can đảm đứng lên, lên tiếng và dẫn đầu một cuộc cách mạng bất bạo động vì bình đẳng chủng tộc.
Họ là những người nóng giận trước những bất công, đã chuyển cơn giận đó thành động lực để xây dựng giá trị cốt lõi cho bản thân, lan truyền đến người khác và biến nó thành hành động xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Henry Ward Beecher đã nói: “Người không biết giận thì không biết cách để trở nên tốt hơn”.
Hãy nhìn ra thế giới, điều gì khiến chúng ta cảm thấy khó chịu?
Luật pháp bất công, người dân bị áp bức, và các thế lực cố chấp kiểm soát ở một vài nơi trên thế giới?
Tình trạng không công bằng trong việc phân phối thực phẩm, thuốc men là do đâu?
Môi trường bị phá hoại là do đâu?
Con người và quyền tự do của con người đang bị đe dọa ở đâu?
Tác giả Sam Keen nói, “Trong tâm hồn những vị anh hùng, những người đàn ông có trái tim dũng cảm. Họ là những chiến binh tinh thần với sự phẫn nộ khi nhìn thấy bất công, họ là những người bước vào đấu trường để vật lộn với cái ác vơi muôn ngàn kiểu ngụy trang. Những người hùng biết giận dữ, biết nhận định và cân nhắc, những người để ánh sáng của sự lương thiên dẫn đường. ”
Có tiếng sấm trong giọng nói của Chúa Giê-su và ánh lên trong mắt Ngài khi Ngài đuổi những người đổi tiền ra khỏi đền thờ: “Nhà của Cha ta là nhà cầu nguyện, mà các người biến nó thành ổ trộm cướp.” (Mt 21:13) Chúa Giê-su tức giận vì con người biến Thiên Chúa thành của cải vật chất để mua bán.
Các Thánh luôn tìm kiếm để kết hợp với Chúa Giê-su trong đau khổ của Ngài. Và không chỉ trong đau khổ, các ngài còn muốn kết hợp với Chúa Giê-su trong cả cơn giận dữ của Ngài. Những điều làm Chúa Giê-su buồn lòng cũng khiến chúng ta buồn. Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi để kết hiệp với Chúa Giê-su trong những bất công, đau khổ và thiếu tự do của anh chị em chúng ta. Hãy để những điều đó trở thành động lực thúc đẩy chúng ta hành động chính nghĩa vì lòng mến tha nhân. Đừng để những điều nhỏ nhặt xung quanh chiếm lấy tâm trí chúng ta. Chỉ như vậy, chúng ta mới được tràn đầy năng lượng để sống tích cực, để giây phút cuối của một ngày, chúng ta tự tin, hài lòng về bản thân. Hãy can đảm góp phần tạo nên sự tốt đẹp của thế giới bằng cuộc đời của mỗi người chúng ta.
Tin cùng chuyên mục:
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người
Ngày 30/09: Thánh Giêrônimô, Linh mục – Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ bảy tuân XXV thường niên: Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang