Thứ Sáu Tuần Thánh

50 lượt xem Suy Niệm
maxresdefault 13

Eli! Eli! Lamma sabacthani?

 

Trong giây phút đau khổ tột cùng trên Thập giá, Thầy Giêsu đã kêu lên: “Lạy Cha, lạy Cha, sao Cha bỏ con? (Mc 15, 34; Mt 27, 46). Sau khi chịu những nhục mạ và những cực hình tàn bạo của con người, Thầy cảm thấy bị bỏ rơi đến mức tột cùng, cảm thấy một sự trống rỗng: hoàn toàn vắng bóng Thiên Chúa, không còn cảm giác về sự hiện diện của Cha, Đấng mà Thầy gọi bằng Abba.

“Eli! Eli! Lamma sabacthani?”. Tiếng kêu than trong ngôn ngữ Do Thái diễn tả một mầu nhiệm kinh khủng về Thiên Chúa từ bỏ Con Thiên Chúa. Thầy Giêsu dường như đã không còn là Ngôi Hai Thiên Chúa nữa khi bị tước đoạt tất cả vì tội lỗi nhân loại. Kinh nghiệm bị bỏ rơi tỏ lộ một Giêsu đang ở trong tột cùng của mọi nỗi cô đơn: bị loài người từ bỏ và dường như cũng bị chính Cha chối từ. Chính lúc trải qua những giây phút cuối cùng như hoàn toàn xa rời Thiên Chúa, Ngài đã trải nghiệm thế nào là sự hủy hoại và độc hại của tội lỗi gây ra. Trong giây phút kinh hoàng, đen tối và rùng rợn đó, Thầy đã xem như mình bị đồng hóa với nhân loại tội lỗi, vì “Thiên Chúa đã biến Ngài thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (2 Cr 5, 21).

Trong nỗi đớn đau và cô đơn khủng khiếp, Thầy đã đền tội thay cho ba kiểu người: người từ chối Thiên Chúa, người nghi ngờ sự hiện diện của Thiên Chúa và người lãnh đạm với Thiên Chúa với hậu quả bi thảm:

– Khi từ chối Thiên Chúa, đời sống của con người trở thành hư vô, và mọi sự trong đó chỉ còn phi lý và vô nghĩa.

– Khi nghi ngờ sự hiện diện của Thiên Chúa, con người trở nên nghi ngờ chính mình. Không thể thiết lập và giữ được mối tương quan với Thiên Chúa, thì tương quan với nhau chỉ còn là giả tạo, ý nghĩa và giá trị cuộc sống bị lung lay, bản thân dễ trở thành miếng mồi ngon cho sự dữ hoành hành.

– Khi đã lãnh đạm với Thiên Chúa thì cuộc sống và mọi cái trong đó đều trở nên trống rỗng. Trong sự lãnh đạm-vô cảm đó, tình yêu không thể phát sinh nên hạnh phúc cũng không thể hình thành. Trong tâm trạng đó mọi cái đều trở nên vô hồn, hoang vu và cuối cùng, con người trở nên sự bế tắc cho chính mình.

“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46). Thầy đã quy hướng mọi sự về Cha, đã trao phó tất cả cho Cha, và cuối cùng dâng trong tay Cha chính sự sống của mình, rồi “Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19, 30). Tâm tình hiếu thảo của Thầy Giêsu đã đạt đến mức độ tối hảo trong việc làm vinh danh Cha. Trên Thập giá, Thầy kêu lên một tiếng lớn rồi trút linh hồn. Trong Tin Mừng Gioan không dùng những từ đó, nhưng cho biết trước khi chết, Thầy đã cất vang lời: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19, 30). Trong tiếng Hy Lạp chỉ có một chữ τετέλεσται/tetélestai, đó là tiếng reo vui của một người chiến thắng sau trận chiến đấu; là tiếng hân hoan của một người đã hoàn tất công việc sau bao gian khổ; là tiếng ca vang của một người đã vượt ra khỏi bóng tối để bước vào ánh sáng. Tiếng kêu cuối cùng Đức Giêsu trên Thập giá cho thấy Thầy đã chết như một người chiến thắng sự chết, mở ra vinh quang sự sống cho tất cả những ai tin và bước theo Thầy.

Con người và thập giá là hai hình ảnh không thể tách rời trong cuộc sống nhân loại. Ngày nào con người còn là thập giá còn. Con người không thể coi thập giá như sự đối chọi nghiệt ngã của cuộc đời, nhưng cần phải coi như một sự tương tác để tồn tại và hình thành chính mình trong sự sống mới mà Thầy Giêsu đã làm nên. Con người và thập giá, tuy không tương đồng tương ứng, nhưng tương khắc tương sinh theo cách thức của Thiên Chúa.

Đức Giêsu đã rời khỏi Thập giá để cho ta bước lên: không phải Thập giá của hận thù, nhưng là Thập giá của tình yêu; không phải Thập giá của người tử tội bị ruồng bỏ trong cô đơn, nhưng là Thập giá của người công chính được ôm ấp vào lòng của Thiên Chúa. Đó là Thập giá của niềm vui và ân phúc, thập giá của tin yêu và hy vọng, vì được hiến thân cho người mình yêu.

Trên thập giá, Đức Kitô đã hoàn tất cuộc đời và sứ mạng trao ban ơn Cứu Độ của Thiên Chúa, Thập giá đã trở thành phương dược Thánh Giá đem lại sự sống cho con người. Đau khổ của con người đã trở thành gía trị mang lại ơn cứu độ, khi biết kết hợp và hòa nhập vào với giá máu của Thầy trên Thập giá.

Để chúng con được ánh sáng, Chúa đã trở nên mù lòa.
Để chúng con được hiệp nhất, Chúa đã chịu xa cách Chúa Cha.
Để chúng con được khôn ngoan, Chúa đã trở nên “dốt nát”.
Để chúng con được trở nên vô tội, Chúa đã trở thành người “tội lỗi”.
Để chúng con hy vọng, Chúa đã hầu như “tuyệt vọng”.
Để Thiên Chúa ở trong chúng con, Chúa đã cảm nghiệm tình trạng “bị bỏ rơi”.
Để chúng con chiếm hữu Thiên đàng, Chúa đã cảm nghiệm “hỏa ngục”…