CN.XXX.TN.C Tâm tình cầu nguyện…

71 lượt xem Suy Niệm
CN XXX TN 4

CN.XXX.TN.C

Tâm tình cầu nguyện…
(Hc 35, 12-14. 16-18; 2 Tm 4, 6-8. 16-18; Lc 18, 9-14)

 

 

Một hôm có một tên quỷ chạy đến trước mặt Thiên Chúa thưa rằng: “Tôi thấy Chúa đối xử không công minh chút nào!” Thiên Chúa liền hỏi: “Tại sao ngươi dám bảo Ta đối xử không công bằng?”

Bấy giờ tên quỷ mới đáp: “Ngài thấy đó, loài người phạm rất nhiều tội to lớn, và mỗi tội chúng đều phạm đi phạm lại nhiều lần. Thế mà lần nào Ngài cũng tha thứ cho chúng và còn ban hạnh phúc Thiên đàng đời đời cho chúng. Còn chúng tôi chỉ phạm tội có một lần duy nhất nhưng Ngài không khi nào tha thứ mà còn phạt chúng tôi phải xuống hỏa ngục muôn đời. Như vậy chẳng phải là Chúa đối xử thiên vị và bất công lắm hay sao?”

Thiên Chúa liền ôn hòa trả lời: “Loài người phạm tội với Ta đúng là có thật, và vì yếu đuối mà chúng đã phạm đi phạm lại nhiều lần cũng là thật. Nhưng sau mỗi lần phạm tội, chúng đều biết hồi tâm sám hối và xin Ta tha thứ. Còn lũ quỷ các ngươi, có bao giờ các ngươi hồi tâm sám hối và xin Ta tha tội cho chưa?” Nghe thấy sám hối và xin tha tội, tên quỷ bực tức trả lời : “Ma quỷ chúng tôi không đời nào chấp nhận thái độ hèn hạ là sám hối và xin ai tha tội cho cả”. Nói xong, quỷ liền cong đuôi chạy mất.

Một câu chuyện tưởng chừng chỉ để vui đùa nhưng lại phản ánh rõ nét nhiều kiểu sống cầu nguyện ngày nay. Đặc biệt do ảnh hưởng của tục hóa muốn gì là phải có ngay để thỏa mãn cá nhân, đời sống cầu nguyện như rơi vào trò chơi nếu – thì: nếu Chúa cho con trúng số, thì con sẽ tạ ơn xxx tiền; nếu Chúa không cho con hết bệnh, không cho con thoát khỏi kiếp nạn, con chẳng tin là Ngài có thật… Nói cách khác, lời cầu nguyện rất dễ rời vào Tham – Sân – Si: Tham là vì ích kỷ; Sân luôn sống trong kiêu ngạo nên rất dễ tự ái; và Si của chiều theo những đam mê thỏa mãn lối sống trần tục của bản thân. Cụ thể hóa nếp sống cầu nguyện, Thầy Giêsu chỉ rõ đâu là thái độ cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa giữa người biệt phái và người thu thuế.

Trước tiên là người biệt phái, ông đứng riêng một mình mà cầu nguyện. Ông không muốn đứng gần những người dân thường, sợ mắc phải ô uế của họ. Ông đứng thẳng người giống người Do Thái quen làm khi cầu nguyện. Lời nguyện của người biệt phái trước hết là một lời tạ ơn, tiếp theo đó là danh sách những thói hư tật xấu mà ông không hề phạm và cuối cùng là bản báo cáo thành tích vẻ vang của ông: chẳng những ông đã làm các việc đạo đức như Luật buộc, như ăn chay mỗi năm vào dịp lễ Xá Tội, nộp 1/10 lợi tức cho Đền thờ, mà ông còn tự nguyện làm những việc đó ở mức độ cao hơn, như ăn chay một tuần hai lần, nộp cho Đền thờ 1/10 tiền mua sắm mọi vật mình sử dụng. Xét ra, bảng liệt kê công trạng của ông không có gì sai. Ông thật là con người đúng mức, một con người hoàn hảo, không có gì đáng chê trách, một tín đồ trung thành với Lề luật, một mẫu gương tuyệt vời. Đây là một lời cầu nguyện mà nhiều người Do Thái thời ấy mơ ước. Ông cũng không xin gì cho bản thân, nhưng chỉ là lời tạ ơn và kể công trạng đã làm. Tuy nhiên, ông lại rơi vào lối sống tự kiêu về những việc lành phúc đức đã thực hiện nên bày tỏ thái độ khinh thường người khác: “Vì con không như bao người khác: tham lam , bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia”(Lc 18, 11). Tất cả đều là tội của người khác, không phải của con!

Bên cạnh đó là sai lầm nữa của ông không nhận ra sự công chính là hồng ân được trao ban (Pl 3, 9) chứ không phải tự ông mà có, tự ông không thể tuân giữ hoàn hảo các lề luật. Chính khi tự mãn thiếu khiêm tốn, và nhận sự công chính ấy là của riêng mình thì ngay lúc đó, ông đã tự đánh mất ơn nghĩa và không còn công chính nữa. Chưa hết, người biệt phái có rất nhiều lễ vật dâng lên Thiên Chúa nhưng lại thiếu lòng mến: không yêu thương người khác, “tôi không như các người khác, hay là như tên thu thuế kia”; cũng không yêu mến Thiên Chúa bởi vì giữ luật và làm nhiều việc lành chỉ để chứng tỏ cho biết bản thân là người “tay sạch lòng ngay”, và do đó Thiên Chúa phải yêu thương ông, ban thưởng cho ông.

Ngược lại hoàn toàn, người thu thuế cũng đến Đền thờ cầu nguyện. Anh ý thức rằng mình làm cái nghề không tốt đẹp, ai cũng ghét, bị cho là cáo gian, cộng tác làm lợi cho ngoại bang đô hộ dân tộc mình. Anh tự cho mình là một tội nhân, ngang hàng với gái điếm (Mt 21, 31-32). Có lẽ anh đã nghe thấy lời cầu nguyện của người biệt phái nên không cần xưng thú tội bản thân, anh chỉ đặt mình trước mặt Thiên Chúa, cúi đầu xuống, đấm ngực ăn năn: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội” (Lc 18, 13). Một lòng mến yêu Thiên Chúa của người con hoang đàng – tội lỗi quay trở về với một tấm lòng tan nát, một trái tim thổn thức xin lòng thương xót của Thiên Chúa. Điều anh khao khát là được Thiên Chúa tha thứ và được làm hòa với anh em, để rồi anh chỉ biết đứng xa xa vì thấy mình hoàn toàn bất xứng. Ngay lúc đó, anh đã trở nên công chính từ trong sâu thẳm tâm hồn. Chính tâm tình ấy mà ThiênChúa đã nhìn xuống và thanh tẩy anh nên công chính.

Tâm tình cầu nguyện đích thực, chân nhận mình LÀ chứ không phải bản thân CÓ;

Đời sống cầu nguyện đúng nghĩa, trọn nếp sống chứ không phải những gì làm được;

Và cầu nguyện, sống mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa qua những thể hiện cụ thể trong lòng mến và tôn trọng mọi người, chứ không phải “nâng mình lên đạp người khác xuống” với nhiều kiểu cách GATO khác nhau…

Lm. Jos. PHẠM, SCJ