CN.XV.TN.C
Hãy đi và làm như vậy…
(Đnl 30, 10-14; Cl 1, 15-20; Lc 10, 25-37)
Nói đến mối tương quan người-người, ông bà xưa thường truyền dạy cho con cháu từ thế hệ này đến thế hệ khác cẩn phải biết sống: lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá tả tơi; bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn; bên cạnh đó cần chú ý đến họ hàng xa không bằng láng giềng gần. Sống tình người với nhau là như thế, luôn có những quan tâm, chia sẻ nâng đỡ trong mọi hoàn cảnh. Thế nhưng nhìn vào xã hội ngày nay, người Việt dường như càng ngày càng khép chặt trái tim mình lại, ngại tiếp xúc với người khác, luôn trong tâm trạng đề phòng nhau. Bên cạnh đó với những bùng nổ công nghệ thông tin, hầu như báo-đài ngày nào cũng đăng tin giết người, dàn cảnh cướp của, hại đời; còn tin về “người tốt, việc tốt” thì càng ngày càng ít… Trong lăng kính tích cực thì giúp đề phòng mọi chiêu trò tinh vi, nhưng với cái nhìn tiêu cực, lại rơi vào tình trạng “mưa dầm thấm lâu” khiến mọi người luôn nhìn nhau trong con mắt đề phòng, nghi kị.
Mọi giá trị sống tốt đẹp chỉ còn đọng lại trên sách vở như để lưu lại một kỉ niệm. Nếp sống vòng xoáy này cũng đang cuốn trôi bao kitô hữu càng ngày để lời truyền dạy sống yêu thương thành lý thuyết. Trong khi đó, tình người được Thầy Giêsu luôn cụ thể hóa, đặc biệt khi đứng trước câu hỏi của vị luật sĩ: “Ai là người thân cận của tôi?” (Lc 10, 29).
Trong tâm thức người Do Thái thời đó, người thân cận được hiểu là những người đồng bào Do Thái với mình. Có lẽ, ông đang chờ một định nghĩa mang tính lý thuyết, hoặc là quan điểm khác lạ của Thầy để bắt bẻ vì ông muốn, ἐκπειράζων / ekpeirazein, kiểm tra – thử Thầy với một thái độ thù nghịch. Để rồi, từ luật yêu thương trong lời kinh Shema được đọc hằng ngày trích trong sách Đệ nhị Luật 6, 5: “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và người thân cận như chính mình” (Lc 10, 27), dẫn vào cuộc tranh luận “ai là người thân cận của tôi”.
Một cái bẫy ngọt ngào giăng sẵn chờ Thầy nhảy vào, bởi vì nếu trả lời theo tâm thức người Do Thái thì Thầy đang đi ngược lại hoàn toàn lời dạy của mình như: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?… Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3, 33-35). Phải chăng vì thế, Thầy đã dùng dụ ngôn để trả lời cách cụ thể.
Một người đi từ Giêrusalem đến Giêricô, một lữ khách không biết rõ quốc tịch bị cướp bóc lột và đánh nhừ tử nằm bên vệ đường. Tình cờ một tư tế đi qua trông thấy, ông tránh né và đi tiếp. Sau đó lại một thầy Lêvi đi qua trông thấy cũng bỏ đi. Sau cùng, một người dân ngoại Samaritan đi qua trông thấy, dừng lại, băng bó, xức thuốc thơm và trao nạn nhân cho người chủ quán săn sóc, đồng thời dặn dò hết bao nhiêu tiền người ấy sẽ trả. Đến đây, Đức Giêsu hỏi người luật sĩ: “Theo ông nghĩ ai trong ba người là thân cận của người bị gặp tai nạn?” Luật sĩ đã trả lời ngay: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót đối với người ấy” (X. Lc 10, 30-37). Luật sĩ đã có nhận thức đúng về “người thân cận” qua nếp sống bác ái và ông cho rằng người Samaritan là người duy nhất đã cảm thông và tỏ ra mình là người thân cận của người không may.
Và như thế đối với mỗi kitô hữu ngày nay, “ai là người thân cận của tôi?”
Người thân cận của tôi là mọi người đang cần đến tôi, là người hôm nay tình cờ tôi gặp trên đường;
Người thân cận là người gần tôi vì tôi đã đến gần người ấy, đã cúi xuống và phục vụ;
Không phải vì người đó là thân cận của tôi nên tôi đến gần mà phục vụ. Nhưng khi tôi đến gần bất cứ ai mà phục vụ, tôi biến mình thành người thân cận của họ, và họ trở thành người thân của tôi;
Chẳng ai là người xa lạ với tôi, nếu tôi không tránh họ như hai thầy Lêvi và tư tế;
Người thân cận với tôi không chỉ là người cùng nhà, cùng nhóm, cùng tôn giáo, cùng quê hương, cùng lý tưởng;
Người thân cận với tôi không phải là một ý niệm trừu tượng nhưng là người mẹ già gần bên, là người bạn chung phòng, là người hàng xóm mà tôi phải chịu đựng, là tất cả những ai đã và đang làm tôi đau khổ;
Tất cả đều trở thành người thân duy nhất của tôi nếu bản thân biết mở rộng trái tim yêu thương, khi tôi dám bước tới, đến gần và cúi xuống là người lạ nên quen, người xa nên gần, kẻ thù trở thành bạn để rồi những khoảng cách được lấp đầy, những rào chắn phút chốc sụp đổ.
Mỗi kitô hữu “hãy đi và làm như vậy…” (Lc 10, 37b)
Lm. Jos. PHẠM, SCJ
Tin cùng chuyên mục:
Dự án Nhà Mẹ Lavang-Fatima và đại lễ khánh thành và làm phép tượng đài Đức Mẹ Lavang-Fatima do Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng chủ tế
Ngôn ngữ của tình yêu
Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Truyền giáo 2023
Thứ tư tuần XXVI thường niên, Thánh Phaxicô Assisi: Không có gì quí hơn là Thập Giá của Đức Kitô