CN.XXX.TN.B.Truyền giáo

54 lượt xem Suy Niệm
z2858098555301 163340aa423e87a4c6d1fe24e365c46c scaled 1

Thị giác, thị lực…
(Gr 31, 7-9; Dt 5, 1-6; Mc 10, 46-52)

 

Có câu chuyện dân gian với những dị bản khác nhau về người mù sờ voi (thầy bói xem voi – Vn) bắt nguồn từ Ấn Độ: Ngày xưa có ông vua sai đại thần dắt đến một con voi cho một nhóm người mù sờ xem. Sau đó vua hỏi: “Các ông đã biết voi chưa?”.
– Biết rồi!
– Thế voi như thế nào?

– Voi xem ra như cái đòn xóc. – Ngươi sờ ngà voi bảo.
– Voi như cái quạt. – Người sờ tai nói.
– Voi như tảng đá. – Người sờ đầu voi đáp.
Người sờ vòi lại bảo: “Voi giống như cái chày”.
– Voi giống như cái hộp gỗ – Người sờ mắt voi nói.
– Không phải, voi giống như cái giường. – Người sờ lưng voi khẳng định.
– Theo tôi con voi như cái thùng to. – Người sờ bụng voi kêu lên.
– Đừng cãi nhau nữa, con voi như sợi dây thừng. – Người sờ đuôi xác nhận.

Nhà vua nghe nhóm người mù tranh cãi nhau, cảm khái nói:

Người mù thì rất đông
Còn voi chỉ có một
Ai cũng cho mình đúng
Đúng sai thật bất đồng.

Trong Sứ điệp Truyền giáo năm nay (2021), ĐTC Phanxicô đã vạch trần những khiếm khuyết về thị giác tâm hồn của mỗi người: “Đại dịch đã cho thấy và làm tăng thêm nỗi đau, sự đơn độc, nghèo đói và những bất công mà rất nhiều người phải trải qua. Nó đã vạch trần cảm giác an toàn sai lầm của chúng ta và tiết lộ sự tan vỡ và phân cực đang âm thầm phát triển ở giữa chúng ta. Những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất càng cảm thấy mỏng manh và tổn thương hơn. Chúng ta đã trải qua sự chán nản, vỡ mộng và mệt mỏi; chúng ta cũng không tránh khỏi sự tiêu cực ngày càng gia tăng bóp nghẹt hy vọng”. Đức Thánh Cha chia sẻ tiếp: “Trong những ngày đại dịch này, trước cám dỗ ngụy trang và biện minh cho sự thờ ơ và lãnh đạm nhân danh việc giữ khoảng cách xã hội vì lý do sức khoẻ, thì sứ mạng của lòng nhân ái là nhu cầu cấp thiết, điều có thể làm cho sự giãn cách cần thiết đó trở thành cơ hội gặp gỡ, chăm sóc và thăng tiến”.

Anh thanh niên mù tên Bartimée dường như cũng đang sống trong tâm trạng đó: thường ngày ngồi xin ăn bên vệ đường, hoàn toàn bị gạt ra bên lề cuộc sống, mù lòa, cô đơn ngồi một chỗ sống qua ngày trong sự lệ thuộc vào lòng thương xót của người khác. Thế nhưng khác biệt là đây, anh mù nhưng lòng luôn nuôi dưỡng và khao khát thoát cảnh mù, nghe biết Thầy Giêsu đi ngang qua, anh kêu lớn tiếng: “Lạy ông Giêsu, Con vua David, xin dủ lòng thương tôi” (Mc 10, 47). Bị quát nạt, ngăn cản, anh lại kêu lớn tiếng hơn. Bartimée bị mù đôi mắt thể xác, nhưng đôi mắt tâm hồn lại sáng hơn bao người, anh không thấy Thầy Giêsu nhưng biết Thầy là Ai và lên tiếng kêu vang tuyên xưng Đức Tin của mình dù bị ngăn cấm: Đấng Cứu Thế, Con vua David. Mù đôi mắt thể xác, nhưng lại sáng đôi mắt tâm hồn, anh đã thấy Đức Giêsu là người có quyền chữa anh khỏi bệnh mù loà. Với đôi mắt đức tin, anh đã chẳng sợ người ta cấm cản; càng đe dọa, anh càng lớn tiếng kêu xin thống thiết hơn. Chưa hết, với đôi mắt đức tin, anh đã liệng bỏ áo choàng là phương tiện để nhận đồ bố thí từ người khác, cởi bỏ đời sống ăn xin thay đổi nếp sống từ “ngồi bên vệ đường” đến “đứng bật dậy”, từ bỏ thân phận mù loà, rũ bỏ đời sống tối tăm, “chạy” đến miền ánh sáng tình yêu và sự sống, quy hướng trọn vẹn về Thầy Giêsu (Mc 10, 50). Được chữa lành, được thấy, anh trở thành môn đệ đi theo Thầy Giêsu hướng về Giêrusalem, con đường của đau khổ và vinh quang.

Thị giác-thị lực, bất kỳ ở thời đại nào, xã hội nào cũng có bao người sống trong tình trạng tự làm mù bản thân, “thấy mà xem chẳng thấy”. Nhiều người mù tối lương tri, không nhận thấy mình đang bị lòng tham lam thống trị và xui khiến họ làm đủ mọi thủ đoạn đê hèn, bất chấp luân thường đạo lý, sẵn sàng giết hại người khác, làm cho người ta khuynh gia bại sản… miễn sao thu được nhiều lợi lộc cho mình. Nhiều người để cho ích kỷ, kiêu căng, giận hờn, ganh tỵ, cố chấp, chia rẽ, bè phái… làm mù đôi mắt tâm hồn mà không tự nhận biết, nên trở thành nô lệ cho những thói xấu này, để chúng chi phối mọi hoạt động bản thân.

Như anh thanh niên mù Bartimée, hãy can đảm liệng bỏ áo choàng từ bỏ nếp sống cũ, can đảm “đứng bật dậy” vượt qua mọi rào cản ích kỷ bản thân và “chạy” đến với Thầy Giêsu, thưa với Thầy: Κύριε ἐλέησον, kyrié éleison, xin thương xót con; xin chữa lành đôi mắt mù lòa tâm hồn và Đức Tin của con. Hãy can đảm tiến bước với Thầy trên hành trình hướng về Giêrusalem, đến chia sẻ yêu thương với bao người đang còn chịu nhiều hậu quả của đại dịch, dù ở đó bao giông tố đang chờ….