Thanh tẩy tâm-thể…
Sống quanh năm trong vùng nhiệt đới khí hậu nóng-ẩm, chỉ cần một ngày không tắm sẽ thấy kết quả làm người khác khó gần như thế nào. Và, nếu là cả ngày đi giầy, không tắm rửa vệ sinh sẽ còn kinh khủng hơn nữa. Nói như thế mới thấy vệ sinh gột rửa thân thể hằng ngày cần thiết như thế nào, để rồi ngay tử thuở mầm non, mọi người đều được dạy rằng:
Con heo không đi dép
Chân nó bẩn quá thôi
Vừa mới rửa xong rồi
Lại giẫm ngay xuống đất
Lúc nào cũng đi dép
Chân bé luôn sạch tinh
Nhớ lời cô giáo dạy
Bé giữ gìn vệ sinh
Và, cũng chính thói quen giữ gìn vệ sinh nên nhiều người giữ khoảng cách, tự xa lánh nhau khi gặp ai đó… ở dơ như một phản ứng tự nhiên, như một bản năng. Giữ gìn vệ sinh thân thể là cần thiết, còn tâm hồn thì sao?
Vào thời Thầy Giêsu, tôi tớ luôn phải có trách nhiệm rửa chân cho chủ vì đó chính là công việc của họ. Còn ở Việt Nam, không có “lệ” phải rửa chân cho chủ, nhưng những người ở, tôi tớ, lại phải khom lưng hoặc nằm xuống làm bậc thang cho chủ bước qua hay lên kiệu. Thầy Giêsu trong bữa tiệc ly, bữa tiệc ἀγάπη, đã hạ mình để làm việc của tôi tớ là rửa chân cho người khác, dù chính Thầy từng nói: “Tôi tớ không trọng hơn chủ” (Ga 13, 16a; Ga 15, 20); và “kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi” (Ga 13, 16b). Và đặc biệt hơn nữa, Thầy đã làm việc này ngay trong đêm cuối cùng của mình trên dương thế.
Một dấu ấn không thể phai mờ trong lòng các môn đệ, Thầy không chỉ dạy bài học yêu thương bằng lời nói, nhưng còn bằng trọn vẹn cuộc đời của Người. Thầy đã thể hiện cách cụ thể từ hành động yêu thương của mình: Thầy rửa chân là “người thực hành yêu thương”, còn người được rửa chân là “người được yêu thương” và nối dài trở thành người yêu thương người khác. Rửa chân cho người khác không chỉ là hành động yêu thương cách cụ thể, nhưng bên cạnh đó là chấp nhận “hạ mình” xuống trở nên người phục vụ: “ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20, 26), gạt bỏ đi cái Tôi kiêu ngạo hay giận hờn, ghen tức, luôn khó chịu với người khác để trở nên “tôi tớ của các tôi tớ”một cách trọn vẹn.
Để rồi, chính Phêrô đại diện các anh em tông đồ không thể chấp nhận, đón nhận hành động phục vụ nơi Thầy: “Thưa Thầy, Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” (Ga 13, 6); và còn lên tiếng mạnh mẽ hơn “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu” (Ga 13, 8a). Quá bất ngờ, vượt qua mọi định hình suy nghĩ, vì một Đấng Cao Quý dám làm chuyện ngược đời và động trời như vậy. Mắt chữ O và miệng chữ A, tất cả như đứng hình trước hành động của Thầy: “Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 13-15).
Nhẹ nhàng, êm ái, Thầy phá vỡ nếp sống bày tỏ yêu thương thường tình của con người vì những phát sinh từ yêu thương khiến bản thân người được yêu sai lầm: Đã Yêu thì phải Kính; Kính thì phải Nể; Nể thì phải Trọng; Trọng thì phải Vọng; mà Vọng nghĩa là Mong và như thế Mong thì thấy Nhớ; để rồi chính cái Nhớ lại là Yêu. Người được yêu ngày nay thường chỉ muốn dừng lại ở chữ Kính-Trọng-Nể nên trở thành người ích kỷ chỉ muốn thỏa mãn, gom yêu thương tập trung về bản thân. Để rồi từ đó, quên đi rằng cần tiếp bước đến chữ Yêu cuối cùng, cũng là chữ Yêu được đón nhận khởi đầu, trở nên yêu thương người khác chứ không chỉ là đón nhận để được yêu.
Yêu thương bắt đầu bằng mẫu tự Y có hình ngã ba để hướng lên Thiên Chúa, hướng về người khác, và hướng về chính mình để nhắc nhớ: yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi; đồng thời, yêu thương người khác như chính mình (x. Mc 12, 30-31).
Hãy sống như Thầy, hãy đáp trả lại Yêu thương của Thầy nơi anh em: “Anh em cũng phải rửa chân cho nhau”…
Tin cùng chuyên mục:
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người
Ngày 30/09: Thánh Giêrônimô, Linh mục – Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ bảy tuân XXV thường niên: Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang