Lương thực tình yêu
(Đnl 8, 2-3.14b; 1 Cr 10, 16-17; Ga 6, 51-58)
Có lẽ giới trẻ ngày nay vì sống trong ấm êm, đầy đủ hơn nên không cảm nhận được, hiểu được, và có thể nói không biết được cách rõ nét biến cố năm Ất Dậu. Trong tâm thức cha ông, đặc biệt miền Bắc, không ai có thể quên cái kinh hoàng của nạn đói năm 1944-1945. Tại miền đất Thái Bình, một vùng đồng bằng được mệnh danh « cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi » lại trở nên :
Năm Ất Dậu tháng ba còn nhớ mãi
giống Lạc Hồng cực trải lắm đau thương
những thây ma thất thểu đầy đường
rồi ngã gục không đứng lên vì đói
(Bàng Bá Lân)
Không đề cập đến yếu tố lịch sử, nguyên nhân dẫn đến biến cố đó, nạn đói khủng khiếp đã cướp mất hơn 1 triệu người. Mỗi bữa ăn được đếm từng hạt lúa, nhai cả trấu hay húp từng chén cháo lỏng trộn cám. Hết lúa, hết gạo chẳng còn gì, từng đoàn người ăn xin da bọc xương với đủ mọi lứa tuổi dìu dắt nhau đi lang thang và chết rơi rụng dần đến nỗi gom thành những nấm mộ tập thể. Mỗi đợt cứu trợ là tranh dành đạp lên nhau, lên đồ tiếp tế để rồi sau đó là một vài xác trẻ em quyện lấy đồ ăn nát bét. Cả nhà đói, cả dòng họ đói, cả làng cả xóm cùng đói… Cái đói, cái khát trở nên bóng ma kinh hoàng ám ảnh con người.
Để rồi từ đó mới cảm nhận được từng hạt gạo, từng cọng rau quý đến thế nào. Nếu lương thực nuôi sống hằng ngày cần thiết như thế, có món quà lương thực còn cao trọng hơn được trao ban nhưng không cho con người : lương thực hằng sống. Nếu mana trở nên của ăn đường trong hoang mạc cho dân tuyển chọn, Thánh Thể là nguồn lương thực Hằng Sống dành cho dân Chúa. Cùng là lương thực nuôi dưỡng con người, nhưng mana cũng như bao lương thực khác chỉ xoa dịu cơn đói, nuôi sống tức thời. Còn Thánh Thể là chính Mình-Máu Ngôi Hai Thiên Chúa, là bánh trao ban sự sống đời đời : « Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói ; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ » (Ga 6, 35).
Nguồn lương thực đó như món quà tuyệt vời nhất được Thầy Giêsu tặng ban cách nhưng không cho nhân loại trong bữa tiệc cuối cùng của Người với các môn đệ thân yêu. Một bữa tiệc mà chính Thầy đứng ra sắp xếp từ trước với những điểm lạ : gặp một người đội vò nước và một căn phòng đã chuẩn bị cho bữa tiệc. Ở miền Trung Đông, đàn ông mang vò nước là điều lạ bởi vì thường chỉ có phụ nữ mới làm công việc múc nước này ; chẳng khác gì một điểm khác biệt để các môn đệ dễ nhận diện. Cuộc gặp gỡ được báo trước giữa hai môn đệ và người đàn ông đội vò nước là dấu chỉ Thiên Chúa chọn Thầy Giêsu làm Vua (x. 1 Sm 10, 1-11).Và, có cả « mật hiệu » với căn phòng được chuẩn bị sẵn. Nói cách khác, đây là bữa tiệc của Thầy, do chính Thầy đứng ra chuẩn, Thầy là chủ buổi tiệc ; không phải là Thầy được mời tham dự, nhưng Thầy mời và các môn đệ là khách được mời.
Một bữa tiệc với bầu khí trang trọng nhất được Thầy chuẩn bị đến từng chi tiết như thế được gọi là Bữa tiệc Vượt Qua mới dành cho một dân tộc mới, không còn là dân tuyển chọn mà là dân Chúa. Với vai trò chủ tọa, thầy Giêsu cầm lấy, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao ban (Mc 14, 22-23). Thầy đã lập lại cách trang trọng những cử chỉ, nghi thức dân tuyển chọn nhưng thánh hóa thành ý nghĩa mới cách trọn vẹn. Bởi vì, Thầy Giêsu đã đặt những cử chỉ đó trong tương quan với cuộc Vượt Qua của Người, với mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của mình.
« Này là mình thầy ; này là máu thầy » (Mc 14, 22.24), Người nói sau khi bánh được bẻ ra và rượu được rót đầy để xác định không có sự tách biệt giữa xác và hồn, nhưng trọn vẹn con người của Thầy tự hiến và thiết lập Giao ước mới, giao ước tình yêu được trao ban nhưng không. Trong bữa ăn này, các môn đệ cảm nghiệm được không phải chỉ là sự giải phóng khỏi những thế lực sự chết, nhưng còn cảm nếm bánh ban sự sống vĩnh cửu. Và, bữa tiệc này không chỉ diễn ra một lần nhưng kéo dài hằng ngày nơi bàn tiệc Thánh Thể. Cũng như, lãnh nhận Mình-Máu thánh vào lòng, là để cho Thầy hòa tan vào cuộc đời mỗi người, để cho Thầy từng bước thánh hóa bản thân ngày càng trở nên giống Thầy hơn.
« Này là mình thầy ; này là máu thầy », bàn tiệc Thánh Thể luôn được chuẩn bị sẵn mời gọi mọi người đến tham dự cảm nếm tình yêu tuyệt vời của Thầy Giêsu để từng bước thay thế « chất con người, chất tôi » thành « chất Thầy thánh thiêng », để biến « tôi » thành một « Giêsu thứ hai ». Còn tôi, tôi đến tham dự bàn tiệc Thánh đó thế nào ?
Tin cùng chuyên mục:
Thứ ba tuần XXVI thường niên: Phản ứng của con người khi gặp trái ý hay đau khổ
Thứ hai tuần XXVI thường niên-Các Thiên thần hộ thủ, Lễ nhớ
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người