Khi hơi sương đã căng đầy tròn trĩnh bỗng hóa những cơn mưa đầu mùa, từ thinh không bầu trời cao thẳm chúng rơi xuống làm mát dịu mặt đất khô cằn, cùng với đó là thời khắc sắc đỏ hoa phượng chớm nở, đung đưa theo cơn gió thoảng, điểm xuyết sắc màu rực rỡ trên nền trời xanh mây trắng báo hiệu mùa hè đã đến. Đó cũng là lúc chúng tôi, những tu sinh dòng Linh Mục Thánh Tâm Chúa Giêsu (SCJ), háo hức được Nhà dòng sai đi muôn hướng để trải nghiệm tại các vùng ngoại biên. Giáo xứ Minh Đức thuộc Giáo phận Phú Cường và thuộc huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, một trong những vùng ngoại biên xa xôi ấy, đã rộng mở cánh tay, trìu mến đón nhận năm anh em chúng tôi đến trải nghiệm hè.
Giáo xứ Minh Đức đang ngổn ngang công trình
Giáo xứ vùng ngoại biên
Trong tâm khảm của bà con Công giáo lẫn ngoại giáo xã Minh Đức, vùng đất này là linh địa của Đức Mẹ. Đông đảo khách hành hương từ khắp nơi tìm về nơi vùng ngoại biên này, trước là để ngắm nhìn bức tượng Đức Maria không còn đầu có từ năm 1976, lắng nghe những dấu lạ xoay quanh bức tượng này từ chính người cao niên nơi đây kể lại và tiếp đó là dâng lên Mẹ Maria những lời kinh phó thác vui buồn. Không ngại quãng đường xa trắc trở, sự hiện diện của đông đảo khách hành hương như là ngọn lửa đốt nóng lại Đức tin cho bà con Công giáo nơi đây, cũng như là một tiếng hô truyền giáo không lời nhưng có sức âm vang tuyệt vời đến bà con ngoại giáo vùng đất này. Bao nhiêu lượt khách hành hương vượt đường xa đến rồi đi, riêng anh em chúng tôi được may mắn “hành hương” ở gần bên Mẹ suốt trọn một tháng không rời. Chúng tôi cảm nhận được sự diện hiện thiêng liêng và đầy ưu ái của Đức Mẹ tại vùng đất ngoại biên này. Dẫu bận rộn trải nghiệm công việc mục vụ giáo xứ, nhưng chúng tôi không quên tìm cho mình khoảnh khắc gần bên Mẹ với những lời kinh Mân Côi khi chiều đến đêm buông.
Vùng đất đỏ bình yên ẩn mình trong thảm nhung xanh mướt cao su. Khi mặt trời vung vãi những giọt nắng đầu tiên của ngày mới trên những ngọn cao su cao vút hay thu gom những vệt nắng vàng cuối cùng lúc hoàng hôn, một cảnh sắc thanh bình, trong veo gây ấn tượng đến ngỡ ngàng với chúng tôi. Dẫu thế, vẻ đẹp bình yên của cảnh sắc lung linh đến thế cũng không thể sánh với vẻ đẹp đơn sơ, bình dị, chịu thương chịu khó của những con người nơi xứ nghèo này. Tôi vẫn còn nhớ trong tim, cô ca trưởng nhỏ bé tuổi 17, cô ca trưởng duy nhất của giáo xứ, hàng ngày đều đặn tập hát cho các thành viên ca đoàn có tuổi gấp ba, gấp bốn lần cô. Cô ca trưởng tuổi 17 sau mỗi giờ tan trường lao vun vút trên chiếc xe cub cũ, vượt quãng đường gần chục cây số để kịp đánh đàn, xướng hát giờ lễ và rồi sau mỗi lần tan lễ, cô lại lao vun vút đi để đến trường cho kịp giờ học. Tôi vẫn còn nhớ trong tim, cậu giúp lễ nhỏ tuổi, cậu giúp lễ duy nhất của giáo xứ, đến nhà thờ rất sớm để kéo chuông và mở cửa nhà thờ bất chấp cơn buồn ngủ, bất chấp cái lạnh của những cơn mưa và bóng đêm của buổi sớm. Ở cái tuổi của cậu, có biết bao nhiêu cậu bé còn lo ăn, lo ngủ. Nhưng riêng cậu, dù lễ sáng hay lễ chiều, cậu đều đến rất sớm để chu toàn bổn phận. Tôi vẫn còn nhớ trong tim những lần cùng chung tay với bà con giáo dân nơi đây, từ những cô bé, cậu bé nhỏ tuổi cho đến ông bà cao tuổi chuẩn bị bữa ăn cho khách hành hương, chúng tôi cùng nấu ăn, cùng dọn bàn ghế, cùng rửa chén…và dẫu ai cũng mệt mỏi nhưng tôi bắt gặp niềm vui trong ánh mắt của họ, những con người phục vụ vô vị lợi. Tôi vẫn còn nhớ trong tim câu nói của cha xứ: “Vùng đất này mưa nắng khó khăn, dù nghèo tiền nghèo bạc chứ không bao giờ nghèo tình nghèo nghĩa.” Và tôi luôn vẫn còn nhớ trong tim những con người đáng mến nơi xứ nghèo này.
“Thầy ơi, Thầy ở đây luôn đi, đừng về !” Câu nói ấy mang ngữ điệu của đồng bào miền núi, lơ lớ, là lạ nhưng đơn sơ, mộc mạc. Ngữ điệu ấy của đồng bào người S’tiêng chẳng giống cách phát âm của người Kinh nhưng chất chứa biết bao tình cảm thân thương dành cho chúng tôi khi chúng tôi chào tạm biệt họ trở về lại Sài Gòn để tiếp tục tu học sau một tháng gắn bó với vùng đất này. Nhớ lại cái ngày đầu tiên vâng lời cha xứ, chúng tôi vào các sóc xa xôi để dạy giáo lý cho đồng bào S’tiêng ngoại giáo nhưng khao khát được biết Thiên Chúa, cái ngày đầu tiên ấy khiến tôi hồi hộp và bâng khuâng nhớ đến những lời khiêm nhường của tiên tri Giêrêmia thưa với Thiên Chúa: “Lạy Chúa, chúng con đây còn quá trẻ, chúng con không biết ăn nói !”. Thật vậy, chúng tôi còn quá trẻ để nói về Chúa cho những khuôn mặt đã mang đậm nếp nhăn thời gian đáng tuổi ông bà tôi. Chúng tôi còn quá non nớt để mang Tin Mừng đến những con người nghèo khổ đã kinh qua biết bao thăng trầm cuộc đời. Dẫu thế, chúng tôi vâng lời mà thả lưới vì chúng tôi tin tưởng rằng Chúa luôn đồng hành và an ủi: “Ơn Ta đủ cho con.” (2Cr 12,9). Gần một tháng rong ruổi vào các sóc dạy giáo lý cho đồng bào, tôi cảm nhận được Chúa đã dùng tôi làm biết bao điều thật lạ lùng. Tôi không biết Chúa Thánh Thần đã làm gì nơi tâm hồn họ mà khiến cho tất cả mọi người từ các em nhỏ hiếu động đến người cao tuổi đều im thin thít và sốt sắng lắng nghe lời tôi nói suốt 1 tiếng đồng hồ. Tôi cũng không biết Chúa Thánh Thần đã đặt vào miệng lưỡi tôi những lời gì vì những lời tôi đã nói với họ vượt xa những gì mà tôi chuẩn bị để nói. Trong ánh mắt của họ bừng lên một niềm vui khó tả khi biết đưa tay làm dấu Thánh Giá và môi thì bập bẹ từng chữ: “Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen”. Họ hớn hở đeo vào cổ những tràng chuỗi mân côi mà chúng tôi tặng và tươi cười khoe nhau một cách hạnh phúc. Phần lớn họ không biết chữ nhưng họ nài nỉ chúng tôi mang cho họ sách kinh Lạy Cha, Kính mừng … để họ nhờ con cái đọc cho họ nghe mà học thuộc lòng. Lời nói vụng về của tôi chẳng thể làm được những điều lạ lùng như thế, đó là việc tay Chúa đã làm. Ôi ! Thật lạ lùng.
Năm anh em chúng tôi mang năm cá tính khác nhau. Trong sự khác biệt ấy, ngỡ như khó dung hòa, lại trở nên sức mạnh hợp nhất bao bọc nhau, hỗ trợ nhau trong từng công việc mục vụ. Nhờ những lúc đối đầu một cách căng thẳng về cách nghĩ, cách làm mà mỗi người chúng tôi nhận thấy được những giới hạn và thiếu sót nơi chính bản thân mình và tìm thấy cách nghĩ, cách nhìn mới mẻ, đa dạng nơi anh em. “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (1 Ga 4: 20). Tình yêu Thánh Tâm Chúa Giêsu đã nối kết năm con người chúng tôi, tuy khác biệt về tính cách nhưng có chung Thiên Chúa là Cha.
Những ngày cuối cùng sau một tháng trải nghiệm tại vùng đất đỏ này, những bữa cơm ở nhà xứ cùng với những bữa cơm tạm biệt thân tình tại nhà các cô chú trong giáo xứ nhắc nhớ chúng tôi rằng những hạt cơm chúng tôi ăn, từng ngụm nước chúng tôi uống chính là công sức mồ hôi của cộng đoàn dân Chúa nuôi dưỡng chúng tôi. Họ quý trọng ơn gọi mà chúng tôi hạnh phúc được mời gọi mang lấy. Họ để dành những của ăn ngon nhất cho những người chọn con đường dâng hiến cho Chúa. Giây phút tôi quay về lại Sài Gòn, rời xa vùng đất ngoại biên này, những nhịp đập của con tim tôi luôn thao thức về tình cảm nồng ấm của người dân vùng đất đỏ này. Nó thúc bách tôi tu học thật tốt, thúc bách tôi trở thành con người như chính dân Chúa kỳ vọng để xứng đáng với công sức mồ hồi của những con người nghèo khó nơi đây.
Bữa cơm chia tay các thầy của gia đình cô Hiền
Năm anh em chúng tôi chợt đến rồi chợt đi, như sắc đỏ hoa phượng chỉ chợt tô điểm phút chốc cho những tháng hè rồi dần tan biến. Nhưng mong sao mầm xanh tình yêu từ những cơn mưa đầu mùa sẽ còn lại mãi ở nơi đây, giáo xứ Minh Đức, và sẽ còn lại mãi trong lòng mỗi người chúng tôi.
Tin cùng chuyên mục:
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người
Ngày 30/09: Thánh Giêrônimô, Linh mục – Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ bảy tuân XXV thường niên: Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang