CN.XXI.TN.B

54 lượt xem Suy Niệm
26229493 1838358806237243 6619745287157344943 n 1

Anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?
(Gs 24, 1-2a.15-17.18b; Ep 5, 21-32; Ga 6, 60-69)

 

Thành phố Jaffa xứ Palestine luôn gắn liền với lịch sử dân tuyển chọn Israel và được tường thuật cách nổi bật trong Thánh Kinh: Vị ngôn sứ Jonah chạy trốn lệnh truyền của Thiên Chúa đến Nineveh, ông liền đến Jaffa/Joppa và theo tàu hướng về Tarshish (Gn 3, 1), thế nhưng Thiên Chúa đã can thiệp để vị ngôn sứ thực hiện công việc được trao; Cũng tại đây, tông đồ Phêrô đón nhận thị kiến không giới hạn rao giảng Tin Mừng nơi dân tuyển chọn (Cv 3, 5ss) nhưng là đi khắp tứ phương thiên hạ, đến với nhà một viên đại đội trưởng Roma, đến với người đô hộ chính dân tộc của mình. Tại thành phố Jaffa này có một khu đất gọi là khu đất quyết định. Các sông ngòi chảy vào khu đất ấy lưỡng lữ một lúc rồi mới chảy sang một trong hai hướng. Có những nhánh sông chảy vào Biển Chết, biển này không có một sinh vật nào sống nổi. Còn những nhánh sông khác chảy vào khu vườn Sharon xinh đẹp mà trong Công vụ Tông đồ tường thuật khi Phêrô chữa lành một người tê bại (Cv 9, 35); ngược trở về quá khứ, vị ngôn sứ Isaia tiên báo: “Ngày nào dân Ta tìm kiếm Ta, Sarôn sẽ thành đồng cỏ cho chiên ăn” (Is 65, 10); hay trong Diễm ca diễn tả về Thầy Giêsu: “Em là đóa thủy tiên của Sarôn đồng bằng, là bông huệ thắm hồng trong thung lũng” (Dc 2, 1).

Cuộc đời mỗi kitô hữu cũng thế, như các nhánh sông cần chọn chảy về một hướng, chon sai sẽ chảy về Biển Chết vô vọng, chọn đúng hướng trở nên phù sa cho đời, cho mình và tiến về suối nguồn Thầy Giêsu. Một chọn lựa được ca dao đề cập: Một nhà hai chủ không hòa, hai vua một nước ắt là không yên. Để rồi sau diễn từ về Bánh sự Sống, Thầy Giêsu đẩy lên đỉnh điểm cuộc khủng hoảng tranh luận dẫn đến cuộc Tử Nạn của Người. Thầy đỏi hỏi phải đưa ra chọn lựa dứt khoát: hoặc tin vào Người, hoặc từ chối không tin.

Đứng trước đòi hỏi này, nhiều môn đệ phản ứng gay gắt vì “lời này chướng tai quá! Ai mà nghe cho nổi?” (Ga 6, 60), và từ đó không tin vì hiểu Lời Thầy Giêsu trong lăng kính tù ngục của vật chất. Họ là hình ảnh của những người tự giam mình trong thế giới vật chất của hưởng thụ, của thực dụng mà họ coi là dễ chấp nhận hơn. Và hơn nữa, được đào tạo và sống trong xã hội tuy duy phê phán thực nghiệm, đó chính là những con người ngày nay chỉ muốn và thích phê phán điều có thể và không thể, nên không thấy được cái vô biên của thực tại, của Thiên Chúa. Và, “nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa” (Ga 6, 66). Họ đã đi theo Thầy một thời gian, đã tin, đã trở thành môn đệ, nhưng họ không đi tới cùng. Một chọn lựa sống đức tin chỉ biết căn cứ vào những nhận xét, những suy diễn hoặc những cảnh tượng chủ quan, để rồi quên đi rằng cần đặt trên nền tảng vào mạc khải của Thiên Chúa về Người Con Giêsu và về tương quan giữa ta với Người.

Đứng trước sự tan rã bi đát này, Thầy Giêsu quay về Nhóm Mười Hai, những người được coi là thân tín nhất. Vậy phản ứng của họ thế nào trước câu hỏi của Thầy: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6, 67). Simon Phêrô đã thay mặt cho cả Nhóm nói lên thái độ của họ: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng: Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6, 68-69).

Bên cạnh đó còn có chọn lựa thứ ba, một chọn lựa chân trong chân ngoài của nhiều kitô hữu ngày nay, vì quên đi rằng chọn lựa là dấn thân: tách Thánh Lễ ra khỏi cuộc sống. Nhìn vào các nhà thờ đông nghẹt người xem lễ, thì ai cũng nói niềm tin của người kitô hữu hôm nay thật là lớn; tuy nhiên, cuộc sống có đúng là người tin hay không? Một câu hỏi được đặt ra là bởi vì vẫn còn có nhiều người quan niệm đi lễ, giữ chay, đọc kinh, giữ luật đạo, lâu lâu bố thí cho kẻ nghèo hay dâng cúng cho nhà thờ, thì đã thể hiện được niềm tin của mình. Còn ngay trong cuộc sống hằng ngày, họ không cần biết đến người láng giềng đang sống như thế nào? Không cần biết đến xóm làng đang có những vấn đề gì? Họ không cần để ý đến tình người ngay trong mối quan hệ bình thường với người khác. Và như thế, vô tình họ đã khoanh vùng hoạt động cho Thiên Chúa ở trong nhà thờ mà thôi, họ chưa đưa Thiên Chúa vào trong cuộc đời, đang lúc Thầy Giêsu lại sinh hoạt ngay giữa lòng xã hội loài người.

Nói cách khác, kitô hữu đó giữ đạo ở trong nhà thờ như một người công chức tới giờ đến sở làm việc. Có nghĩa là khi đến nhà thờ thì trang nghiêm sốt sắng, nhưng khi thánh lễ kết thúc, cửa nhà thờ đóng lại và ta cũng trở về với cuộc sống thường ngày. Lúc bấy giờ, ta lại vội vã gian than, độc ác và bất công. Trong nhà thờ ta là những con chiên ngoan; nhưng giữa lòng cuộc đời lại hoá kiếp thành một loài sói dữ. Như vậy, thánh lễ cũng chỉ là một chiếc ngăn kéo rất nhỏ bé giữa những ngăn kéo biệt lập khác của cuộc sống.

Tin vào Thầy Giêsu là Bánh Hằng Sống, cuộc đời mỗi người cần trở thành một thánh lễ nối dài, bằng cách thực thi tinh thần yêu thương và hợp nhất, giúp đỡ những người chung quanh, như một bài hát quen thuộc: Ta về thôi khi thánh lễ đã hết, nhưng đời ta là thánh lễ nối dài, đem tình thương Thiên Chúa đến mọi nơi, ta sống sao để làm chứng nhân.

Và, lời Thầy Giêsu vẫn luôn vang vọng nơi từng kitô hữu: Con cũng muốn bỏ Thầy mà đi hay sao?