Đi tu để làm gì!

279 lượt xem Ơn Gọi
di tu de lam gi

Đi Tu là gì?

Người Việt nam thường nói về tu:

“Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Đối với các bạn trẻ, tôi muốn giải nghĩa như

sau:

– Tu tại gia là sống hiếu thảo với cha mẹ ông bà, nhân nghĩa với anh em là sống bậc vợ chồng, bậc gia đình thông thường như mọi người.

Đó là con đường chung cho nhân loại.

– Tu chợ là làm việc trong xã hội, giúp dân, giúp nước với tư cách liêm chính (không tham lam, hối lộ, nạt nộ, ức hiếp) theo quyền chức mình có, nhưng hết lòng cứu người, giúp đời.

– Tu chùa là bỏ đời, vào sống trong chùa, nương mình dưới sự phù hộ của Đức Phật, ngày ngày ăn chay, sám hối, tu luyện bản thân, sớm hôm tụng kinh, niệm Phật, mong được qua kiếp này rồi lên niết bàn.

Đối với người Công giáo, thay vì gọi là tu chùa, người ta nói là đi tu Triều hay tu Dòng. Tu Triều là làm linh mục giúp giáo dân trong các xứ đạo. Tu Dòng là xin vào mộtdòng nào đó, có hoạt động mình ưa thích, để thánh hóa bản thân theo 3 lời khấn dòng: vâng lời, khiết tịnh, khó nghèo, giữ hiến pháp,

kỷ luật để làm vinh Danh Chúa, học tập trở thành linh mục, thầy dòng hay nữ tu. Nữ tu còn gọi là dì phước, chị dòng, bà sơ (sister), giúp người giúp đời theo chủ đích riêng của mỗi Dòng.

Có dòng giúp người nghèo, dòng dạy học, dòng giúp nhà thương, dòng đi truyền giáo cho người chưa biết Tin Mừng của Chúa.

Nói cách khác, đi tu bên Công giáo là theo ơn Chúa gọi (vocation). Không có ơn Chúa gọi và phù trợ liên tục, không thể sống trọn đường tu.

a/- Tu là Sống độc thân:

Vì Tu bên Công giáo là chấp nhận “sống độc thân” để chỉ yêu Chúa, lo việc Chúa, lo cho các linh hồn.

Truyện vui:

Vì muốn cho con đi tu, nên mẹ của bé Khoa luôn luôn nhắc nhở: “Lớn lên con sẽ đi tu nhá.” Một buổi tối, sau khi đọc kinh xong, bé Khoa hỏi mẹ:

– Má ơi, con thấy má nấu cơm cho ba ăn. Vậy sau này con đi tu thì ai nấu cơm cho con ăn?

Suy nghĩ một chút, má Khoa trả lời:

– Mình đi tu, tức là mình dâng đời mình cho Chúa, nên con phải nấu cơm lấy mà ăn, đâu có ai nấu cho.

Bé Khoa ra vẻ buồn lắm:

– Má ơi, vậy con không thích đi tu đâu.

Nói xong, bé buồn bã đi ngủ sớm để mai đi học. Hôm sau, khi ở trường học về, bé Khoa rất vủ vẻ nói với má:

– Má ơi, con lại thích đi tu rồi.

Má Khoa ngạc nhiên:

– Ủa! Sao vậy?

– Vì có người cùng đi tu với con và sẽ nấu cơm cho con ăn.

– Ai vậy con?

– Thì cái Thu, con bác Tâm ở gần nhà mình đó.

– Tu là dâng hết mọi sự của mình cho Chúa:

Dâng hết đây là dâng xác hồn, nhất là tình yêu của mình cho Thiên Chúa, để chọn Chúa là đối tượng tình yêu của mình thay cho mối tình ở đời mình đã từ bỏ.

Truyện vui:

Trong giờ giáo lý, sau khi sơ giải nghĩa về ơn gọi đi tu, một em thiếu nhi hỏi:

– Sơ ơi, đi tu là làm sao?

– Đi tu là dâng hết cho Chúa

– Dâng hết là làm sao?

– Là dâng, mắt mũi, chân tay, trái tim linh hồn và tất cả những gì em có. Vậy em có muốn đi tu không?

Thinh lặng.

– Em không đi tu đâu. Lạnh lắm, dâng hết quần áo cho Chúa rồi thì lấy gì mà mặc?

– Tu phải chăm chỉ:

Chăm chỉ là một đức tính tốt của mọi người, nhất là người đi tu theo Chúa, lo mở mang Nước Chúa và phần rỗi các linh hồn, mở mang Giáo hội.

Truyện vui:

Bé Hoàng 8 tuổi nói với mẹ là em muốn đi tu làm linh mục, nhưng em lại có tật lười biếng, ít khi giúp mẹ làm việc gì trong nhà.

Một hôm mẹ em bảo em đưa bao rác ra ngoài cho họ lấy đi.

Em trả lời:

– Con mệt quá.

Mẹ bảo lau đĩa cho mẹ, em trả lời:

– Con mệt quá.

Mẹ bảo quét nhà, em trả lời:

– Con mệt quá.

Mẹ Hoàng nói:

– Hoàng, con không thể đi tu làm linh mục được, con lười quá. Làm linh mục thì phải làm việc chăm chỉ và cực nhọc chứ.

Hoàng trả lời:

– Con cũng nghĩ vậy, nên bây giờ con phải nghỉ ngơi trước.

– Tu cả cuộc đời

Không phải đi tu một tháng, một năm, nhưng là đi tu cả cuộc đời. Điều này nghe thấy dễ sợ và khó khăn, làm nhiều bạn trẻ tự hỏi: không biết mình có tu đến cùng được không, hay là tu ít lâu rồi lại ra, lúc ấy sẽ lỡ làng cả cuộc đời !!! Thực tế đã xẩy ra như vậy, nhưng Chúa có cách quyến rủ và Chúa có cách giúp đỡ cho những người không tu được trọn đời, họ sẽ đem những gì đã được học hỏi trong nhà tu để giúp đời.

Truyện vui:

Bạn thằng Tèo rủ:

– Tèo ơi, mày đi tu không?

– Không tao không thích.

– Sao vậy?

– Đi tu chán thấy mồ, không được chơi game.

– Mày không nghe cô giáo nói: một ngày ở trong nhà Chúa bằng cả ngàn ngày ở ngòai đời sao, mày ngu quá.Sau một thời gian, Tèo ngỏ ý muốn đi tu.

– Bố ơi, mai con đi tu.

– Tốt.

Tèo đi tu được đúng một ngày rồi xách áo đòi về.

– Chào bố con đã về.

– Sao mày không tu được à.

– Con đi rồi, bố bảo tu một này bằng cả ngàn năm sống ở đời mà. con được ngàn năm rồi.

Mấy câu chuyện vui trên cho bạn một ý niệm về tu trì bên Công giáo, đi theo Ơn Chúa gọi.

2. Tại sao lại gọi đi tu là Ơn gọi?

Ơn gọi là lời mời gọi âm thầm của Thiên Chúa Tình yêu. Từ đời đời trong ý định của Chúa, Chúa đã nhắm gọi ai làm việc gì sau này. Ơn gọi dần dần nảy nở trong thời gian, cho tới một lúc thuận tiện, Chúa làm cháy bùng lên, và Người đem họ vào nơi Người muốn. Linh mục Colin, dòng Chúa Cứu Thế viết về Ơn gọi như sau:

” Giữa đám người hằng hà sa số sẽ được sinh ra trong thời gian, Chúa đã để ý tuyển chọn một số người. Rồi Chúa tách biệt họ ra khỏi đám đông, dành riêng họ cho công việc. Tình yêu của Người. Chúa yêu họ cách riêng. Chúa phán với họ như xưa Người phán với các môn đệ:

“Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con…(Tin mừng theo thánh Gioan 15,16)

Nói cách khác:

Hạt giống Ơn gọi được gieo vào tâm hồn một trẻ em (nam hay nữ), bị chôn vùi ở đấy nhiều năm không ai biết đến, nhưng rồi một ngày kia, hạt giống sẽ mọc lên và vươn mạnh theo hoàn cảnh Chúa thúc đẩy. Trong âm thầm của tâm hồn người được Chúa để ý tới, Chúa khẽ gọi:

“Con hãy đến theo Thầy…Và, nếu muốn, với tình yêu, linh hồn sẽ ngoan ngoãn đáp lại:

“Lạy Chúa, Này con đây…

Và người trẻ chỉ còn đợi ngày đại diện Giáo hội Chúa chấp nhận, và lên đường.

