ĐÔI DÒNG CẢM NGHIỆM SAU CHUYẾN ĐI TRẢI NGHIỆM ĐỜI SỐNG CỦA ANH EM THỈNH VIỆN THÁNH GIUSE, SCJ

63 lượt xem Hoạt Động
081020 2 main

Trong chương trình của giai đoạn Tiền Tập tại Thỉnh viện Thánh Giuse, SCJ, tuần trải nghiệm thực tế được các Cha đồng hành sắp xếp vào tuần cuối của tháng Tám (từ ngày 24/8/2020 đến ngày 30/8/2020). Công việc trải nghiệm năm nay của chúng tôi là học cách sống như và làm với người lao động tại một vườn cây ăn trái vườn tọa lạc tại thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Bước đi trong sứ vụ là trải nghiệm đầu đời của mỗi người tu sĩ. Bản thân chúng tôi cũng thấy mình được sống với những kinh nghiệm thực tế mà chúng tôi sẽ phải trải qua trong hành trình dấn thân của đời tu. Mỗi lần bước ra vùng ngoại biên là một lần chúng tôi được học hỏi và làm việc.

Sáng thứ Hai ngày 24/8/2020, tạ ơn Chúa đã cho xe di chuyển đưa chúng tôi đến khu vườn một cách bình an. Khi đến nơi, chúng tôi được chào đón bởi gia đình anh chị Lý Thương là người sống và làm việc tại đó. Sau giờ nghỉ trưa, chúng tôi được hướng dẫn các công việc cần làm trong tuần. Anh chị hướng dẫn các khu vực dụng cụ lao động và hướng dẫn cho các anh em dùng cưa máy như thế nào. Ở đây, mọi thứ trong nhà đầy đủ tiện nghi, đồ ăn cũng có sẵn. Có lẽ, cuộc trải nghiệm thực sự như một người thợ vườn của chúng tôi đã không còn lo lắng về cơm áo gạo tiền nữa mà chỉ còn chăm chỉ làm việc. Chọn nghề làm vườn là chọn lấy những chuỗi ngày sống vui buồn cùng cây lá. Quả vậy, với sự trải nghiệm và hóa thân thực sự vào công việc của một người làm vườn, chúng tôi những tưởng rằng thế giới của những con người trong cái nghề này dường như nhỏ bé lắm, chỉ nằm vỏn vẹn trong những hàng cây, ngọn cỏ; thế nhưng, chính trong cái thế giới của cây cỏ ấy lại cho chúng tôi thấy được hình ảnh của một con người tầm vóc khi dung dị, hòa chan niềm vui của một con người với sự an nhiên tự trời của ngọn cỏ, lá cây.

Sáng hôm sau chúng tôi bắt đầu công việc theo giờ đã được ấn định trong thời biểu của tuần. Lúc này, bắt đầu thấy sự lúng túng, lo lắng, bàn luận của các anh em vì chưa quen dùng cưa máy. Các anh em còn lại thì kéo nhành, tỉa và dọn lá cho thuận tiện việc sử dụng củi sau này. Công việc bắt đầu quen dần và năng suất tăng dần đến không ngờ. Nhưng với khả năng sẵn có, sức trai trẻ và sự hun đút vui vẻ chúng tôi đã cưa xong 6 cây trong vòng hai ngày rưỡi. Trong số những cây chúng tôi cưa thì có một thân cây hầu như rỗng toàn bộ tưởng chừng như là phần việc dễ dàng nhất trong ngày nhưng hóa ra lại khiến chúng tôi đổ mồ hôi nhiều hơn cả. Và chính thân cây rỗng ấy lại là những bài học quý giá liên hệ tới cuộc sống của tôi trước và sau những ngày là thợ làm vườn ấy. Có lẽ không có gì đáng nói nếu thân cây rỗng đó chết khô hay không sinh hoa kết quả, hay đơn giản là nó nằm tại một vị trí thoáng đãng và cho chúng tôi chỉ khoảng ba phút đồng hồ để “hạ gục” nó bằng một lưỡi cưa ngang gốc. Nhưng trớ trêu thay, nó nằm sát hàng rào thép B40 sắc nhọn cùng không ít trở ngại là hai đường dây điện và các cây sầu riêng khác cần bảo vệ. Chính vì thế, cách duy nhất là chúng tôi phải leo lên và cưa từng cành nhỏ, kết hợp với cách buộc dây để kéo cành đổ theo hướng chúng tôi muốn. Và cứ thế, từng cành nhỏ, từ thấp lên trên cao, dần dần rơi xuống sau từng đường cưa. Và đến phần thân cây, không ai nghĩ rằng một thân cây to, đẹp, nhìn bên ngoài không sâu hay khiếm khuyết nào lại là một thân cây rỗng đến một nửa như thế. Nhưng chính người thợ làm vườn lâu năm ở đó đã biết rằng cây đó là cây rỗng, đã mục từ bên trong, dù vẫn ra một số trái nhưng cần đốn hạ, điều mà chúng tôi không nhận ra.

