Lúa-cỏ lùng, thiện-ác…
(Kn 12, 13.16-19; Rm 8, 26-27; Mt 13, 24-43)
Đứng trước cái ác, điều tiêu cực, một cách tự nhiên con người như muốn gạt bỏ, tiêu diệt ngay lập tức để làm đời trong sáng hơn. Nhiều người muốn loại trừ khỏi xã hội những trùm du đãng, những mafia buôn ma túy, những kẻ giết người hàng loạt, phá thai giết trẻ không được chào đời, những nhà độc tài; đứng trước đại dịch lây nhiễm virus T+ ngày càng tăng nhanh, chỉ trong 100h (13/07-17/07/2020) số ca được phát hiện lên dến 1tr người, để rồi đá banh đổ tội cho nhau giữa các quốc gia cũng khốc liệt không kém… Nói cách khác là muốn loại bỏ tất cả những ai, những gì đi ngược lại giá trị nhân bản, lạm dụng sự tốt lành để làm điều ác. Phản ứng tự nhiên là thế nhưng lại quên đi ta có thể dễ dàng xét đoán một người nào, một điều gì là xấu mà chịu đựng nó thì không thể chấp nhận, nhưng lại quên đi rằng trong mỗi người đều tồn tại cái ác nào đó.
Aleksandr Solzhenitsyn từng nói: “Giá mà có kẻ ác ở đâu đó âm thầm thủ ác, và chỉ cần phải tách chúng ra khỏi chúng ta để rồi từ đó diệt trừ. Nhưng thiện-ác hiện diện trong trái tim của mỗi con người, và ai sẵn sàng phá hủy một phần trái tim của chính mình?” Khổng Tử khuyên nhủ: “Ẩn ác dương thiện là bậc thánh; thích thiện ghét ác là bậc hiền; tách bạch thiện ác quá đáng là hạng người thường; điên đảo thiện ác để sướng miệng gièm pha là hạng tiểu nhân hiểm độc”. Không chỉ là một nhận xét để phân biệt con người, Khổng Tử hướng tới khuyên nhủ làm thiện tránh ác để đạt tới bậc thánh hiền, nhưng vẫn tồn tại tiêu cực và giới hạn vì rơi vào óc kỳ thị, xét đoán.
Trong tâm thức người Do Thái, ngày Đấng Messiah đến sẽ phán xử thiện ác giống như lời Gioan Tẩy giả loan báo: “Tay Người cầm nia. Người rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Mt 3, 12). Hụt hẫng vì không thấy cách xét xử diễn ra y như mình đã loan báo, nên từ trong ngục tù, Gioan sai hai môn đệ đến hỏi Thầy Giêsu: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”. Đứng trước sự ngỡ ngàng, hụt hẫng của tất cả những ai đã nghe lời Thầy loan báo “Nước Trời đã đến gần” nhưng không thấy phán xử thiện-ác, Thầy đã khắc họa, giới thiệu rõ nét hơn về Nước Trời với dụ ngôn: lúa-cỏ lùng; hạt cải; men.
Loại lúa mì được trồng nhiều ở miền Palestin lúc còn nhỏ rất khó phân biệt với cây cỏ. Đây là sự thật ẩn trong câu căn dặn: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho tới mùa gặt” (Mt 13, 29). Người Anh khi chuyển dịch dụ ngôn này đã dùng những từ ngữ giúp minh họa được ý nghĩa của dụ ngôn, mà khi lắng nghe tiếng Anh thì rất khó phân biệt giữa hai từ “Wheat và Weed”.
Từ hình ảnh mùa gieo Nước Thiên Chúa đến mùa gặt kèm theo việc đập lúa, hình ảnh việc xét xử, có một khoảng thời gian ở giữa: Lúc này đang là thời kỳ lúa lớn lên là thời gian kiên nhẫn của Thiên Chúa: nếu Thiên Chúa gớm ghét sự ác thì Ngài vẫn cứ phải yêu thương con người, kẻ tội lỗi cũng như người công chính, và Ngài biết rõ tiềm năng lạ lùng của Lời gieo trong lòng họ. Ngày thu hoạch mùa và phân biệt chọn lựa sẽ đến vào giờ của Người. Ngày đó không thể dự đoán trước, như ông chủ nói với các gia nhân ông rằng: “Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi” (Mt 13, 30).
Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa được Thánh Vinh phác họa: Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm bất bình và rất mực khoan dung (Tv 85, 5). Là thời gian không chỉ thể hiện sự kiên nhẫn nhưng lồng vào đó là lòng bao dung. Ngài kiên nhẫn đợi chờ con người sám hối. Cỏ lùng thì không có cách nào thay đổi đuợc chỉ chờ đến ngày là thu hoạch cho vào lửa; còn con người thì khác, con người có thể cải tà qui chính, có thể từ một qủy dữ biến thành một vị thánh. Trong lịch sự Giáo hội, có biết bao “cỏ lùng”, nhờ hồng ân Thiên Chúa, đã trở nên hạt lúa tốt như những Augustinô, những Charles de Foucauld…
Bài học Thầy dành cho mỗi kitô hữu là đây. Bao dung là nhân từ, là kiên nhẫn chịu đựng những điều xấu của người khác để dần dần tìm cách hoán cải họ. Bất bao dung là đòi trừng trị ngay những người xấu: một người làm gì đó có hại cho ta, ta trả đũa ngay. Thái độ bất bao dung phát sinh từ suy nghĩ cho mình là tốt, hoàn toàn đúng và người ta là xấu, hoàn toàn sai. Và như thế, muốn bao dung thì phải biết mình và biết người: biết mình cũng có lỗi lầm, và biết người cũng có những điều tốt. Muốn lấy cái rác trong mắt người ra thì trước hết phải lấy cái xà trong mắt mình đã.
Là một lời mời gọi sống theo gương kiên nhẫn và bao dung của Thiên Chúa, dụ ngôn cũng đồng thời đề nghị hãy suy niệm về thời gian của Giáo hội: đó là thời gian mà tiềm năng của Lời đang hoạt động bất chấp mọi trở ngại và chống đối; thời gian chờ đợi ngày cánh chung, thời gian của niềm hy vọng. Điểm nhấn mạnh ở đây không còn nhắm tới sự sống giữa lúa và cỏ lùng nữa, mà là sự chọn lựa cuối cùng; đang khi chờ đợi sự chọn lựa này, cần phải cố gắng sống không như “con cái ác thần” mà như “những con cái Nước Trời”.
Helen Keller từng nói: “Thật tuyệt vời là con người đã sử dụng biết bao thời gian để chống lại cái ác. Giá mà họ cũng sử dụng năng lượng đó để yêu thương người khác, cái ác sẽ tự chết vì buồn chán”…
Tin cùng chuyên mục:
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người
Ngày 30/09: Thánh Giêrônimô, Linh mục – Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ bảy tuân XXV thường niên: Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang