CN.XXVII.TN.C.Mân Côi
Đấng đầy ơn phúc…
(Cv 1, 12-14; Gl 4, 4-7; Lc 1, 26-38)
Có một ông trùm đã nói với cha sở như sau:
– Một thời trước đây thì chỉ tại cái tivi mà gia đình con không còn lần hạt vào buổi tối nữa. Người ta thích quây quần bên nhau để giải trí, hơn là để cầu nguyện. Còn bây giờ thì tệ hơn nữa, mỗi người một góc nghịch điện thoại.
Ông cũng tâm sự thêm về người con trai của mình. Khi được nhắc nhở là hãy vào nhà thờ sớm, trước thánh lễ, để cùng với mọi người đọc kinh, thì nhận được câu trả lời có phần khó chịu và bực tức:
– Nhà thờ chưa lần hạt xong!
Và, ông biểu đạt với nhiều tiếc nuối:
– Vào thời chúng con, người ta chờ nhà thờ đông đủ rồi mới lần hạt; còn bây giờ thì khác, người ta lần hạt để chờ mọi người tới đông đủ.
Mừng kính lễ Đức Mẹ Mân Côi là dịp để mỗi kitô hữu cùng tái khám phá, nhắc nhớ nhau về nguồn gốc và biết bao hoa trái hồng ân được lãnh nhận khi cầu nguyện lần chuỗi. Mân Côi có nguồn gốc tiếng Latinh Rosarium với nghĩa là vườn hồng, khóm hồng, chuỗi hoa hồng. Một danh từ đẹp diễn tả mỗi khi cầu nguyện lần chuỗi kinh Kính Mừng, như kết thành bó hoa hồng dâng kính Mẹ Thiên Chúa. Còn trong nghĩa tiếng Việt được dịch thành kinh Mân Côi, bởi vì Mân là tên của một loại ngọc, Côi là một thứ ngọc tốt, ngọc quý lạ. Kinh Mân Côi là “Kinh Ngọc”, là “chuỗi ngọc Mân và ngọc quý lạ”. Mỗi một kinh Kính Mừng được cất lên dâng Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Đấng đầy ơn phúc, Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, là ngọc Mân, ngọc đẹp quý lạ mà mỗi kitô hữu dâng lên Đức Trinh Nữ Maria.
Trải dài lịch sử Giáo Hội, hoạt động bầu cử-che chở của Đức Mẹ thật rõ nét với sức mạnh chống trả bao cám dỗ-thử thách, hoán cải tâm hồn, bảo vệ hạnh phúc gia đình, xây dựng hòa bình thế giới. Cũng chính Mẹ đã khuyến nghị lần chuỗi Mân Côi cách cụ thể đặc biệt trong thế kỷ XIX và XX. Tại Lộ Đức/Lourdes vào năm 1858, Mẹ đã hiện ra 18 lần với chị Bernadette với thông điệp hãy lần chuỗi để cầu nguyện cho nhân loại và những tội nhân. Năm 1917 tại Fatima, Mẹ đã truyền đạt ba mệnh lệnh, trong đó có việc siêng năng lần hạt Mân Côi. Và, chính Mẹ vào ngày 13/10/1917 trong lần hiện ra cuối cùng, lần thứ 6, đã tuyên bố: Ta là Mẹ Mân Côi. Mẹ cũng cho biết: Phanxicô sẽ được lên trời, miễn là phải lần hạt nhiều trước đã. Câu hỏi đặt ra là tại sao lần chuỗi Mân Côi lại tuôn tràn biết bao hồng ân? Bên cạnh đó, câu hỏi khác được đặt ra: Trong năm phụng vụ có nhiều lễ kính nhớ Đức Mẹ: trước tiên là những hồng ân mà Mẹ lãnh nhận như Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đức Mẹ hồn xác lên trời, Đức Mẹ Nữ Vương; cũng như những biến cố đặc biệt trong cuộc đời của Đức Mẹ: Sinh Nhật Đức Mẹ, Đức Mẹ Dâng Mình, Lễ Truyền Tin, Đức Mẹ Thăm viếng, Lễ Giáng Sinh.Tuy nhiên, Lễ Đức Mẹ Mân Côi không chỉ được mừng kính trong một ngày, nhưng suốt một tháng?
