Suy tư tháng 11
Cái mình có, cái mình là…
(Mt 23, 1-12)
Trong lời kinh cổ Cảm tạ niệm từ Phục Dĩ có đoạn:
Thiết niệm linh hồn (mỗ):
Tự tòng sinh tiền, chí kim tử hậu.
Thụ Thiên Chủ cực đại chi ân.
Lự thử hồn vô tình chi vật.
Bình sinh cư thế, bất thức, bất vụ, bất sự lực khuy.
Vãng nhật đa khiên hoặc tư, hoặc ngôn, hoặc hành hữu mậu.
Hoặc bị linh hồn kí hàm minh ngộ, ái dục tam năng,
đa vi biệt dụng bất chuyên ức, chuyên mộ, chuyên tư;
hoặc bị nhục thân nhĩ mục khẩu tị, thủ túc tứ thể, vọng tác tha kì,
mãng tuyền kính, tuyền tuân tuyền phụng.
Ngẫu tao, thử ách: thống hối vị chân…
Trộm nghĩ linh hồn…
Từ thuở sinh ra, sống cho tới chết, lãnh biết bao ơn Chúa mà những vô tình
Sống trên đời chẳng biết chẳng siêng chẳng phụng thờ hết sức
Ngày trước nhiều tội, hoặc nghĩ hoặc nói hoặc làm sai
Hoặc linh hồn đa mang ba điều nghĩ quấy yêu lầm muốn bậy
Làm điều mờ ám, chẳng nhớ chẳng một chẳng suy
Hoặc xác thịt vướng mắc tứ chi tai mắt mũi miệng lầm lỗi
Làm quấy sai ngoa, không kính không tuân không thờ
Nay thình lình gặp nạn, thống hối chưa nên…
Một lời kinh ngày nay ít được vang lên trong những ngày giỗ hay cầu nguyện cho các linh hồn nhưng trong đó chứa đựng trọn vẹn triết lý sống-chết của đời người. Ngay khi còn sống, con người đã mang trong mình sự chết, vì thế mà con người sẽ phải chết. Chết là một kết thúc của ta trong cuộc sống này, và mọi cái ta sở hữu cũng đều chấm dứt. Thật là một tư tưởng cay đắng cho những ai chỉ biết vui hưởng của cải trần gian, nhưng lại là một viễn tượng đáng khát vọng cho những người sống cơ cực (x. Hc 41, 1). Sự chết nhắc nhở ta về bản chất thật ngắn ngủi, thật mong manh phù du của đời sống con người trên dương thế. Đứng trước định mệnh khắt khe đó, người ta dễ có một nhận định sầu thảm đôi khi sinh ra một thất vọng chán chường (x. Sm 12, 23). Tuy nhiên sự khôn ngoan chân thực thì vượt xa nhận định ấy khi nhận biết thân phận mình nằm trong vòng tay Thiên Chúa. Điều đó giúp ta khám phá ý nghĩa sự sống đích thực qua sự chết. Khởi đầu tháng 11 có hai ngày đại lễ: các thánh Nam Nữ và cầu nguyện cho các đẳng linh hồn. Đây cũng là lời mời gọi mỗi người cũng phải nghĩ tới cái chết của chính bản thân. Đó là chuyến đi cuối cùng, một chuyến đi quyết định và quan trọng hơn tất cả, chuyến đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại.
Ai cũng biết như thế, nhưng biết về cái chết thì không ai quả quyết được là mình sẽ phải chết cách nào, chết nơi nào và chết vào giờ nào. Có người chết vì bệnh tật; có người chết vì tai nạn giao thông; có người chết vì chiến tranh; kẻ khác chết tuổi già; có kẻ chết yểu, chết non; có người vì động đất, sóng thần, thiên tai; lại có kẻ chết vì bị ám sát do thù hằn, do chính trị hay chết vì kẻ trộm chém giết để chiếm đoạt tài sản; có kẻ chết oan, vì người thân giết; Có những kẻ chết vì liều mình quên sinh; nhiều kẻ chết vì thuốc lá, rượu chè, ma túy… Người chết trong tư thế ngồi, nằm hay đứng; kẻ chết trôi, người chết vì điện giật; thậm chí có vô số sinh linh chưa được cất tiếng khóc chào đời thì đã bị thủ tiêu ngay trong bụng mẫu thân…
Và, Thánh Vịnh đã không ngớt vang lên:
“Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết,
Kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong” (Tv 49, 11)
Sách Giảng Viên cũng nói về số phận phải chết của con người rằng: “Quả thế, con người và thú vật đều cùng chung một số phận: bên này chết, bên kia chết; đôi bên cùng có sinh khí như nhau” (Gv 3, 19).
