CN.XVIII.TN.A

58 lượt xem Suy Niệm
Great Banquet

Cái lưỡi không xương…
(Is 25, 6-9; Pl 4, 12-14.19-20; Mt 22, 1-14)

 

Giới trẻ ngày nay không ai không biết từ “chém gió”, một từ diễn tả kiểu sống chuyện gì cũng có thể bàn luận, tranh cãi hay nói quá sự thật. Trở thành phong trào, “chém gió” như len lỏi vào mọi góc khuất cuộc sống: từ những câu chuyện gà vịt bà tám hằng ngày đến tình hình thế giới; từ góc nhỏ những vấn đề gia đình hàng xóm đến phố phường; từ những câu chuyện nghe-đọc được thuật lại như từng chứng kiến; từ đời thực đến đời ảo… Đủ mọi chuyện đều có thể mang ra “chém gió” gây ra nhiều hậu quả không thể lường trước. Bao người nhẹ thì rơi vào khủng hoảng, nặng thì tìm cách hủy mình vì bị dựng chuyện, từ không bỗng dưng được bàn tán như từng xảy ra. Ấy thế mà nhiều người vẫn lao vào chỉ để thể hiện sự hiểu biết của mình, thể hiện đẳng cấp “anh hùng bàn phím”.

Cũng có bao chuyện từ có được phù phép thành không hay sự thật bị rơi vào vòng ma trận các thông tin trái chiều, điển hình mưa lũ tháng 10/2017 gây sạt lở, nhiều người hướng về chia sẻ mất mát tang thương, tìm mọi cách hạn chế thiệt hại. Thế nhưng có chuyện khó hiểu theo kiểu “ông nói gà bà nói vịt” như vụ một tuyến đê tại huyện Chương Mỹ bị vỡ. Xin trích nguyên văn “xã khẳng định vỡ đê, huyện lại phủ nhận” (http://soha.vn/vi-sao-lanh-dao-huyen-chuong-my-ha-noi-phu-nhan-de-vo-20171013094213821.htm, 13/10/2017), giống như một chuyện cười cục mịch trên giọt mồ hôi, nước mắt và cả giọt máu của người dân: 8 thôn trong 1 xã chìm trong biển nước; thiệt hại 40ha hoa màu, 50ha thủy sản, 28ha lúa. Đọc kỹ hơn thông tin, tuyến đê này mới được hoàn thiện được 3 tháng đã chịu không nổi đợt lụt đầu tiên vỡ mất một đoạn 15m, bí thư huyện Chương Mỹ nói tránh đi rằng “nước chỉ tràn qua theo phương án thiết kế”.

Đúng là “cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, cái miệng không vành mó méo tứ phương”. Câu chuyện dù không ai nói nhưng dường như ai cũng biết tại sao đê mới vào sử dụng lại “thất thủ”, được tác giả chua xót đặt câu hỏi thay cho câu trả lời: “Phải chăng có điều gì khiến chính quyền huyện Chương Mỹ đang tìm cách che giấu?”. Để giải trình, thông tin kỹ thuật khác cung cấp thêm là “đê vỡ có kế hoạch” bởi vì đây là vành đai đê Hữu Bùi vùng chứa lũ bảo vệ an toàn đê Tả Bùi (http://soha.vn/chi-cuc-truong-de-dieu-ha-noi-noi-vo-de-huu-bui-o-chuong-my-la-vo-co-ke-hoach-20171013174117569.htm, 13/10/2017).

Có thể tóm gọn bằng cụm từ lợi ích cá nhân không màng và không lường trước được hậu quả. Cụ thể tình hình ngày nay, làn sóng dịch virus T+ trỗi dậy từ Đà Nẵng chưa tìm được nguồn lây nhiễm thì ngay lập tức giá khẩu trang tăng theo từng giờ với việc đầu cơ tích trữ, khẩu trang giả không nguồn gốc tràn lan như ép người dân đến chỗ tận cùng. Rồi chỉ vì kiếm lợi cá nhân nên hình thành đường dây đưa người vượt biên trái phép theo kiểu “cõng rắn cắn gà nhà”. Một nếp sống ích kỷ chỉ biết đến bản thân là đây, chỉ biết đến hưởng lợi, sống trong vỏ ốc của mình và quên dần, không để ý đến những giá trị chân thực với nhiều hệ quả khác nhau. Một lối sống Thầy Giêsu luôn lên án mạnh mẽ “bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao”, một lối sống giả hình trong kiểu suy nghĩ tìm mọi cách có được tất cả, nhưng đó lại là mất tất cả như câu chuyện dụ ngôn khách mời dự tiệc cưới.

Tiệc cưới luôn là hình ảnh của ngập tràn niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn nên được Thầy Giêsu sử dụng để diễn tả tình yêu nhưng không của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Tiệc cưới mừng vui vì giao ước tình yêu như hôn nhân gắn kết muôn đời và vĩnh cửu giữa Thiên Chúa và con người, thế nhưng lời mời gọi của chủ tiệc lại không được đáp ứng trọn vẹn: lần mời thứ nhất dành cho những người được tuyển chọn nhưng họ không đến; lần mời thứ hai tha thiết hơn nhưng khách mời viện cớ với muôn ngàn lý do “lưỡi không xương” ích kỷ kiếm lợi cá nhân để từ chối cách quyết liệt; lần mời thứ ba lại rất đặc biệt mang tính phổ quát.

Những lý do để từ chối nhìn từ góc độ nào đó thì chính đáng và không phải là xấu: người thì ra ruộng, kẻ đi buôn, người thì làm những công việc khác cần thiết cho đời sống của mình. Không ai khước từ để đi chơi bời, nhậu nhẹt say sưa hay làm những việc vô đạo đức. Vậy phải chăng làm như thế là có lỗi? Rất nhiều lần trong cuộc sống, con người thường hay để ý đến những điều tạm bợ và quên đi những giá trị cao hơn. Và, thảm kịch của đời sống nhiều khi không phải là cái xấu, nhưng nhiều lúc lại chính là cái tốt. Ngày xưa đã thế và ngày nay cũng vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô gọi đó là cuộc sống nông cạn: chỉ biết cái lợi trước mắt mà quên đi giá trị đích thực lâu dài.

Để rồi, lời mời thứ ba được gửi đến tất cả mọi người, mọi thành phần và không có sự phân biệt. Một lời mời gọi đầy ân sủng và lòng quảng đại, nhưng không đồng nghĩa khách mời đến tham dự theo kiểu thụ động. Tham dự, ngồi vào bàn tiệc chưa đủ, điều cần thiết là mặc y phục cho thích hợp. Chiếc áo dự tiệc cưới Nước Trời chính là ơn thánh tẩy được trao ban trở nên con người mới, mặc lấy Đức Kitô. Một chiếc áo “y phục xứng kỳ đức”, chính là tâm hồn thanh khiết, nhân phẩm tước vị làm con Thiên Chúa, được dệt bằng sợi tơ lụa Lời Chúa, được may bằng Tin-Cậy-Mến dưới hình dáng của đời sống hằng ngày.

Lời mời gọi đến tham dự tiệc cưới Nước Trời luôn được vang vọng mãi…