Một thân cây rỗng như thế khá khó để nhận biết với đôi mắt thợ làm vườn nghiệp dư như chúng tôi, và chúng tôi đã gặp không ít khó khăn để hạ gục thân cây to nhưng rỗng ấy. Điều đó làm chúng tôi nghĩ đến quá trình đào tạo mà chúng tôi đang trải qua. Có những “thân cây” to của cái tôi, của khuyết điểm hay của những điều không phù hợp với đời sống tu trì dấn thân theo Chúa, những “thân cây” to ấy cần phải cắt tỉa và đốn hạ. Nhưng để nhận biết những thứ cần cắt tỉa và đốn hạ như thế, chỉ dưới sự linh hướng của Thiên Chúa qua bàn tay các cha giáo thì những điều đó mới tỏ lộ. Còn với chúng tôi, để hạ gục “thân cây mục rỗng” nằm sâu trong chúng tôi là điều không hề dễ dàng. Một người bỡ ngỡ bắt đầu bước vào đời tu như chúng tôi đâu có thể dễ dàng nhìn nhận ra sự mục rỗng sâu thẳm trong “thân cây” con người chúng tôi, và chính chúng tôi cũng bao lần cố gắng để bào chữa hay tìm mọi cách để giữ lại “thân cây” ấy. Và cưa bỏ đi những thói quen cũ, những điều không phù hợp như thế đâu có nhẹ nhàng gì mà còn sẽ phải đau đớn, sẽ “chảy nhựa” hoặc đơn giản là không còn gì. Nhưng nếu không hạ thân cây mục rỗng ấy đi thì sẽ có một ngày nào đó nó tự nhiên gẫy đổ đè bẹp và gây nguy hiểm cho con người và cây cối xung quanh. Như thế bởi tác hại và nguy hiểm của thân cây mục rỗng nên cần phải đốn hạ, và chúng tôi cần phải chấp nhận thực tế rằng chúng tôi phải đốn hạ nhiều điều để có thể theo Chúa. Nhưng còn điều tốt đẹp và giá trị khác nữa của thân cây rỗng ấy là bài học khác cho chúng tôi khi nhìn vào một điều gì đó bị coi là khiếm khuyết.