(Rev. P. Colin, Cssr. Đức Mẹ Với Đời Tu, trg. 14)

Như thế, Ơn gọi thật đẹp và dễ thương, vì nó phát xuất từ tình yêu Chúa, và sự đáp trả phát xuất từ tình yêu con người. Tất cả đều là việc của tình yêu thánh thiện và quảng đại.

Truyện vui:

Một cô gái có người yêu khác tôn giáo, cha mẹ cô bảo:

– Ba má không chê thằng bồ của con điểm nào cả, chỉ có nhà mình đạo gốc mà nó thì không đạo. Vậy con nên khuyên bảo anh ấy theo đạo thì mọi việc đều êm đẹp.

– Nhưng thưa Ba Má, con đã khuyên anh ấy rồi mà anh có nghe con đâu.

Thấy con ủ rủ, bà mẹ bèn nói:

– Hay là con đem anh ta đến với Linh mục để Ngài thêm ý kiến cho con trong việc này.

Cô gái nghe lời mẹ liền đem anh bồ đến với linh mục để nghe khuyên bảo. Từ sáng đến tối mới về, vừa vào nhà cô gái đã òa lên khóc:

– Mẹ ơi, anh ấy đã thấm nhuần đạo Chúa rồi, bây giờ chẳng những anh ấy chịu theo đạo mà còn nhất định đi tu luôn chứ không chịu cưới vợ nữa!

Mẹ Têrêsa Calcuta nói về Ơn gọi:

“Ôi, Ơn gọi làm linh mục cao trọng chừng nào!

Thiên Chúa đã đến sống cuộc sống của loài người,

Người cần linh mục để tiếp xúc với lòng Thương xót và sự tha thứ của Chúa.

Người cần thừa tác vụ linh mục để tẩy sạch tội lỗi, để xóa bỏ tội lỗi trong Máu Thánh Người.

Hỡi các bạn trẻ được Chúa Kitô kêu gọi,

được Chúa Kitô chọn làm của riêng Người,

hãy quan tâm đến lời mời gọi này như chiếc cầu liên kết linh hồn với Thiên Chúa.

Chúng ta đừng yêu bằng lời suông, nhưng hãy yêu đến bị tổn thương.

Yêu đắt giá như Chúa Giêsu yêu ta, Người yêu đến chết vì ta.

Giờ đây đến lượt ta cũng phải yêu nhau như Chúa đã yêu ta. Bạn đừng sợ thưa “yes” với Chúa Giêsu, vì không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của Người, không có niềm vui nào lớn hơn niềm vui của Người”.

…Ta có một người mẹ trên trời, Đức Trinh Nữ Maria, là Đấng hướng dẫn chúng ta, một niềm vui to lớn, và là nguồn mạch quan trọng niềm vui của ta trong Chúa Kitô.

Hãy cầu xin Người trước Nhan Chúa. Hãy lần hạt Mân côi, để Mẹ Maria luôn ở với bạn, hướng dẫn bạn, che chở, gìn giữ bạn như người mẹ…

Lời cầu của tôi cho bạn là xin cho bạn hiểu biết và có can đảm trả lời lời mời gọi của Chúa Giêsu bằng tiếng “xin vâng” đơn sơ.

Bây giờ, mời các bạn cầu nguyện với tôi lời cầu mà các nữ tu thửa sai Bác ái cầu hằng ngày:

Lạy Chúa, xin làm cho chúng con đáng phục vụ anh chị em chúng con rải rác khắp thế giới, những người sống và chết trong nghèo khó, đói khát.

Qua sự phục vụ của bàn tay chúng con, xin ban cho họ bánh ăn hàng ngày, và qua tình yêu hiểu biết của chúng con, xin ban cho họ bình an và niềm vui.

Lạy Chúa,xin cho con trở thành khí cụ bình an,để con đem yêu thương vào nơi oán thù,

đem thứ tha vào nơi lăng nhục,

đem tin kính vào nơi nghi nan,

đem hi vọng vào nơi thất vọng,

đem ánh sáng vào nơi tối tăm,

đem niềm vui vào chốn u sầu,

Ôi Thầy chí thánh, xin ban cho con biết:

tìm an ủi người hơn được người ủi an,

tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết,

tìm yêu mến người hơn được người mến yêu,

vì khi cho đi là khi nhận lãnh,

khi tha thứ là được thứ tha,

khi chết đi là khi sống muôn đời.

Amen.

(Mother Teresa, One heart full of love).