CN.XVIII.TN.C
Tất cả chỉ là phù vân…
(Gv 1,2.2,21-22 ; Cl 3,1-5.9-11 ; Lc 12,13-21)
Có lẽ chưa bao giờ đời sống tục hóa ảnh hưởng lớn đến đời sống đức tin kitô hữu như ngày nay. Đặt biệt là đời sống vật chất, tục hóa đến độ coi đồng tiền là tất cả :
Tiền là tiên là phật
là sức bật của lò xo
là thước đo của lòng người
là tiếng cười của tuổi trẻ
là sức khỏe của tuổi già
là cái đà danh vọng
là cái vọng che thân
là cán cân công lý…
Tưởng chừng như bài vè đùa vui, nhưng cụ thể và rõ ràng hơn nữa:
Có tiền phú quý giàu sang
Không tiền lắm kẻ cơ hàn điêu linh
Có tiền lắm kẻ chung tình
Không tiền nó đá cho mình quay lơ
Có tiền kẻ đợi người chờ
Không tiền bạn hữu thờ ơ chẳng nhìn
Có tiền thăm được họ hàng
Không tiền cô bác bàng hoàng chơi vơi
Có tiền thỏa thích ăn chơi
Không tiền làm toát mồ hôi cả ngày
Có tiền sáng xỉn chiều say
Không tiền bụng đói suốt ngày nằm phơi
Có tiền dạo phố xe hơi
Không tiền nằm ngủ chao ôi đói lòng
Có tiền cưới vợ gả chồng
Không tiền thì cả tơ hồng không se
Có tiền anh nói em nghe
Không tiền anh nói em chê anh nghèo
Một sự thật khiến bao người bất ngờ vì nó từ từ ăn sâu một cách tự nhiên vào đời sống xã hội, để rồi khi giật mình nhìn lại mới thấy sự khủng khiếp của nó : chức sắc vì đồng tiền bán rẻ lương tâm, cha mẹ con cái vì đồng tiền có thể chém giết nhau ; anh chị em trong gia đình tranh giành gia tài sứt đầu mẻ trán, coi nhau như người dưng khác họ dù sống liền kề ; ra ngoài đường vì đồng tiền nên cướp giựt làm mất bao mạng sống oan uổng… Vì đồng tiền con người có thể làm tất cả đến độ vô cảm đánh mất chính mình. Lối sống đó đã được báo động từ trước, cách đây bao ngàn năm từ Thầy Giêsu.
Tại Palestin thời đó, người ta thường đem những vấn đề tranh cãi xin các rabbi phân xử. Coi Thầy Giêsu nổi tiếng có thể bênh vực cho mình, có người đến xin Thầy lên tiếng đòi lại phần gia tài bản thân được hưởng. Dựa theo luật Do Thái (Đnl 21, 17 ; Ds 27,1-11; 36,7-9), người con cả hưởng trọn phần di sản cùng gấp đôi phần động sản. Trong hoàn cảnh đó, người cầu cứu Thầy Giêsu là người con thứ bị anh trai chiếm trọn gia tài. Anh lên tiếng nhờ danh Thầy đứng ra làm trọng tài đòi lại phần của mình. Thế nhưng, câu trả lời của Thầy làm mọi người ngạc nhiên : “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?”.
Một câu trả lời bằng một câu hỏi khác dường như cho thấy Thầy muốn trốn tránh. Không phải thế, trước tiên Thầy Giêsu muốn mọi người phân biệt rõ ràng những việc thế tục không phải là vai trò và sứ mạng của Người. Đề rồi từ đó, Thầy dẫn dắt đi xa hơn, cảnh giác với những bám víu thế tục đánh mất đi chính mạng sống mình : “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu”.
Sự chọn lựa của ông phú hộ nói lên tất cả : giàu có, tiệc tùng, ăn uống no say không phải là cùng đích cuối cùng của hạnh phúc, giới hạn tầm nhìn vào của cải đất đai, mùa màng, kho lẫm và cả cái bụng. Cùng đích cuối cùng của hạnh phúc không nằm ở đời này, nhưng hay bị lãng quên với sự cố chấp hạn hẹp chạy theo chủ nghĩa duy vật, chạy theo tục hóa. Điều mà Thầy Giêsu muốn truyền tải không phải là đả phá, chống đối làm giàu. Sứ điệp chính yếu là làm sao để bản thân không bị phụ thuộc đánh mất bản thân, cũng như biết cách làm chủ dùng những gì có trong hiện tại để « làm giàu trước mặt Thiên Chúa ». Đó mới chính là cách làm giàu đích thực : “Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá” (Lc 12, 33).
Một cách nào đó cần chân nhận rằng bản thân cũng thường nghĩ ngược lại lời dạy của Thầy Giêsu và biện minh : có thực mới vực được đạo. Tuy nhiên cũng có tiếng nói nho nhỏ trong tâm hồn : Thầy có lý. Chính vì thế, hãy lắng nghe tiếng thì thầm đó để biết rằng : tiền không mua được tình yêu chân thật, không mua được lương tâm trong sáng, không mua được niềm vui đích thực… và, không có túi đựng tiền trong tấm vải niệm. Hãy nhắc nhở luôn mãi biết cách đổi tiền đời này thành gia tài, kho tàng đời sau…
Lm. Jos. Phạm, SCJ
Tin cùng chuyên mục:
Thứ ba tuần XXVI thường niên: Phản ứng của con người khi gặp trái ý hay đau khổ
Thứ hai tuần XXVI thường niên-Các Thiên thần hộ thủ, Lễ nhớ
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người