Thứ Sáu tuần 30, Thường niên năm I: Sống yêu thương

Thu sau tuan 30 tn1 linhmucthanhtamvn.com

Thu sau tuan 30 tn1 linhmucthanhtamvn.com

“Ai trong các ông có con lừa hay con bò sa xuống giếng, mà lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sa-bát ?” (Lc 14,5)

Suy niệm: Cuộc sống với những ngành nghề đa dạng khác nhau. Mỗi ngành nghề lại cần mỗi phương pháp giáo dục khác nhau. Phương pháp nào cũng chứa đựng những nguyên tắc và phương thế để giúp đạt được mục đích dễ hơn và nhanh hơn. Vậy nên những phương pháp đó được gọi là sư phạm. Sư phạm vừa là kỹ thuật nhưng cũng là nghệ thuật.

Nhà sư phạm học Giêsu – bậc thầy của các nhà sư phạm đã thể hiện điều đó rất rõ trong cuốn tài liệu nổi tiếng nhất mọi thời đại của Ngài: Kinh Thánh. Trong cuốn sách có một không hai này, bậc thầy sư phạm Giêsu đã sử dụng rất nhiều những phương pháp sư phạm, với rất nhiều đối tượng tiếp nhận khác nhau như: Trẻ em, người già; người giàu, kẻ nghèo; người khôn ngoan, kẻ khờ dại; kẻ đau yếu bệnh tật, người khoẻ mạnh bình thường; người lương thiện, kẻ bất lương; ông chủ và gia nhân; kẻ bị quỷ ám cũng như người hiền triết; nam thanh cũng như nữ tú; kẻ kiêu ngạo hay người khiêm tốn… Thế nhưng có một phương pháp mà hơn một lần Chúa đã sử dụng: Phương pháp đặt câu hỏi. Và phương pháp này được Thầy Giêsu sử dụng điêu luyện với thuật ngữ: 5 Wh: Who, What, Where, When, and Why. Điều thú vị là với mỗi đối tượng tiếp nhận khác nhau, ở mỗi thời điểm, nơi chốn khác nhau, mỗi hoàn cảnh, sự việc khác nhau. Chúa Giêsu lại đưa ra nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ sư phạm, ví dụ biện chứng, câu hỏi, lập luận, và kết luận khác nhau.

Hôm nay, Chúa Giêsu lấy hình ảnh con bò bị rơi xuống hố trong ngày Sabbath để đưa ra câu hỏi  nhưng cũng chính là câu trả lời cho những ai có ý dò xét người vì người đã chữa lành kẻ bệnh tật trong ngày này. Với người Do Thái xưa, luật đã được ban hành là điều bất di bất dịch, làm những điều không được quy định trong luật cũng kể như là làm trái luật vậy. Hình ảnh con bò rơi xuống hố được chủ lập tức kéo lên trong ngày Sabbath có lẽ đi ngược lại luật định, nhưng lại là hành động cấp bách của tình thương, lòng bao dung, sự tôn trọng và bảo vệ sự sống. Tình yêu thương đó vượt lên trên tất cả những rào cản của lề luật. Hơn thế nữa, Đức Giêsu đã dùng phương pháp sư phạm “thực tế” đó chính là bằng đời sống và chân lý sống ” Tình Yêu” của Ngài, bằng sự tử tế của một nhà sư phạm học, và hơn hết là bằng sự khiêm tốn của một bậc thầy. Ngài đã cảm thông với lỗi đau khổ bệnh tật của con người và ra tay chữa lành. Con vật còn được ông chủ ra tay cứu vớt, huống chi chúng ta là con cái của Thiên Chúa – giá trị tuyệt đối mà Chúa đã tạo dựng lên, lẽ nào lại không được đoái thương cứu giúp sao!

Mời bạn: Tu sĩ, linh mục: Chúng ta là những nhà sư phạm đào tạo “nhân vị”. Theo gương Chúa Giêsu, chúng ta cần học và áp dụng phương pháp sư phạm của Ngài trong công cuộc loan báo Tin Mừng ở trần gian, đó là những phương pháp sư phạm của yêu thương, bao dung, khiêm nhường và thấu hiểu. Để từ đó Tin Mừng và dung mạo của Chúa Giêsu được lộ diện trong đời sống đức tin và được sinh trổ hoa trái nơi mỗi người Kitô hữu chúng ta.

Cầu Nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con cũng biết sử dụng phương pháp đặt câu hỏi.

Nhưng không phải là câu hỏi để lên án, chỉ trích,  trù ẻo, hay hạ thấp anh em mình, cũng không phải là câu hỏi để bắt lỗi, soi mói người khác, hay câu hỏi vặn vẹo của hơn thua. Mà là câu hỏi trước tiên cho chính bản thân chúng con, để từ đó chúng con khiêm tốn nhận ra những thiếu xót, bất toàn của chính mình. Hầu kiện toàn bản thân mình trở nên tốt hơn. Cũng xin cho chúng con thấu hiểu những yếu kém, sai lỗi của anh em mình mà thêm phần thông cảm, bao dung, và tha thứ bằng một trái tim yêu thương như Chúa đã yêu thương thế gian. Như vậy, chúng con mới xứng đáng là những môn đệ của Chúa, môn đệ của Thầy Chí Thánh Giêsu, mang sư phạm yêu thương vào cuộc sống và đẩy xa sự hận thù và ghen ghét, đố kỵ. Như lời kinh hòa bình của Thánh Phanxicô Assisi: “

“Ðể con đem yêu thương- vào nơi oán thù.

Ðem thứ tha- vào nơi lăng nhục.

Ðem an hoà- vào nơi tranh chấp.

Ðem chân lý- vào chốn lỗi lầm”

Lạy Chúa! Xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa.

Lẽ sống: Sống yêu thương, tôn trọng với người khác qua cách cư xử thân ái và lời nói có lễ có tình.

Tác giả bài viết: Thiện Tâm, Học viện