CN.XXII.TN.B

56 lượt xem Suy Niệm
CN XXII TN B Mc 71 8a.14 15.21 23

Nghịch lý…
(Đnl 4, 1-2.6-8; Gc 1, 17-18.21b-22.27; Mc 7, 1-8a.14-15.21-23)

 

Cha Murray lang thang đi trên phố vắng giữa đêm khuya, ngài đang đưa Mình Thánh và xức dầu cho một bệnh nhân nguy kịch. Tới góc phố, chợt một tên cướp nhảy ra chĩa súng quát: “Đứng lại, đưa tiền đây!”. Cha Murray mở áo khoác, lấy ví tiền. Tên cướp ngó thấy ngài mặc áo đen và mang cổ trắng nên nhận ra đó là một linh mục, liền ấp úng nói: “Thưa cha, con không biết. Con xin lỗi, cha cất tiền đi”. Cha Murray bình tĩnh lại, ngài móc gói thuốc mời hắn một điếu. Nhưng ngài lại ngạc nhiên lần nữa nghe hắn nói: “Cám ơn cha, bây giờ đang Mùa Chay, con không hút thuốc”.

Một câu chuyện diễn tả nhiều nghịch lý trong đời sống Đức Tin vì căn bệnh chạy theo thành tích, thích khoe vỏ bọc bên ngoài đẹp đẽ giả hình: nhiều kitô hữu coi việc giữ luật là quan trọng, còn tình trạng tâm hồn bản thân lại không quan tâm. Họ thấy cần thiết phải giữ chay, còn có đi ăn trộm, ăn cướp cũng chẳng sao. Cụ thể hơn nữa về những nghịch lý đó: có những tòa nhà cao hơn, nhưng tư cách những người cư ngụ trong đó thì lại nhỏ hơn; những con đường cao tốc rộng hơn, nhưng quan điểm của con người thì lại hẹp hòi hơn; chúng ta nói quá nhiều, yêu quá ít và ghét quá thường xuyên; chúng ta đã đi lên mặt trăng và quay trở về, nhưng lại cảm thấy phiền hà khi băng qua đường để gặp một người hàng xóm mới dọn đến; chúng ta làm trong sạch không khí, nhưng lại gây ô nhiễm tâm hồn của nhau; chúng ta viết lách nhiều hơn, nhưng học hành thì ít hơn; chúng ta dự tính nhiều hơn, nhưng thực hiện ít hơn, chỉ biết vội vã, mà không biết chờ đợi; có thu nhập cao hơn, nhưng đạo đức thì lại thấp hơn; thừa về số lượng, nhưng lại quá thiếu về chất lượng…

Đó là một loạt những sai lầm mà Thầy Giêsu luôn tìm cách sửa đổi. Có thể coi đây là một trong những khác biệt giữa tâm tình giữ đạo của các biệt phái và nhóm môn đệ sống theo Lời Chúa. Các biệt phái nghiêm chỉnh giữ luật tắm rửa, lau chùi, rửa bình… không phải vì lý do vệ sinh, nhưng là nghi lễ thanh tẩy. Họ khó chịu, chê trách Thầy và các môn đệ vì không tuân giữ luật cũ. Cụ thể, một số môn đệ dùng bữa nhưng không rửa tay, bởi vì theo quy định trước khi dùng bữa và giữa hai món ăn, người ta phải rửa tay, và phải rửa theo một nghi thức. Việc rửa tay thời đó khác với ngày nay vì luật lệ hướng dẫn rõ ràng và nghiêm ngặt. Để bắt đầu, phải làm cho đôi bàn tay không còn dính đất cát hay các vật tương tự. Nước rửa tay phải được đựng trong những choé đá lớn hay bình bằng đồng, để chính chúng cũng thanh sạch theo ý nghĩa lễ nghi, và để được chắc chắn là chúng không được dùng vào việc gì khác và chẳng có vật gì rơi rớt hay lẫn lộn, pha trộn vào đó.

Sau đó, bàn tay được xoè ra, các đầu ngón tay chỉ lên trên, nước phải được đổ phía trên và chảy xuống ít nhất đến cổ tay. Trong lúc bàn tay vẫn còn ướt phải rửa bàn tay này bằng mu bàn tay kia. Đây là cách giải nghĩa cách thức rửa tay bằng mu bàn tay kia: mu bàn tay này phải kỳ cọ vào lòng bàn tay kia vàø toàn thể bề mặt của bàn tay kia. Như thế có nghĩa là trong giai đoạn này, hai bàn tay đã ướt nước, nhưng bây giờ nước đó đã bị dơ vì đã tiếp xúc với hai bàn tay dơ rồi. Một lần nữa phải chụp các ngón tay lại, chúc xuống dưới rồi đổ nước lên, sao cho nước từ cổ tay chảy xuống khắp các đầu ngón tay. Sau khi đã làm đúng như thế, thì đôi tay mới được sạch.

Để rồi từ đó, Thầy Giêsu dạy một bài học quan trọng: “Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế […] Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế” (Mc 7, 18.20). Yếu tố làm cho con người bị dơ bẩn thật sự không phải cái người ta ăn, mà là điều người ta nghĩ. Sự dơ bẩn không nằm trong vật chất bên ngoài của một hành vi nào đó mà là trong lòng. Và như thế, việc rửa tay không phải chỉ nhằm việc vệ sinh thân thể nhưng là việc vệ sinh tâm hồn. Rửa tay là có ý rửa cho tâm hồn được sạch mọi vết nhơ tội lỗi. Trong thánh lễ, khi chủ tế rửa tay với chút nước thì đọc : “Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tôi con phạm xin Ngài thanh tẩy”. Nhưng tiếc thay, nhiều người Do thái chỉ chú trọng rửa tay là rửa tay theo truyền thống mà không để ý đến việc thanh tẩy tâm hồn mình. Họ không nghĩ đến sự hối cải trong các tâm hồn, mà chỉ bận tâm đến việc thực hiện mấy việc bên ngoài: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 7, 6; Is 29, 13).

Nếu chỉ có những hành động bên ngoài mà không có tinh thần nền tảng bên trong, thì việc giữ luật đó sẽ ít giá trị trước mặt Thiên Chúa. Bên cạnh đó còn có những người luật Thiên Chúa thì không giữ, lại chỉ lo giữ những tập tục tôn giáo truyền thống, như một số thói quen mà ta thường gọi là “việc đạo đức”, những hình thức do con người sáng tạo… thì việc giữ những tập tục ấy lại càng ít giá trị hơn. Điều cốt lõi trong đời sống Đức Tin không phải hệ tại ở làm việc lành phúc đức, nhưng là lý do thúc đẩy thực hiện những việc ấy. Hành động cần phải phát xuất từ tình yêu, từ con tim: yêu Thiên Chúa và thương tha nhân. Một nếp sống được ông bà ví von “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, và, Thánh Phaolô khuyên nhủ trong 1 Cr 13, 3-7.14, 1:

Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay gộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì. Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật […] Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hi vọng tất cả, chịu đựng tất cả”. Chính vì thế, “anh em hãy cố đạt cho được đức mến”…