Đứng trước định mệnh khắt khe đó, người ta dễ có một nhận định sầu thảm đôi khi sinh ra một thất vọng chán chường (x. Sm 12, 23) hay có một cuộc sống buông thả hưởng thụ cho trọn kiếp người.
Đời người chóng lắm ai ơi,
chẳng ăn cũng thiệt, chẳng chơi cũng hoài;
Chơi xuân kẻo hết xuân đi,
Cái già sồng sộc ấy thì theo sau;
Lẳng lơ chết cũng ra ma,
Chính chuyên chết cũng tha ra ngoài đồng
Một nếp sống buông thả ngày càng rõ nét hơn từ khi học thuyết vô thần ra đời được nhiều đất nước áp dụng. Con người dường như đi vào đêm đen của sự chết chóc, mất dần đi những tinh hoa văn minh nhân loại, đồng thời phải chồng chất trên vai những gánh nặng bệnh tật, chiến tranh, lòng thù hận, trọn vẹn cuộc đời như mất dần phương hướng. Phần lớn những người tôn thờ và sống theo các học thuyết vô thần-duy vật đang trên đà mất dần bản tính người mà sống thiên về thế giới của động vật, thậm chí có kẻ biến chất thành dã thú. Đặc biệt hơn là vô thần trong thực tiễn, thực trạng các tệ đoan trong xã hội trong vài thập niên qua là bằng chứng về sự khủng hoảng niềm tin nơi con người. Thật đúng như câu nói bất hủ của thi hào Victor Hugo: “Trong tất cả mọi nỗi sợ hãi, điều đáng sợ nhất là những kẻ không tin vào một thứ gì trên đời”. Bởi khi họ không có niềm tin, họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì họ muốn một cách vô cảm. Kitô hữu sống trong một xã hội như thế cũng khó tránh khỏi bị ảnh hưởng và tiêm nhiễm dần theo dòng thời gian đến độ bản thân không nhận ra-không biết, sống tôn thờ theo tứ tai: tiền tài, danh vọng, quyền lực và hưởng thụ. Nếu không có niềm tin vào hạnh phúc đời sau, chết là hết thì thật là phi lý: kết thúc cuộc đời, những người ăn ngay ở lành, bác ái nhân hậu lại cũng chỉ có được kết cục như những kẻ có tâm địa độc ác, sống bất nhân và vô lương tri? Và nếu là như thế, con người ngày nay thường được đánh giá qua cái mình có hơn cái mình là.
Thế nhưng, mạc khải Kitô giáo đã cho biết rằng cái chết như cánh cổng to lớn mở vào thánh điện an vui vĩnh hằng. Như thánh Phaolô đã xác định: vào ngày cuối cùng, cái hư hoại trong ta sẽ trở nên bất hoại, cái khả tử sẽ nên bất tử (x. 1 Cor 15, 53). Kitô hữu tin rằng Thầy Giêsu đã chiến thắng sự dữ là cái chết, nhưng cũng biết rằng Thầy không chiến thắng sự dữ gây ra trong ta. Nhờ Đức Kitô, trong hy vọng thì tất cả đã thành đạt, nhưng trong thực tế, ta vẫn phải chịu đựng những bất hạnh. Niềm tin và hy vọng không diệt nổi bản năng sinh tồn, nhưng nó đem lại một tâm tình đón nhận bình thản và an vui.
