Giêsu, Thầy là ai?
(Is 50, 5-9a; Gc 2, 14-18; Mc 8, 27-35)
Lavallière Lepaux là một nhân viên Thượng hội đồng quốc gia Pháp, ghét đạo Công giáo. Ông lập một đạo mới gồm những triết thuyết và thiên về khoa học. Ông cho cán bộ đi tuyên truyền khắp nước Pháp, nhưng rất ít người theo.
Một hôm ông nói với một ông bạn tên là Barras :
– Tôi không hiểu tại sao, tôn giáo của tôi là một công trình triết lý và khoa học, cán bộ của tôi là người có học, có huấn luyện, mà không được mấy người theo. Còn ông Giêsu dùng mấy người chài lưới thất học, mà cả thế giới theo ông ?
Barras trả lời :
– Thưa đồng chí, nếu đồng chí muốn thiên hạ theo đạo mình, thì đồng chí để cho người ta đóng đinh đồng chí ngày thứ Sáu, rồi sáng ngày Chúa Nhật, đồng chí cố sống lại đi.
Đúng thế, điều mà Lavallière Lepaux không thể hiểu nổi khi nhìn và đánh giá Thầy Giêsu trong lăng kính khoa học, các triết thuyết vô thần. Ông không phải là một nhân vật cá biệt, bởi vì ngay trong thời đại Thầy Giêsu đang sống, bao người từ kinh sư, pharisiêu hay dân thường Do Thái và có cả người thân cũng thế với bao nhận xét quanh Thầy:
– Thế nghĩa là gì? […] người dạy lại có uy quyền (Mc 1, 27).
– Chúng ta chưa thấy như vậy bao giờ (Mc 2, 12).
– Ông ấy mất trí rồi (Mc 2, 21).
– Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng phải tuân lệnh (Mc 4, 41).
– Ai nấy đều kinh ngạc (Mc 5, 20).
– Bởi đâu ông ta được như thế ? (Mc 6, 2).
– Khi thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma (Mc 6, 49).
– Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả (Mc 7, 37).
Với biết bao nhận xét như thế, Thầy Giêsu đặt câu hỏi với các môn đệ theo Người : Thầy là ai ? Cụ thể hơn nữa, các môn đệ liệt kê một danh sách trong suy nghĩ của bao người về Thầy : Kẻ thì bảo Ngài là Êlia, là Gioan Tẩy giả, là một tiên tri ; mỗi người một câu trả lời. Nhưng quan trọng nhất : Còn các con, các con bảo Thầy là ai ? (Mc 8, 29). Một câu hỏi mà dường như bao kitô hữu ngày nay không để ý đến, trả lời và tuyên xưng Thầy một cách máy móc trên môi miệng.
Người đời, họ có thể cảm nhận và nghĩ rằng Thầy Giêsu như một vĩ nhân, một nhân vật siêu phàm. Có người diễn tả Thầy như một người chữa bệnh bằng niềm tin, Người chữa mọi thứ bệnh tật, yếu đau. Có người nói Thầy như là một người phù thủy/magic, người khác lại bảo là một người theo nghĩa nhân đạo, chú ý đến loài người và có thể giúp cho họ. Có người diễn tả Thầy Giêsu như một nhà tâm lý hoàn hảo, Thầy hiểu được cái động lực và nghị lực của con người. Nhiều người mô tả Thầy như một nhà kiến tạo hòa bình hoặc yêu thiên nhiên xuất sắc. Còn, những người cải tạo xã hội nhìn Thầy như một kiểu mẫu lý tưởng. Cả những người cộng sản cũng hướng về Thầy như một nhà lãnh đạo cách mạng. Người lao động tin cậy Thầy Giêsu như lý tưởng con người…
Những suy nghĩ đó, ngay cả Phêrô dù tuyên xưng Thầy là Đấng Kitô/Χριστός (Hi Lạp), là Đấng Messiah (Do Thái : מָשִׁיחַ), Đấng được Thiên Chúa xức dầu, là Đấng được mọi người mong đợi để đến hoàn tất lịch sử-lời cứu độ mà Thiên Chúa hứa ; Phêrô vẫn giữ hình ảnh một Đấng Kitô vinh quang để rồi ngăn cản bước đường theo Thánh ý Thiên Chúa của Thầy : Satan, lui lại đằng sau Thầy (Mc 8, 33).
Cũng thế, đối với mỗi kitô hữu, Thầy Giêsu là ai ? để rồi từ đó tự hỏi chính bản thân : tôi, kitô hữu là ai ? Chính đời sống kitô hữu là câu trả lời hoàn hảo nhất về Thầy Giêsu và về danh xưng kitô hữu của bản thân, và những người khác tiếp xúc với tôi sẽ thắc mắc đặt câu hỏi : kitô hữu, bạn là ai ? Nói cách khác, người kitô hữu qua lời nói, qua việc làm và nhất là qua cuộc sống của mình cần phải là một câu hỏi thắc mắc cho những người chung quanh. Dù âm thầm nhỏ bé đến đâu, đời sống kitô hữu luôn cần làm cho những người chung quanh thắc mắc. Và ngày nay, câu hỏi càng trở nên khẩn thiết hơn khi cuộc sống kitô hữu mang tính cách chứng nhân giữa một xã hội đầy giành giật và bon chen, đầy bạo lực và bất công :
Đời sống kitô hữu sẽ là một câu hỏi nếu như tôi thực thi tinh thần nghèo khó, chấp nhận thua thiệt mất mát hơn là bán đứng lương tâm của mình để chạy theo những lợi lộc bất chính. Có những người đã lấy hận thù làm luật sống, thì kitô hữu mãi mãi là một câu hỏi, nếu như vẫn yêu thương mọi người, kể cả kẻ thù địch và bước theo Thầy Giêsu cho đến cùng. Giữa một xã hội mà nhiều người đang buông xuôi thất vọng, kitô hữu mãi mãi là một câu hỏi nếu biết sống lạc quan, tin tưởng-phó thác vào một Đấng có tình yêu thương trải dài trong suốt lịch sử con người. Giữa một xã hội mà sự trung thật đã trở nên như một đồ dùng xa xỉ, kitô hữu sẽ mãi mãi là một câu hỏi nếu vẫn tiếp tục sống tử tế, cư xự tốt đẹp với mọi người.
Kết thúc thông điệp “Hòa Bình Trên Thế Giới”, Đức Thánh Cha Gioan XXIII, đã viết như sau: Mỗi người kitô hữu trong thế giới là một mảnh sao băng, một tụ điểm của tình yêu, một thứ men sống động giữa những người anh em của mình. Người kitô hữu sẽ đóng trọn vai trò ấy hơn khi họ còn sống kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Sống trọn vẹn những cam kết trên, thì quả thật người kitô hữu là một thách thức, một câu hỏi đối với người khác.
Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo… (Mc 8, 35)
Tin cùng chuyên mục:
Dự án Nhà Mẹ Lavang-Fatima và đại lễ khánh thành và làm phép tượng đài Đức Mẹ Lavang-Fatima do Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng chủ tế
Ngôn ngữ của tình yêu
Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Truyền giáo 2023
Thứ tư tuần XXVI thường niên, Thánh Phaxicô Assisi: Không có gì quí hơn là Thập Giá của Đức Kitô