Lên đường…
(Am 7, 12-15; Ep 1, 3-14; Mc 6, 7-13)
Cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên trước đây là một cuộc chiến tranh tàn khốc. Một ngôi làng nhỏ rơi vào dưới làn đạn của trọng pháo. Trong làng, có một ngôi nhà thờ Công giáo. Bên ngoài nhà thờ có một bệ cao, bên trên có đặt một bức tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Tuy nhiên, khi cuộc chiến tranh qua rồi bức tượng đã biến mất, đã bị rơi khỏi bệ và vỡ ra từng mảnh trên mặt đất.
Một hôm lính Mỹ đã giúp vị linh mục thu thập những mảnh vụn. Một cách cẩn thận, họ đã ráp lại pho tượng. Họ tìm thấy tất cả các mảnh vỡ, trừ đôi bàn tay. Họ đề nghị khi trở về Mỹ họ sẽ đặt làm đôi bàn tay ấy. Nhưng vị linh mục đã từ chối, ông nói: “Chúng ta hãy để bức tượng không có bàn tay. Và, chúng ta sẽ ghi vào chân đế lời này: Hãy cho Thầy mượn đôi bàn tay của bạn”.
Đúng thế, ngay từ khởi đầu, Thiên Chúa luôn mời gọi con người làm cánh tay nối dài cộng tác vào chương trình Chân-Thiện-Mỹ của Ngài: với một tay chỉ về trái tim luôn ngập tràn yêu thương và tay còn lại mở rộng mời gọi, chia sẻ và mở rộng hãy sống yêu thương đó một cách can trường. Như vị ngôn sứ Amos sinh sống ở tiểu vương quốc Giuđa (miền Nam), nhưng Yhavé Thiên Chúa sai ông lên tiểu vương quốc Israel (miền Bắc) để làm ngôn sứ truyền đạt lời nói Ngài cho dân. Vì trung thực nói lời Thiên Chúa, nên Amos bị dân Israel ghét. Bởi vì, ông phản đối mạnh mẽ việc lạm dụng tôn giáo và tính cách thiếu tôn giáo đang lan tràn tại Israel, đặc biệt ông nhấn mạnh việc thờ phượng mà thiếu luân lý lành mạnh là không có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Khi ông tiên báo là vua Joroboam sẽ bị ám sát và Israel sẽ bị đi lưu đầy, vị tư tế Amasias ở đền Bethel phản đối và đuổi ông đi khỏi Israel. Amos đáp trả rằng bản thân ông chỉ là một nông dân chứ không thuộc dòng dõi ngôn sứ cho nên không quen làm ngôn sứ, nhưng chỉ vì Thiên Chúa sai ông nên ông phải vâng theo, bởi vì Thiên Chúa đã mời gọi: “Hãy đi nói tiên tri cho Israel dân của Ta” (Am 7, 15).
Khi Thầy Giêsu xuất hiện thì thời đại tiên tri-ngôn sứ chấm dứt với ông Gioan Tẩy giả, ông là vị ngôn sứ bản lề nối kết giữa Cựu Ước và Tân Ước, giao ước cũ và mới. Thời đại mới này, Thiên Chúa không mời gọi các vị ngôn sứ mà mời gọi các Tông đồ đi rao giảng Lời Ngài. Cụ thể, sau khi đã huấn luyện các Tông đồ một thời gian, Thầy Giêsu muốn cho các ông trải nghiệm sứ vụ nên sai các ngài truyền đạt cho người ta những điều Thầy dạy; Thầy muốn các ông biết va chạm vào thực tế với những thành công và thất bại để sau này các ông được chính thức sai đi. Lời sai đi trải nghiệm đó có nhiều điểm nhấn đặc biệt:
Từng hai người một nhóm để giúp đỡ nhau, biểu lộ tinh thần liên đới và hiệp nhất của người Tông đồ, đồng thời để làm chứng tích sống động về điều họ rao giảng là cộng đoàn huynh đệ yêu thương: Người ta cứ dấu đó mà biết họ là những môn đệ của Chúa Kitô.
Trao ban quyền lực “trừ các thần ô uế”, nghĩa là xua đuổi bóng tối quỷ thần đang ám ảnh-thống trị đời sống con người, cũng như chữa lành các bệnh tật hồn-xác; giải phóng con người mọi ràng buộc tử thần tiến đến tự do đích thực nơi Thiên Chúa.
Môi trường hoạt động: Trước tiên hãy đến với dân được tuyển chọn, tức là những người Do Thái; còn đối với toàn dân, các ông sẽ đến với họ sau khi Thầy Phục Sinh về trời.
Đề tài rao giảng: mời gọi quay trở về với Thiên Chúa, rao giảng sự thống hối. Còn về hồng ân Cứu độ giải phóng con người khỏi mọi ràng buộc của tử thần, các môn đệ sẽ rao giảng sau khi Thầy đã chịu chết và sống lại để chứng tỏ Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu thế (Rm 1, 3-4; 1 Cr 1, 23), khai mở cho nhân loại con đường sự Sống.
Ngày nay, mỗi kitô hữu luôn được Thầy Giêsu mời gọi hãy lên đường trải nghiệm cuộc đời ngôn sứ của bản thân: Trước tiên, là trải nghiệm lên đường ngay trong chính cộng đoàn nơi mình đang gắn bó, chắc chắn vẫn luôn có những kitô hữu đang bị lung lạc niềm tin, đang gặp nhiều bất hạnh, đau khổ, khó khăn… cần được chia sẻ, an ủi tìm lại bình an tâm hồn. Từ đó, tiếp bước xa hơn đến với những anh chị em khác niềm tin tôn giáo, hãy sống cuộc đời làm chứng Tin Mừng của con Đường sự Thật dẫn đến sự Sống Kitô đích thực bằng chính những giây phút sống Chân-Thiện-Mỹ để nên thánh.
Trong Hán-Nôm, chữ “thánh/聖” được ghép bởi 3 từ: chữ Vương/王 ở dưới có nghĩa là vua, phía trên có chữ Nhĩ/耳 là lỗ tai và chữ Khẩu/口 là cái miệng. Vậy Thánh, có nghĩa là người làm chủ được nghe và nói của mình. Làm chủ được nghe là không phải chỉ thích nghe những lời nói khen mà còn dám nghe những lời phê bình thẳng thắn; làm chủ nói là không phải bạ đâu nói đó, nói một cách vô trách nhiệm, nói hành nói xấu, ngày nay là nói theo kiểu thánh soi, anh hùng bàn phím bình luận chỉ dựa trên sự kiện bên ngoài; nhưng là nói đúng, nói thật, nói khéo, nói với tình thương yêu để lời nói của mình đem lại lợi ích xây dựng cho người khác…
Tin cùng chuyên mục:
Thứ ba tuần XXVI thường niên: Phản ứng của con người khi gặp trái ý hay đau khổ
Thứ hai tuần XXVI thường niên-Các Thiên thần hộ thủ, Lễ nhớ
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người