Để cho sinh vật khác sống trong thân mình, chính thân cây bơ ấy đã phải chịu đục khoét để có đủ khoảng trống nhưng vẫn cố gắng vươn mình và phát triển bên phần vỏ cây để bù lại. Và có lẽ, để cho anh em có thể sống cùng và sống với, bản thân mỗi người trong chúng tôi cũng cần dành chỗ cho anh em mình trong “thân cây” là trái tim của chúng tôi vậy. Nếu như không ai khác, thậm chí ngay cả Thiên Chúa, có thể chiếm một chỗ trong trái tim của mỗi chúng tôi thì có lẽ “thân cây” như chúng tôi sẽ sống trơ trọi một mình, và dần dần sẽ gục ngã bởi một cơn gió mạnh nào đó thổi qua. Nhưng nếu cũng cơn gió ấy mà có cùng anh em khác bên cạnh, thì mỗi anh em chúng tôi sẽ có thể đứng vững và vươn cao hơn. Nhưng để có khoảng trống bên trong ấy, cần có vỏ ngoài phát triển và bù đắp lại công việc của một thân cây đã bị khoét rỗng. Do vậy, để có thể sống cùng và sống với, chúng tôi cần phát triển những mối tương giao bên ngoài chúng tôi, đặc biệt là tương quan với những anh em bên cạnh. Để vươn ra bên ngoài bản thân, để vượt qua cái tôi ích kỷ có lẽ không hề dễ dàng và đâu có thể đạt được một sớm một chiều. Vươn ra để dấn thân, để phục vụ, để học hỏi, để không che giấu khuyết điểm và cũng sẵn sàng sửa sai,… đó là những gì mà một “thân cây” cần phát triển để cho người khác có thể sống cùng và sống với, đặc biệt hơn là họ có thể có một chỗ trống trong chính chỗ rỗng của thân cây ấy là một chỗ trong trái tim cho anh em và cho Thiên Chúa.

Ngày tiếp theo thì chúng tôi gom lá khô, cuốc cỏ, dọn vườn. Công việc dường như nhẹ nhàng nhưng cũng mất khá nhiều thời gian thu gom, điều đáng học là không được gom thành đống và phải gom thành hàng dài vì dưới tán cây nếu gom lá khô thành đống cao sẽ dễ cháy tán cây không thể đốt bừa. Sang ngày thứ sáu, thu gom thân cây đã cưa để tập kết chúng một chỗ để tiện cho việc sử dụng. Công việc này đòi hỏi phải có sự chung sức, thay phiên nhau vì có nhiều cành to và nặng. Sáng thứ bảy tiếp tục chuyển thân gỗ, chống đỡ những cành xà thấp xuống đất. Chiều thứ bảy chúng tôi được nghỉ ngơi thu dọn hành lý, tham dự thánh lễ chung với gia đình.

Niềm vui, sự hạnh phúc trước nhất của một người làm vườn thực tâm là khi nhìn thấy những hàng cây mình chăm bón đứng vững trước những trận mưa giông, gió mạnh, được nhìn ngắm những cành non vẫn mạnh mẽ vươn mầm dù cho có bị quật ngã trước giông bão. Và có lẽ, trong sự trải nghiệm riêng của bản thân, niềm sướng vui hơn cả của một người làm vườn không gì khác là được bước ra mảnh vườn mỗi sáng, được sờ chạm và tận mắt thấy được những mảnh ước mong mà ta đã ký gửi vào mỗi hàng cây, nhánh hoa, để thấy được ta vẫn còn sức khỏe mà vun xới cho những mầm sống đang hiện diện trước mặt và tiếp tục cuộc sống ta chọn qua cái nghề của chính ta. Vậy có phải chăng cuộc sống hạnh phúc mà con người mãi kiếm tìm là những nụ cười, niềm vui trong những khoảnh khắc đời thường, những đổi biến nhỏ bé trong công việc, là sức khỏe đủ đầy để ta đi đến những mốc điểm kế tiếp của cuộc đời?

Như vậy, qua chuyến trải nghiệm này như một lời thức tỉnh để tôi nhìn lại bản thân về cách sống, cách ăn nói và đối nhân xử thế với những người thân nơi cộng đoàn và mọi người xung quanh. Đồng thời, nhắc nhớ tôi dù có khó khăn, gian nan, thử thách, sóng gió hãy ký thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa và hãy kiên trì thì sẽ được hạnh phúc.

BTT THỈNH VIỆN THÁNH GIUSE, SCJ