Ai thập toàn?
(Ez 33, 7-9; Rm 43, 8-10; Mt 18, 15-20)
Khó ai có thể phủ nhận một điều: hiểu mình khó, hiểu người khác còn khó hơn. Thế nhưng, nếp sống tự nhiên mỗi người đều tìm cách “tốt khoe, xấu che” hay “không ai vặt áo cho người xem lưng”. Cũng chính nếp sống đó khiến người Việt khoác cho mình nhiều vỏ bọc khác nhau để che giấu đi vết khuyết, yếu kém của bản thân và quên dần câu nói “nhân vô thập toàn”. Cũng như định hình nếp sống coi mình là trung tâm, tìm cách sống nổi bật trước người khác: về quyền lực, về giàu có, về ảnh hưởng, về sự nổi tiếng được nhiều người biết đến… Một nếp sống được ví von mỗi người đều mang một gùi yếu kém sau lưng và một thùng công đức trước ngực. Và vì thế, bản thân chỉ thấy hào quang trước mặt mà quên đi u ám, đen tối sau lưng.
Bên cạnh đó là tính tự ái, tuy biết mình nhiều khiếm khuyết nhưng lại rất khó nhận lỗi vì tính tự ái dễ dàng trào dâng nên chối bỏ lỗi lầm. Đây có thể coi là căn bệnh gia truyền, từ gen nguyên tổ. Ông bà nguyên tổ đã không vâng phục khi ăn trái cấm nhưng khi Yhavé Thiên Chúa ngự đến chất vấn, ông trả lời “lỗi do bà ấy”. Hỏi bà, bà đổ thừa cho con rắn. Vòng vo chối bỏ sai lầm, vấp ngã và tìm cách bào chữa luôn xảy ra trong đời sống hằng ngày. Hơn nữa, ai cũng sợ người khác biết được khuyết điểm hay tính xấu của mình, tự nhiên ai cũng muốn người khác quên đi hay đừng nhắc tới quá khứ không đẹp đó. Cũng chính vì thế, việc xây dựng sửa lỗi giúp nhau trở nên khó hơn bao giờ hết. Nếu không khéo sẽ bị cho rằng ta sửa lưng chứ không phải sửa lỗi, miệt thị, hạ phẩm giá hơn là muốn nên tốt, và không khéo thì sẽ bị mắng lại: “Chân mình thì lấm mê mê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người” hay còn dùng chính lời Thầy Giêsu để “phang” lại: “Hãy lấy cái đà khỏi mắt anh đã”.
Một vấn đề khó khăn, nhạy cảm và tế nhị, Thầy Giêsu đưa ra đường hướng để không chỉ tự hoàn thiện mình nhưng còn với mọi người xung quanh: giúp nhau hoàn thiện trong đức ái, trong tình yêu thương. Sửa lỗi cho nhau trong đức ái không có nghĩa là dò xét, bới móc, vạch lá tìm sâu, bé xé ra to, ít xít ra nhiều, hay nói cách khác là “dìm hàng nhau”. Sửa lỗi cho nhau không theo kiểu “bà tám”, kể sai phạm người khác như một câu chuyện mua vui. Hơn nữa, sửa lỗi cho nhau trong đức ái cũng đồng nghĩa ý thức được bản thân cũng nhiều lầm lỗi, bao khuyết điểm nên cần người khác góp ý xây dựng:
* Trong yêu thương, muốn giúp nhau điều đầu tiên chính là quan tâm. “Nếu anh em ngươi lỗi phạm…”, ngay từ lời đầu tiên Thầy Giêsu đã gửi thông điệp quan trọng cần ý thức được rằng người phạm sai lầm đó không phải là ai xa lạ. Đó chính là những anh chị em của tôi, là người nhà thân thiết, là một phần của đời tôi nên bản thân cần lo lắng giúp đỡ.
* Với thương yêu, muốn sửa lỗi cho nhau cần can đảm vì chẳng ai muốn nói những chuyện không vui mua thù chuốc oán. Và hơn nữa, ngày nay ta thường muốn tránh đụng chạm, mất lòng và sợ rằng “làm ơn mắc oán”. Để rồi từ đó vô tình khiến chính bản thân rơi vào thái độ dửng dưng dẫn tới vô cảm “hồn ai nấy giữ”.
* Cùng đức ái, giúp nhau sửa sai trong trân trọng sẽ không có xu hướng buộc tội, kết án và đè nặng lên vai nhau. Trân trọng sẽ tránh được lời nói không khéo dẫn đến đổ vỡ hay một thái độ vô tình sẽ khơi thêm hố sâu ngăn cách.
* Với, cùng và trong thương yêu, cùng giúp nhau thay đổi đời sống cá nhân trở nên tốt đẹp hơn đặt trên nền tảng kiên trì: vẫn tiếp tục dù đã thất bại. Trong kiên trì, Thầy Giêsu đưa ra ba bước giúp nhau: gặp riêng, gặp có người làm chứng và sau cùng đưa ra cộng đoàn. Nói cách khác, thương ai thật là muốn điều tốt cho nhau, mới làm mọi cách giúp nhau sửa đổi: từ gặp mặt cá nhân đến cùng gặp với nhóm anh em để tránh phán đoán chủ quan dễ rơi vào sai lầm, cũng như nhờ đóng góp của nhiều người mới dễ thuyết phục.
Và trên hết sống tinh thần đức ái, mỗi người khám phá được chính bản thân như thánh Phaolô: “Tôi ăn ở như một người ngu, còn sự lầm lạc của tôi thì vô kể” (Ep 4, 11). Để rồi từ đó, cùng giúp nhau không chỉ là hoàn thiện từ “nhân vô thập toàn”, nhưng cùng bước trên con đường nên thánh….
Tin cùng chuyên mục:
Thứ ba tuần XXVI thường niên: Phản ứng của con người khi gặp trái ý hay đau khổ
Thứ hai tuần XXVI thường niên-Các Thiên thần hộ thủ, Lễ nhớ
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người