CN.XXI.TN.C Cửa hẹp…

59 lượt xem Suy Niệm
luke13 24

CN.XXI.TN.C

Cửa hẹp…
(Is 66, 18-21 ; Dt 12, 5-7. 11-13 ; Lc 13, 22-30)

 

Nói tới cửa, chắc hẳn nhiều người thở dài ngao ngán khi có việc hành chính cần làm. Thở dài vì đã và dường như, đang từng tồn tại nhiều « cửa » không chỉ hành xác nhưng còn hành đủ mọi chuyện trên trời dưới đất khác nhau, phải chăng « hành » là chính ?. Muốn đầu xuôi đuôi lọt đỡ tốn thời gian, công sức thì cũng phải biết điều với những thủ tục đầu tiên như dầu mỡ để bôi trơn cánh cửa. Thế mới biết cánh cửa quan trọng thế nào để rồi hình thành đến cả một kiểu mà người ta gán ghép với từ văn hóa : văn hóa phong bì, văn hóa bôi trơn. « Văn hóa », với đúng nghĩa của nó, diễn tả những gì tốt đẹp được đúc kết theo dòng lịch sử, thế mà sự đời lại dùng từ đó gán ghép cho hành động tiêu cực. Để rồi có người dựa vào bài thơ « Vịnh cái quạt » của Hồ Xuân Hương để « Vịnh cái phong bì » :

Bôi trơn thủ tục buổi bây giờ
Xiên ngang trước bụng bì không thiếu
Đút dọc sau hông ruột chẳng thừa
Che mắt quan trên gà sợ gió
Bịt mồm cấp dưới chó lo mưa
Công to, việc nhỏ tùy dày mỏng
Nắn bóp, vân vê thỏa mãn chưa ?

Cửa trong đời sống xã hội là thế, nhưng « cửa Nước Trời » khác biệt hoàn toàn. Trong cuộc hành trình cuối hướng về Giêrusalem, Thầy Giêsu dành trọn thời gian rao giảng Tin Mừng nước Trời, về hồng ân cứu độ dành cho mọi người. Gấp gáp đi trọn con đường sứ vụ hướng về Thành Thánh, Thầy Giêsu bước vào nơi mà chính Người tiên phong đi qua : « cửa hẹp ». Cũng trên con đường đó, có người hỏi Thầy về hồng ân cứu độ như thế nào, dành cho đối tượng nào : « Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không? ».

Thầy không trả lời trực tiếp câu hỏi đó, nhưng dùng hình ảnh « cửa hẹp » mà Thầy đang trên đường bước vào cũng như đề cập đến tính cấp bách của việc hoán cải để có thể vào Nước Trời : « Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được ». Gạt bỏ tranh luận, suy nghĩ theo kiểu lý thuyết làm thế nào, làm gì để được cứu độ, Thầy đặt họ phải đối diện trực tiếp về lối sống, trách nhiệm và sự cố gắng của bản thân. Đừng quan tâm đến số lượng bởi vì sự tò mò đó biểu lộ cách tìm kiếm sự an toàn cho bản thân : Nếu mọi người đều được vào, tôi cần gì phải lo lắng vậy cứ sống thỏa mãn con người của mình ; nếu rất ít người đạt được, tại sao tôi phải tốn bao công sức mà chắc gì đã được !

Thầy không xác định số lượng, Thầy muốn mỗi người tự bản thân đưa ra quyết định cụ thể và có trách nhiệm với quyết định lối sống đó một cách nghiêm túc. Thầy dùng hình ảnh quen thuộc nói về Nước Trời như một bàn tiệc nhưng cửa vào tham dự lại hẹp nên phải nỗ lực và cố gắng hết sức mới có thể chen chân bước qua. Cửa hẹp này còn được gọi là mắt của cái kim/the eye of the needle, con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa (Lc 18, 25). Cửa chỉ vừa vặn cho một người đi qua thôi, và không thể mang theo hành lý. Nên, « hãy chiến đấu » theo nguyên ngữ Hy Lạp, Αγωνίζεσθε/agonizesté, nghĩa là phải đánh nhau để được vào và không mang theo bất cứ hành trang trần thế gì. Tiếng Pháp dùng từ agonie/hấp hối có ngữ căn từ động từ Hi Lạp để diễn tả cuộc chiến đấu cuối cùng của sự sống. Đó cũng là cuộc chiến đấu mà chính Thầy Giêsu tiên phong bước vào cửa hẹp tại vườn Ghetsemani và trên đồi Golgotha để tuôn tràn ơn cứu độ cho nhân loại.

Cấp bách hơn nữa, cửa hẹp Nước Trời đó sẽ đóng bất cứ lúc nào. Không thể có suy nghĩ thôi để ngày mai rồi tính, nhưng là phải sống ngay trong giây phút hiện tại để có thể bước vào tham dự bàn tiệc Nước Trời. Nếu không khi cửa đã đóng, sẽ là số phận bi thảm dành cho những ai tự ru ngủ về an toàn của bản thân bởi vì, không có đặc quyền dành riêng cho ai. Lời Thầy Giêsu nghiêm khắc cảnh báo được áp dụng cho những ai đã từng ăn uống trước mặt Người, đã từng nghe Người giảng dạy. Nói như thế không có nghĩa cảnh báo này dành cho những người sống trong thời Thầy Giêsu tại thế, nhưng là dành cho mọi người mọi thời đặc biệt là kitô hữu : tham dự bàn tiệc Thánh Thể, lắng nghe Lời Thầy truyền dạy nơi bàn tiệc Lời Chúa.

Hãy sống trọn vẹn từng giây phút hiện tại, hãy sống trọn vẹn ngày hôm nay như một ngày cuối cuộc đời để cố gắng bước qua cánh cửa hẹp vào dự tiệc Nước Trời…

Lm. Jos. Phạm, SCJ