Trước tiên, chủ thể chính yếu của chuỗi Mân Côi không phải là chiêm ngắm mầu nhiệm Đức Maria, nhưng là mầu nhiệm Thầy Giêsu: trải dài từ biến cố sinh ra tại Bethlehem đến nỗi đau thập giá để bước vào niềm vui Phục Sinh với hồng ân Thánh Thần. Cùng với cuộc đời Thầy Giêsu là những giá trị nền tảng Tin Mừng được xác quyết: yêu thương, nghèo khó, khiêm nhường, từ bỏ,… Trên nẻo đường Tin Mừng ấy có sự hiện diện của Đức Maria, một người Mẹ đầy tình mẫu tử và cũng là người môn đệ đầu tiên, hoàn hảo nhất của Đức Kitô. Mẹ đã thông hiệp trọn vẹn với Thầy Giêsu-Đấng Cứu Độ trong suốt cuộc đời: từ khi sinh ra đến khi chứng kiến cái chết trên thập giá, sống lại và lên trời. Chuỗi Mân Côi đưa mỗi kitô hữu vào suy niệm về những mầu nhiệm đó. Thánh Bernard từng nói: “Kinh Mân Côi có sức xua đuổi ma quỷ, làm cho hoả ngục phải run sợ trước thánh danh Chúa Giêsu và Đức Maria”. Lần chuỗi Mân Côi là đọc lại lời kinh Thầy Giêsu dạy để thưa lên Thiên Chúa là Cha (kinh Lạy Cha), cùng kết hiệp với thiên thần Gabriel cất lên lời chào mừng Đức Maria, Đấng được chúc phúc giữa muôn ngàn người nữ (kinh Kính Mừng), và, cùng tuyên xưng niềm tin và lời chúc tụng đến Ba Ngôi Thiên Chúa (kinh Sáng Danh).
“Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng” (Lc 1, 28), vì chính Mẹ được Thiên Chúa chúc phúc, Mẹ hoàn toàn thuộc về tôi tớ Yhavé, như được loan báo nơi sách ngôn sứ Isaia: “Đây là tôi tớ Ta, Đấng Ta tuyển chọn, Người đẹp lòng Ta mọi đàng” (Is 42, 1). Mẹ được đầy ơn phúc vì Đấng sắp ngự đến nơi Mẹ là Con yêu dấu của Thiên Chúa. Mẹ Maria là người được đầy tràn niềm vui, vì Mẹ đã được Thiên Chúa cho nếm trước niềm vui là Ngôi Lời Thiên Chúa Nhập Thể trong lòng Mẹ. Nhờ Thiên Chúa mạc khải, Mẹ Maria hiểu được sứ mệnh của mình như là dấu chỉ của niềm hy vọng, dấu chỉ Thiên Chúa thực hiện trọn vẹn lời hứa của Ngài cho toàn dân. Để rồi từ đó, cả cuộc đời Mẹ là bài ca trung thành dâng lên Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, Ngài đã trung tín với lời hứa cho Abraham và con cháu ông” (Lc 1, 46-55).
“Hỡi Maria đừng sợ” (Lc 1, 30), kinh nghiệm sống đời Kitô của từng người cũng mang hai tâm tình này như Mẹ Maria: “Vui và Sợ” trên con đường lữ hành hướng về chia sẻ đời sống Phục sinh hạnh phúc viên mãn. Mẹ Maria nhờ ơn Thiên Chúa giúp để thắng vượt cái sợ và Mẹ đã phó thác tin tưởng hoàn toàn trong Ngài. Để rồi từ đó, cả cuộc đời Mẹ không chỉ là tiếng xin Vâng trọn vẹn nhưng còn là Tin Mừng lan tỏa. Lần chuỗi Mân Côi là cùng với Mẹ Maria đi tìm một lời đáp trả cho những vấn đề của cuộc sống hôm nay, lời đáp trả thấm nhuần lòng tin, niềm hy vọng và dám chấp nhận dấn thân trong những lựa chọn can đảm, trong hành động cụ thể như Mẹ Maria đã dấn thân cả cuộc đời vì Nước Trời.
Chính vì thế, lần chuỗi Mân côi không phải là lặp đi lặp lại một cách nhàm chán và máy móc những lời kinh nguyện, nhưng là cùng suy niệm và sống chia sẻ trọn vẹn qua từng giây phút cuộc đời bản thân Tin Mừng Thầy Giêsu. Còn tôi, mỗi khi lần chuỗi đã thật sự đạt đến kết hiệp và sống chứng nhân của Tin Mừng?
Lm. Jos. PHẠM, SCJ
Tin cùng chuyên mục:
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người
Ngày 30/09: Thánh Giêrônimô, Linh mục – Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ bảy tuân XXV thường niên: Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang