CN.XXII.TN.A

60 lượt xem Suy Niệm
13082020 173757

Kitô hữu là ai?
(Gr 20, 7-9; Rm 12, 1-2; Mt 16, 21-27)

 

Mỗi người khi chào đời đều là một thực thể khác biệt với người khác không ai giống ai, dù anh-chị em sinh đôi giống nhau đến đâu cũng có những điểm khác nhau. Truyền thống Việt xưa dùng câu nói “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, tâm lý ngày nay dùng từ ego/έγω có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp để diễn tả tính duy nhất nơi mỗi người: cái Tôi cá nhân. Chính cái Tôi này giúp bản thân với những đặc tính riêng để phân biệt với người khác. Albert Einstein từng nói: “Có một câu hỏi khiến tôi mơ hồ: Tôi điên hay người khác điên?”. Rắc rối của cái Tôi là như thế để rồi Ralph Waldo Emerson rút ra kết luận: “Sống như chính mình trong một thế giới luôn muốn biến mình thành người khác là thành tựu lớn nhất”. Và, kết bằng câu nói của một tác giả khuyết danh: “Tôi là chính bản thân tôi, tôi thích điều tôi thích và tôi yêu điều tôi yêu. Tôi làm điều mình muốn làm, tránh ra và chấp nhận đi, đây là cuộc đời tôi và không phải của ai khác”.

Đề cập đến những điểm khó hiểu về cái Tôi như thế là vì người Việt ngày nay, đặc biệt là giới trẻ, dường như chưa dành đủ thời gian để tự tìm hiểu về bản thân mà chạy theo hình bóng ai khác như các thần tượng, các sao: rung cảm và chạy đua theo cảm xúc vui buồn, yêu ghét, giận hờn của họ đến độ đánh mất đi chính bản thân mình là ai. Từ đó cũng ảnh hưởng tới đời sống kitô hữu với kiểu sống đạo theo cảm xúc, theo sở thích và đánh mất dần căn tính Kitô.

Như một Phêrô, nhân danh nhóm Mười Hai tông đồ đã thừa nhận Thầy Giêsu là Đấng Mesiah hay Đấng Kitô. Và lúc đó, Phêrô được Thầy khen là có phúc vì đã nhận được “mạc khải” từ Thiên Chúa. Nhưng chỉ trong thoáng chốc, bị Thầy la “satan lui lại đằng sau Thầy”. Lời la mắng Phêrô được thốt lên trong hành trình Thầy hướng về Giêrusalem. Bởi vì từ mấy tuần nay, Thầy đã “chạy trốn” ra nước ngoài, đi về những xứ ở miền Bắc Palestine. Xêdarê, Philípphê, đầu nguồn sông Giođan là điểm cực xa, đối với thành Giêrusalem “thành phố giết các ngôn sứ” (Mt 23, 37). Thầy Giêsu quay ngược lại hoàn toàn để lên đường đi về Giêrusalem, quyết định này Thầy đã phải suy nghĩ trăn trở nhiều để định hướng bước đi trên con đường thánh ý Cha: Người phải đi và phải đi thôi!

Lên đường đón nhận biến cố khổ nạn, Thầy chia sẻ trước cho các môn đệ: “Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”. Cũng chính thông báo này mà Phêrô vì không thể đón nhận nên muốn ngăn cản bước chân Thầy và bị Thầy kết án là Satan. Kẻ cám dỗ, phá hoại như những kiểu cám dỗ ngày nay giản lược dần hồng ân Đức Tin về những cách suy nghĩ của con người: những gì vượt qua tầm hiểu biết thì không chấp nhận; như muốn cấm Thiên Chúa là Thiên Chúa; muốn uốn nắn Thiên Chúa theo cái nhìn, quan niệm con người.

Căn tính kitô hữu không phải như thế, Thầy đưa ra một triết lý sống mới khác hoàn toàn, trái ngược với những gì thế giới tục hóa đề nghị: Từ bỏ chính mình và vác thập giá.

Không có tình yêu thương chân thật nếu không có sự từ bỏ chính mình. Khi gặp một số hoàn cảnh đau thương trong đó tình yêu bị nguy ngập mới hiểu rằng yêu thương cần vượt qua nhiều thử thách mài giũa: Tha thứ cho kẻ thù; can đảm để nói rằng mình theo Thầy Giêsu trong một môi trường vô tín hoặc bị nhạo báng; yêu thương trong hôn nhân một cách trung tín; tiếp tục chăm lo con cái thay vì tìm thú vui riêng; giữ vững ý thức chia sẻ khi mọi sự đều kích thích ta tích lũy và tiêu xài cho chính bản thân; luôn giữ sự lương thiện trong các thương vụ khi mà những quy luật về kinh tế hoặc chính trị là những luật rừng, cá lớn nuốt cá bé. Để yêu thương cho đúng nghĩa, phải lên đường bước đi sau Thầy, trên con đường Thầy đã đi: thập giá.

Nói đến thập giá dường như ai cũng sợ vì nó thường là dấu chỉ của đau đớn, khổ hình ô nhục như quân Roma xưa dùng để đóng đinh những tội phạm nô lệ hay trọng tội đối với đế quốc. Thế nhưng đối với người Hy Lạp, thập giá trở thành hoa văn trang trí; còn đối với người Ai Cập, thập giá tượng trưng cho sự bất tử. Nói cách khác, thập giá được chia làm hai kiểu: thập giá nhục hình tử tội đen tối và thập giá vinh quang. Cả hai đều mang dấu vết đau khổ khác nhau: có khổ giá của đau khổ xấu xa cần tiêu diệt và Thánh Giá thương đau để đạt được hạnh phúc sống.

Ai tự đặt mình là trung tâm của lẽ sống, người ấy đi vào cõi diệt vong; ai đánh mất mạng sống vì Thầy Giêsu trên con đường Thánh Giá sẽ tiến tới thành công đạt được sự sống muôn đời. Và hơn nữa, mạng sống con người không đồng hóa với mọi thứ của cải họ có, căn tính kitô hữu là từ bỏ tất cả, từ bỏ chính bản thân mình. Càng từ bỏ “mình” bao nhiêu sự hiện diện của Thiên Chúa nơi bản thân gia tăng bấy nhiêu. Từ bỏ mình hoàn toàn sẽ trở thành một kitô khác hoàn toàn.

Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,
chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân…
Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.