Chính trong hi vọng được chia sẻ hạnh phúc đời sống vĩnh hằng, mỗi kitô hữu đáp trả lời mời gọi nên thánh ngay trong cuộc sống hiện tại: “anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Chỉ Thiên Chúa mới là nguồn mọi sự thánh thiện và Ngài mời chúng ta chia sẻ sự thánh thiện của Ngài. Nên thánh là đáp trả lời mời đó. Nên thánh là để cho tình yêu chi phối toàn bộ cuộc sống, là ra khỏi cái tôi hẹp hòi của mình để sống hết tình cho Thiên Chúa và tha nhân. Nên thánh là luôn lắng nghe tiếng Ngài và trung thành đáp lại trong giây phút hiện tại. Nên thánh là yêu mến cuộc sống mà Ngài tặng trao, là để cho Ngài yêu mình, nắm tay mình, dắt mình vào thế giới riêng tư của Ngài.
Con đường nên thánh thoát khỏi cái chết phi lý chính là Bát Phúc, thể hiện đời sống trong các mối tương quan: bản thân – Thiên Chúa – mọi người. Con đường này chính Thầy Giêsu đã đi và mời ta cùng đi: Thầy mời ta có tâm hồn nghèo khó, hiền lành để hoàn toàn tín thác vào một mình Thiên Chúa, có lòng khát khao sự công chính chỉ mong làm trọn ý Ngài; trong tương quan với tha nhân, Thầy mời ta có lòng thương xót, biết và chia sẻ nỗi đau của người khác, có tâm hồn trong sạch, nghĩa là sống ngay thẳng, chân thành, có tinh thần xây dựng hòa bình và công bằng xã hội là chăm lo phát triển toàn diện từng người và mọi người; lội ngược dòng đời vô thần-duy vật là chấp nhận mối phúc bị bách hại.
Và như thế, cái chết không còn trói buộc con người trong tận cùng cuộc sống, mà theo Léo Buscaglia, chuyên gia dạy Apprendre à vivre et à aimer/Học sống và yêu, chia sẻ: “Sự chết là một thách đố. Nó nhắc nhở chúng ta đừng bỏ phí thời giờ. Nó chỉ cho chúng ta phải lớn lên và phải trở nên như thế nào. Nó dạy cho chúng ta biết yêu thương nhau, và phải biết dâng hiến chính mình ngay từ bây giờ… Dù chúng ta không hiểu gì về sự chết, nhưng điều đó cũng chẳng cần thiết gì. Điều thiết yếu là phải sống bức thông điệp mà sự chết nhắn gởi cho chúng ta”.
Một cách cụ thể, sống Bát Phúc không là áp dụng cách máy móc cứng ngắc nhưng trong tình yêu:
Tình yêu kiên nhẫn, biết đón nhận người khác như họ là;
Tình yêu phục vụ, không chỉ bằng tình cảm hay lời nói nhưng bằng hành động cụ thể;
Tình yêu không ghen tị, nhưng trân trọng thành quả của người khác;
Tình yêu không khoe tự phụ, không coi mình hơn người khác;
Tình yêu dịu dàng không cứng cỏi;
Tình yêu quảng đại, cho đi mà không tính toán;
Tình yêu tha thứ, biết tìm hiểu người khác để thông cảm và tha thứ hơn là soi mói;
Tình yêu vui với niềm vui của người khác, chứ không vui vì sự thất bại của họ;
Tình yêu chịu đựng, gìn giữ miệng lưỡi, tránh xét đoán và nói xấu;
Tình yêu tin tưởng tất cả nên không tìm cách thống trị nhưng tôn trọng người khác;
Tình yêu hy vọng tất cả vì Thiên Chúa có thể vẽ đường thẳng bằng những nét cong;
Tình yêu chịu đựng tất cả với thái độ tích cực (HĐGM.VN, Tâm thư gửi Gia đình Công giáo 2017)
Tin cùng chuyên mục:
Thứ ba tuần XXVI thường niên: Phản ứng của con người khi gặp trái ý hay đau khổ
Thứ hai tuần XXVI thường niên-Các Thiên thần hộ thủ, Lễ nhớ
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người