CN.XXIV.TN.A

71 lượt xem Suy Niệm
Matthew 18 21 35. 191

Vì chính khi thứ tha,
là khi được tha thứ…
(Hc 27, 30 – 28.7; Rm 14, 7-9; Mt 18, 21-35)

 

Để nói về lòng người, Nguyễn Du phác họa một cách châm biếm rằng “bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao”. Đây không phải là một điều mới vì kho tàng tục ngữ-ca dao đã đúc kết từ ngàn xưa: sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho tường; lòng người thăm thẳm mù khơi, không bờ không bến biết nơi nào dò; phật khẩu tâm xà; miệng thơn thớt, dạ ớt ngâm; bụng gian miệng thẳng… Người xưa đúc kết như thế, còn con người ngày nay bị biến lòng sống giả dối đến khó ngờ:

1. Giả dối từ trong trứng nước: Biết bao trẻ sinh ra không phải vì tình yêu chân thật, không phải là hoa trái từ thương yêu nhưng được coi như là sản phẩm của một sự hưởng thụ, ích kỷ, dối lừa nhau với những phong trào sống thử, chiến dịch săn rau sạch. Từ đó, con người có thể quyết định mầm sống, cho sinh ra hoặc không cho sinh ra một con người. Còn kinh khủng hơn nữa, có thể giết chết, có thể ăn thịt chính con mình!

2. Giả dối trong tình yêu: tình yêu của thời đại thực dụng đến mức mỗi con người cũng có giá trị thực dụng của nó và khi không còn giá trị thực dụng hay nói khác đi là hết lợi dụng được theo kiểu no cơm ấm cật, người ta có thể bỏ nhau, ly dị, lấy vợ chồng khác, còn con cái thì mặc chúng ra sao thì ra. Tệ hơn nữa, đưa nhau ra tòa kiện tụng theo kiểu hết yêu thì đòi quà!

3. Giả dối trong tương quan xã hội: người với người không còn tôn trọng sự thật mà ngược lại, giả dối được tôn vinh thành sự thật để khống chế, để cai trị, để áp bức nhau với muôn ngàn kiểu biến thái.

Hậu quả của một xã hội gian dối quá rõ ràng, gây bao tang thương, xúc phạm đến nhau nặng nề, dẫn đến đỉnh điểm là vô cảm. Trong đó, nếu sống đời kitô hữu thật thì chịu bao thiệt thòi, đồng thời bị ảnh hưởng tiêm nhiễm không ít lối sống gian tà này. Thực trạng nan giải đó đặt mỗi kitô hữu đứng trước vấn nạn lớn khi lắng nghe và sống theo lời Thầy Giêsu truyền dạy, đặc biệt là bài học tha thứ và được thứ tha.

Chính lúc đối diện với bao lầm lỗi của dân tuyển chọn Yhavé Thiên Chúa bày tỏ lòng bao dung tha thứ; chính lúc dân riêng vi phạm giao ước, Thiên Chúa luôn mở rộng cơ hội để hối nhân quay trở về. Ngài “dịu dàng và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan dung… Tuy nhiên Ngài sẽ không bỏ qua sự gì mà không trách phạt” (x. Xh 32). Nói về tha thứ, Thiên Chúa có chương trình tiệm tiến để giáo dục con người: từ “trả thù gấp bảy… gấp bảy mươi bảy” (St 4, 24) đến luật công bình “mắt đền mắt, răng đền răng” (Mt 5, 38) thời Môsê; bước sang thời điểm ngôn sứ Amos, học hỏi tinh thần bác ái nên học tha thứ nhưng giới hạn “quá tam ba bận”, được đề cập trong bản nguyên ngữ Do Thái: “Vì ba tội ác của…và vì bốn, ta sẽ không rút nó [trừng phạt] lại” (x. Am 1, 3.6.9). Phải chăng chính vì thế, Phêrô hỏi Thầy Giêsu tha thứ đến 7 lần, hơn gấp đôi số lần các rabbi Do Thái nên Phêrô nghĩ thầm sẽ được Thầy khen ngợi.

Thầy Giêsu không giới hạn tha thứ đến 7 lần, nhưng là 70 lần 7, là tha thứ không ngừng và không giới hạn. Một tha thứ Thầy kiện toàn luật yêu thương và không đồng nghĩa dung dưỡng kẻ ác hay cổ võ thái độ thụ động, nhu nhược và cam chịu. Một tha thứ ngăn chặn bão đời leo thang bạo lực “lấy oán báo oán, oán càng chồng chất”. Một tha thứ không chỉ chinh phục mà còn cảm hóa người lầm lỡ, lòng bao dung biến thù thành bạn. Một tha thứ quăng bỏ mọi gánh nặng để tâm hồn bình an, thanh thản. Một tha thứ đạt đến tột đỉnh vì “anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 38-39). Để rồi từ đó, tha thứ không phải là thái độ của yếu đuối, nhu nhược và thụ động. Hơn nữa, tha thứ thể hiện sức mạnh của thương yêu vượt thắng chính bản thân: càng yêu thương bao dung càng chế ngự được khuynh hướng tự nhiên “ăn miếng trả miếng” luôn hiện diện trong lòng mỗi người.

Học tha thứ, hiền triết Marc Aurèle nhận xét: ”biết yêu kẻ đã xúc phạm mình, đó là hạnh phúc của quân tử. Muốn được vậy, phải biết nghĩ rằng: những kẻ ấy là họ hàng thân thích của mình. Những người đó phạm lỗi là vì không biết, chứ không phải cố ý. Những người đó rồi chẳng bao lâu cũng cùng với ta mà chết. Mà quan trọng là, những người đó không có làm thiệt hại cho mình chút nào cả, bởi họ không từng làm cho tâm tính mình hư đi được”. Loren Fischer khuyên nhủ “ghim giữ nỗi đau hay là phóng thích nó bằng sự tha thứ? Hai điều ấy khác nhau như là ban đêm ta nằm ngủ trên chiếc gối chĩa đầy gai nhọn hay trên chiếc gối phủ đầy những cánh hồng”.

Trong lời kinh tuyệt vời Thầy Giêsu dạy, mỗi kitô hữu hãy cất tiếng vang với trọn vẹn tấm lòng thương yêu của mình: “… xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con…”