Máu Tử Đạo – Máu của tình yêu tận hiến (Congo, năm 1964)

Cac News

Cac News

Tháng mười một đong đầy những niềm nhớ với nhiều sự kiện đặc biệt. Ngày đầu tháng, chúng ta mừng kính trọng thể chư thánh vinh hiển trên bàn thờ các thánh. Ngày thứ hai, toàn thể Kitô hữu khắp nơi trên thế giới cầu nguyện đặc biệt cho những người đã qua đời. Đây là mầu nhiệm hiệp thông Kitô giáo giữa giáo hội lữ hành trần thế với những linh hồn nơi luyện ngục. Đặc biệt, ngày 24 tháng mười một, chúng ta mừng kính trọng thể lễ các thánh tử đạo tại Việt Nam. Cách riêng, ngày 26 tháng mười một hàng năm, với anh em tu sĩ Dòng Linh Mục Thánh Tâm chúng ta trên toàn thế giới thật đặc biệt, chúng ta tưởng nhớ đến quý anh em tu sĩ Dehoanias đã tử đạo mà biến cố đau thương những ngày 25, 26, 27 tháng mười một năm 1964 không khỏi nhắc chúng ta về quá khứ hào hùng của đời sống chứng tá cho Chúa Kitô, cho Tin mừng và các giá trị của Tin mừng được lan tỏa. Thật vậy, máu các vị tử đạo SCJ đã đổ ra vì tình yêu tận hiến cho Thiên Chúa, cho Thánh Tâm Chúa Giêsu với quyết tâm làm chứng cho Chúa đến hơi thở cuối cùng.

  1. Đoàn người tử đạo SCJ, các ngài là ai?

            Đoàn người tử đạo SCJ đông đảo ấy có 28 tu sĩ, là những giám mục, linh mục, tu sĩ còn rất trẻ. Các ngài đã tận hiến tuổi thanh xuân cho Thiên Chúa trong linh đạo của Mẹ Hội Dòng với ước mong bước theo chân Chúa Giêsu thật gần trên con đường tận hiến và đền tạ cho Thánh Tâm Chúa Giêsu mà cha Leo Dehon, tổ phụ lập Dòng, đã đi qua.

            Các ngài đã sống trào tràn đoàn sủng của Hội Dòng, đoàn sủng của một tu sĩ yêu như Chúa đã yêu. Các ngài đã ra đi, đến với khắp nơi, đặc biệt là những nơi khó khăn nghèo khổ, áp bức, bạo tàn, những nơi cần lắm sự hiện diện của các ngài, để đồng hành với đoàn dân Chúa, để giới thiệu Tin mừng Chúa cho mọi người. Các ngài đã sống căn tính người tu sĩ Dehonians như thế, vui vẻ và nhiệt thành, tin tưởng và hi vọng.

            Các ngài cũng đã có kinh nghiệm về tình yêu Thiên Chúa và kinh nghiệm về tình yêu Thập giá của Đấng chịu đâm thâu. Tình yêu ấy được nuôi dưỡng và bồi đắp từng ngày qua việc kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể trong liên lỉ nguyện cầu. Hơn bao giờ hết, sống trong thời cuộc nhiễu nhương hỗn loạn, các ngài cũng đã ao ước đáp lại mối tình Chúa đã yêu bằng hành động cụ thể. Và rồi, các ngài đã ngã xuống, máu của các ngài chảy trào như minh chứng cho mối tình nồng nàn của Thiên Chúa yêu con người, không thù hận.

  1. Máu tử đạo, máu của tình yêu vâng phục[1]

            Vào ngày 30 tháng 6 năm 1960, Côngô giành được độc lập từ Vương quốc Bỉ. Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng là ông Patrice Lumumba, tại vị chưa đầy ba tháng thì bị ám sát ngày 17 tháng 1 năm 1961. Trong những năm tiếp theo, nhiều cuộc nội chiến nổ ra vì lý do tư tưởng và sắc tộc, liên quan đến nhau trước sự hiện diện rất mạnh mẽ của Bỉ trong quân đội, hành chính và kinh tế, cũng như ảnh hưởng của các cường quốc khác nhau trong Chiến tranh Lạnh, đặc biệt là Hoa Kỳ, Liên Xô, Cuba và Trung Quốc. Tất cả những điều này khiến cho sự phát triển hòa bình hướng tới độc lập thực sự là điều không thể.

Nhiều người Côngô đặt nhiều hy vọng vào sự độc lập, với triển vọng cải thiện điều kiện sống của họ, nhưng phần lớn đều thất vọng. Trong bối cảnh đó, cuộc nổi dậy Simba đã diễn ra, kéo dài từ năm 1963 đến năm 1965 và trong thời gian đó một phần lớn miền đông Côngô đã bị họ chinh phục. Nhiều binh sĩ của quân nổi dậy nhìn thấy các nhà truyền giáo mặc đồ trắng và các nữ tu tiếp tục hiện diện tại miền thuộc địa cũng như việc sở hữu những kiến ​​thức và quyền lực đáng sợ vốn cản trở, trong mắt họ, tương lai của một Côngô độc lập.

Bầu không khí thất vọng của xã hội, ngờ vực và tranh giành quyền lực này đã dọn đường cho một vụ bùng nổ bạo lực, trong đó nhiều nhà truyền giáo, tu sĩ và giáo lý viên là nạn nhân, trong số đó có 28 nhà truyền giáo là tu sĩ Dehonians, vào tháng 11 năm 1964. Nhiều người trong số họ lẽ ra đã thoát khỏi bạo lực bằng cách ẩn náu trong thành phố lớn, nhưng họ đã chọn ở lại những nơi truyền giáo không được bảo vệ, cùng với đoàn chiên là các cộng đồng Kitô hữu được giao phó cho họ chăm sóc. Cuộc đời của ngài là chứng tá của Tin Mừng, bao trùm mọi người và mọi nền văn hóa, vượt lên trên mọi chủ nghĩa dân tộc, bạo lực hay ý thức hệ. Các ngài đã noi gương Thầy Chí Thánh Giêsu đến hơi thở cuối cùng, quyết bảo vệ đoàn chiên Chúa, chu toàn sứ mạng và trách nhiệm Chúa đã trao phó.

Các ngài, những nhà truyền giáo SCJ, vì tình yêu Chúa Kitô thúc bách, đã cống hiến cuộc đời mình cho dòng sông Côngô, “dòng chảy của tình yêu” vâng phục. Các ngài là những chứng nhân của tình yêu Thánh Tâm Chúa Giêsu, nồng nàn và bất diệt. Những hình ảnh về dòng sông cho thấy, bất chấp những sự kiện khủng khiếp xảy ra trên bờ của nó – một số thi thể của các nhà truyền giáo Dehonians đã bị ném xuống nước – nó vẫn tiếp tục tượng trưng cho ước muốn của các nhà truyền giáo trong việc loan báo Tin Mừng cho người dân trong địa hạt mục vụ của các ngài. Sự hiện diện của bốn anh em Dehonians người Côngô là biểu tượng sống động của hạt lúa đã sinh hoa trái. Ngày nay, hơn 80% dân số Côngô theo đạo Thiên chúa, một nửa là Công giáo.[2]

  1. Máu tử đạo, máu của tình yêu tận hiến

            Các ngài, những nhà truyền giáo SCJ tử đạo, đã nêu gương sáng cho đoàn dân Chúa hôm nay và mãi đến mai sau. Chúng ta cùng điểm qua một vài hình ảnh nổi bật về gương sáng của các ngài:

            + Đức cha José Wittebols, SCJ (1912-1964). Ngài đã viết: “Cuộc sống sẽ vô nghĩa nếu không được cho đi…. Chúng ta sẽ không thực sự tận hiến nếu chúng ta tận hiến một cách dè dặt và giới hạn. Hãy tận hiến tất cả cho Thiên Chúa.” Ngài là một tu sĩ SCJ người Bỉ, khấn Dòng năm 20 tuổi. Năm 28 tuổi ngài được thụ phong linh mục và ngay sau đó lên đường đến miền truyền giáo Côngô. Tại đây, ngài đã phụ trách việc thành lập Trường Cao đẳng Thánh Tâm, nơi ngài điều hành cho đến năm 1949, khi ngài được bổ nhiệm làm giám mục (năm 37 tuổi) của hạt đại diện tông tòa mới của Wamba. Dưới sự hướng dẫn của ngài là một mục tử năng động, quảng đại và dám nghĩ dám làm, giáo phận tông tòa Wamba khi ấy đã trải qua một thời kỳ thịnh vượng. Tuy nhiên với biến cố 1963 – 1964, sau một thời gian dài bị tra tấn, sỉ nhục và hành hạ, ngài bị sát hại ở Wamba vào ngày 26 tháng 11 năm 1964.

            + Cha Bernardo Longo, SCJ (1907 – 1964). Ngài đã viết: “Thánh Tâm ban cho tôi rất nhiều bình an nội tâm”. Ngài gia nhập Dòng Linh Mục Thánh Tâm Chúa Giêsu và được thụ phong linh mục năm 1936. Hai năm sau, ngài đến miền truyền giáo Thượng Côngô. Năm 1950, ngài làm việc ở Nduye, nơi đã trở thành sứ mạng, tình yêu, tử đạo của ngài. Là một nhà truyền giáo với trái tim quảng đại và năng động, sống nghèo giữa những người nghèo, ngài nhân rộng các sáng kiến ​​hỗ trợ việc truyền giáo cũng như thăng tiến nhân bản và thiêng liêng cho người dân. Ở đỉnh cao của cuộc cách mạng Côngô, ngài muốn ở lại với đàn chiên của mình. Sau đó, ngài bị bao vây bởi quân Simbas có vũ trang và đầy đe dọa, tuy nhiên ngài đã xác quyết: “Chúng tôi chấp nhận cái chết như một hành động của tình yêu, vì sự cứu độ của những người này và những người Pygmy.” Ngài đã bị một ngọn giáo đâm vào ngực, và sau đó qua đời ở ngoại ô Mambasa vào ngày 3 tháng 11 năm 1964.[3] Ngày 3 tháng 11 năm 2023, nhân dịp kỉ niệm 59 năm ngày ngài tử đạo, giáo phận địa phương nơi ngài ngã xuống, đã hoàn tất thủ tục hồ sơ điều tra phong thánh cấp giáo phận cho ngài.[4]

            Trên đây là hai trong số rất nhiều gương sáng nổi bật của các ngài. Lịch sử Hội Dòng sẽ còn gọi mãi tên các ngài như chứng tá của tình yêu Thánh Tâm trong cơn khốn quẫn bách hại của đời người. Máu các ngài đã nhuộm thắm một dải đất Côngô xinh đẹp để hạt lúa mì gieo vào lòng đất nay trổ sinh bông hạt dồi dào. Và hôm nay, Mẹ Hội Dòng cũng mời gọi chúng ta ra đi, sống dấn thân làm chứng cho Tin mừng giữa dòng đời như các ngài đã nêu gương. Hoàn cảnh hôm nay có lẽ không còn khắc nghiệt như xưa đến mức đổ máu tử đạo như các ngài nhưng giữa những đổi thay của đời người, chúng ta cũng mạnh dạn lội ngược dòng đời sống cho các giá trị của sự thật, chân lí và tình thương mà Tin mừng đã mời gọi.

            Tắt một lời, như giáo phụ Tertullianô ở thế kỉ thứ ba đã viết: “Máu các thánh tử đạo trổ sinh các tín hữu”. Quả vậy, tình yêu của các ngài, đời sống chứng tá của các ngài về kinh nghiệm tình yêu Thiên Chúa và đáp lại mối tình ấy, giúp chúng ta nhớ lại mối tình Chúa đã yêu và chọn gọi mỗi người chúng ta trong ơn gọi là một tu sĩ của lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa. Hận thù, chiến tranh chỉ mang lại mất mát, đau khổ và chết chóc, chỉ có tình yêu mới mang lại nụ cười, hạnh phúc và bình an. Ước gì với dịp kỉ niệm năm nay, mỗi chúng ta, những tu sĩ SCJ, được thừa hưởng kho tàng đức tin phong phú và quý báu của các vị tử đạo, cũng quyết tâm sống cho mối tình Chúa yêu con người được hiển tỏ nơi gian trần, để bước chân chúng ta đi luôn có ơn Chúa và lời cầu nguyện của các vị tử đạo đồng hành, dù bất cứ nơi đâu, bất cứ cộng đoàn nào, bất cứ sứ vụ nào cũng sống đúng căn tính của một người tu sĩ Chúa yêu theo linh đạo “tận hiến và đền tạ”. Mong ước một ngày không xa chúng ta sẽ được nhìn thấy các ngài được tôn vinh trên bàn thờ các thánh. Xin các ngài giờ đây vinh hiển trên cõi trời thiên quốc cũng cầu bầu cùng Chúa cho mỗi chúng ta hôm nay thêm hăng say và yêu mến Trái Tim cực thánh Chúa để ngày sau được hợp tiếng với các ngài và triều thần thánh trên trời ca khen chúc tụng tôn vinh chúc tụng Chúa chẳng khi đừng.

Tác giả bài viết: Tu sĩ Chúa yêu, SCJ

[1] Ramón Domínguez Fraile, scj, Tưởng nhớ chân phước Maria Clementina Anuarite Nengapeta 28 tu sĩ Dehonians bị sát hại vào năm 1964 trong cuộc nổi loạn Simba ở Côngô. https://www.dehoniani.org/es/jornada-de-la-memoria-dehoniana-2/ (truy cập ngày 14/11/2923)

[2] Tổng Giáo phận Madrid, Tây Ban Nha, Côngô, 1964: tưởng nhớ 28 nhà truyền giáo Dehonian đã tử đạo. (2014) https://www.archimadrid.org/index.php/oficina/mundo/O197407 (truy cập ngày 14/11/2023).

[3] Một Giáo hội tử đạo ở trung tâm Châu Phi – Chứng nhân tình yêu của Thiên Chúa. https://www.dehoniani.org/wp-content/uploads/Testigos-del-amor-de-Dios.pdf (truy cập ngày 14/11/2023).

[4] https://www.dehoniani.org/es/un-paso-mas-hacia-la-beatificacion-del-p-longo/ (truy cập ngày 14/11/2023).