CN.XXXIV.Kitô Vua.C
Vua khác vua, Chúa khác chúa…
(2 Sm 5, 1-3 ; Cl 1, 12-20 ; Lc 23, 35-43)
Ngược dòng lịch sử trở về thời phong kiến, dường như trong lòng mỗi người đều cảm nhận được bóng dáng của sự độc tài, chuyên quyền trên những tầng lớp xã hội đến độ hà khắc. Nên có một câu nói trong tam cương (ba mối quan hệ vua-tôi, cha-con, chồng-vợ): “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”, vua muốn bề tôi chết, bề tôi không chết là không trung thành với vua. Nhưng trở về nguồn trong nho giáo, vua được gọi là thiên tử, là con trời thể hiện qua nét viết là chữ vương/王. Với ba nét ngang biểu tượng của tam tài/ba đạo với ý nghĩa thiên đạo, địa đạo và nhân đạo. Nét dọc nối liền tam tài thể hiện vai trò đón nhận ý trời để dung hòa và nối liền giữa đất, trời và con người thành một. Và như thế, vua như người trung gian thay mặt toàn dân tế trời, vua như người trung gian thay trời phục vụ dân chúng. Nếu có dịp ghé thăm Huế sẽ khám phá được đàn Tam Giao, cửa Ngọ Môn được xây về hướng nam và điện Thái Hòa cùng nằm trên một đường thẳng. Để rồi đúng 12 giờ trưa (chính ngọ), vua từ điện Thái Hòa là nơi phục vụ dân chúng bước qua cửa Ngọ Môn để đến đàn Tam Giao bái tế đất (lễ đàn hình vuông) và trời (hình tròn).
Vua trong thế gian là như thế, vì là “con người” nên luôn bất toàn để rồi điều ưu tiên nhất là tập trung củng cố quyền lực, vương vị với cái áo khoác con trời/thiên tử. Sau mới đến việc cai trị, vua tốt biết lo đến đời dân, vua xấu/hôn quân chỉ lo đến mình và những người xung quanh trở thành “dân đen” phục vụ cho vua. Thế nhưng có một vị Vua khác người, một vị Vua với vương quyền là tình yêu, ngai vàng là thập giá và vương miện là mạo gai.
Một nhà hai chủ không hòa,
Hai vua một nước ắt là không yên…
Một câu nói dân gian đúng với cuộc gặp gỡ giữa “hai vua” : Thẩm phán Philatô đại diện toàn quyền đế quốc Roma và Thầy Giêsu. Khi thốt lên tiếng “vua” để hỏi Thầy Giêsu, Philatô nghĩ đến một vương quyền chính trị trần thế, là người muốn đứng ra lật đổ mình. Còn lúc tự xưng là vua, Thầy Giêsu nói đến vương quyền thiên sai của Người, Đấng Messia bị những người thủ lãnh dân Do Thái đóng khung vào lăng kính vua trần gian. Chính vì thế Thầy chất vấn lại Philatô : “Tự mình ông, ông nói thế hay có ai khác đã nói với ông về tôi?”. Tự một câu hỏi bảy tỏ cho Philatô biết Người chẳng phải là vua theo cách ông ta mượng tượng, và càng không phải là vua theo cách người Do thái quan niệm. Để rồi sau câu đáp của Philatô, Thầy Giêsu mạc khải: “NướcTôi không thuộc thế gian này”. Một Vương Quốc không như dân Do Thái trông đợi như Đấng Thiên Sai giải thoát họ khỏi ách thống trị và chiến thắng kẻ thù, cũng không giống như Philatô hình dung thống trị nhờ sức mạnh quân đội và chinh chiến mở rộng biên cương.
Vương quốc của Thầy không nằm ở tư lợi cá nhân như các thủ lãnh khiêu khích, cũng không phải oai quyền như lính căn thách thức. Vương quyền của Người làm chứng cho sự Thật, vương quyền của Chân-Thiện-Mỹ. Thầy làm chứng cho sự Thật về Thiên Chúa và cho biết Thiên Chúa là ai : là Tình Yêu ; là Đấng giàu lòng thương xót luôn biết chạnh lòng thương đến những thân phận con người ; là Đấng Cứu Độ ; và, Thầy Giêsu là Người mạc khải để những ai thông hiệp, được thần hóa, được chia sẻ hồng ân phục sinh hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa. Thầy làm chứng cho điều đó bằng chính cái chết đổ đến giọt máu cuối cùng trên thập giá. Làm chứng trong ngôn ngữ Hi Lạp cổ là từ μαρτύρος-μάρτυρες/marturos-marturés, và cũng mang nghĩa là tử đạo. Thầy Giêsu là Vua khi con người đón tiếp “bằng chứng” của Người, nghĩa là Tin và để cho Người biến đổi bản thân mình.
Thần dân đầu tiên trong Vương Quốc của Thầy phải chăng là người trộm lành? Giữa lúc những kẻ trước đây tung hô vạn tuế nay lại nhạo báng Người, giữa lúc các môn đệ thề sống chết với Thầy nay lại bỏ trốn hết, thì chỉ có một mình anh, người trộm lành, lên tiếng bênh vực : “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này có làm điều gì trái !”. Anh bày tỏ lòng kính sợ và ăn năn sám hối, đó là thái độ của người sẵn sàng đón nhận ơn cứu độ. Hơn nữa giữa lúc chương trình của Thầy Giêsu dường như thất bại, giữa lúc thập tử nhất sinh, gần kề cái chết, thì chỉ mình anh, người trộm lành, đã tin vào Thầy. Tin vào sự sống đời sau, và tin vào vương quyền của Người. Anh cầu nguyện : “Lạy Ngài, khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Trước lòng tín thác đó, Thầy nhận lời : “Ngay hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta” (Lc 35,43).
Một lời hứa mà Thầy chưa ban cho ai dù đó là người thân và yêu quý nhất. Một lời hứa được thực hiện ngay tức thì, không đợi đến sáng phục sinh hay ngày thế mạt. Một lời hứa đi vào vương quốc của những người công chính, quy tụ quanh vua Giêsu vinh hiển.
Còn mỗi kitô hữu thì sao ? Đứng trước đời sống tục hóa, vô cảm tôn thờ vua Thần Tài-Tiền Bạc, tôn thờ vua Dối Trá bóp méo sự Thật, tôn thờ vua Quyền Lực theo kiểu kẻ mạnh làm vua thua làm giặc, tôn thờ vua Cá Nhân xảo trá ích kỷ… mỗi kitô hữu có dám hòa quyện đời mình bước vào con đường Thầy đã đi qua, trở nên marturos/chứng nhân-người dám tử đạo để bảo vệ niềm Tin vào sự Thật và để sống cho Chân-Thiện-Mỹ…
Lm. Jos. PHẠM, SCJ
Tin cùng chuyên mục:
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người
Ngày 30/09: Thánh Giêrônimô, Linh mục – Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ bảy tuân XXV thường niên: Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang