Khô cằn – màu mỡ…
(Is 55, 10-11; Rm 8, 18-23; Mt 13, 1-23)
Trong quyển “Tự thuật” Mahatma Gandhi, người khởi đầu phong trào đấu tranh Bất bạo động đã giải phóng Ấn Độ khỏi ách thống trị của người Anh, kể lại: Trong những ngày còn làm sinh viên, ông đã đi lại khá nhiều tại Nam Phi, ông say mê Kinh thánh và bị đánh động mạnh về “Bài giảng trên núi” của Thầy Giêsu. Chính 8 mối phúc thật đã gợi hứng cho chủ trương bất bạo động của ông. Mahatma Gandhi xác tín rằng Kitô giáo là giải pháp cho mối ung nhọt phân chia giai cấp đang đục khoét xã hội Ấn Độ từ bao thế kỷ qua. Ông đã nghĩ tới việc gia nhập vào Giáo Hội. Thế nhưng ngày nọ khi đến nhà thờ để tham dự thánh lễ và đón nhận một vài lời chỉ dẫn, ông đã thật thất vọng. Ông vừa vào đến cửa nhà thờ, thì một người da trắng chặn ông lại và nói: “Nếu ông muốn tham dự thánh lễ thì hãy tìm đến nhà thờ dành cho người da màu”. Mahatma Gandhi đã ra khỏi nhà thờ và ông không bao giờ trở lại với bất cứ nhà thờ nào nữa.
Chỉ với một câu nói đã đánh mất đi một người, một người có thể làm cho cả một dân tộc trở về với Thiên Chúa. Một câu nói phát xuất từ cái nhìn phân biệt chủng tộc, phân biệt đẳng cấp đi ngược lại với tinh thần Tin Mừng, đã xua đuổi người khác ra khỏi nhà Thờ. Một câu nói dù vô tình hay cố ý lại trở nên rào cản cho nhiều người muốn tìm hiểu Tin Mừng. Hãy nhớ lại câu chuyện dụ ngôn về người nông dân đi gieo hạt Thầy kể để soi chiếu lại đời sống kitô hữu của bản thân.
Dụ ngôn, trong ngôn ngữ Hi Lạp Thánh Kinh là παραϐολαῖς/parabolés với động từ là παραϐολλω với nghĩa là “so sánh, đối chiếu”. Trong ngôn ngữ Do Thái cổ là mâshâl, kể một dụ ngôn là kể một tình huống nhằm lưu ý về một thực tại ít được chú ý hơn, nhưng tác giả muốn các thính giả biết. Tác giả dụ ngôn không phải là một sử gia, nhưng là một nhà thần học và một nhà luân lý; ông có thể sáng tác ra các hoạt cảnh tùy theo sứ điệp hoặc bài học ông muốn truyền đạt. Một dụ ngôn không phải là một ẩn dụ: trong một ẩn dụ, mọi chi tiết đều có ý nghĩa, còn trong một dụ ngôn là để truyền đạt sứ điệp tổng quát. Trong dụ ngôn, cần đặc biệt ghi nhận các nét “khác thường” thì mới hiểu được bài học.
Nét khác thường đó, trước tiên là người nông dân đi gieo giống đã không làm như bao nông dân khác. Ông đã hào phóng, rộng tay gieo hạt một cách vô tư không tính toán nên đương nhiên gặp thất bại, lỗ vốn khi hạt giống rơi vào các mảnh đất khô cằn, đầy bụi gai, sỏi đá. Nét khác thường thứ hai có thể thấy rõ là kết quả của các hạt giống được gieo: có hạt không kịp nảy mầm bị ăn mất; có hạt nảy mầm rồi bị chết cháy, chết nghẹt; và, cũng có những hạt sinh được những số lượng khác nhau.
Từ những điều khác thường đó mới hiểu được nội dung thông điệp của Thầy Giêsu. Tâm hồn, cuộc đời mỗi người được coi như mảnh đất, hạt giống chính là Tin Mừng và như thế: có những mảnh đất tâm hồn khô cằn vệ đường vì không hiểu Tin Mừng là gì nên không đón nhận nên bị chết yểu; có những tâm hồn đón nhận cách nhanh chóng nhưng bỏ cuộc giữa chừng vì nhiều khó khăn ập đến, vì lý tưởng sống Đạo không như bản thân nghĩ nên nản lòng rẽ sang hướng khác; có hạt giống Tin Mừng đâm chổi nẩy lộc, bám rễ vào cuộc đời nhưng lại bị bao cỏ dại, bụi gai là những lo lắng, đam mê trần tục chế ngự nên hạt giống đó chết yểu. Đây dường như là tình trạng nhiều kitô hữu hiện nay vì Lời Chúa còn nằm bên ngoài đời sống, chưa thật sự thành động lực thúc đẩy từ bên trong. Nói cách khác cũng muốn đạt được giấy thông hành, passport vào Nước Trời nhưng trả với giá rẻ, một lối sống theo kiểu mà Đức Thánh Cha Phaolô VI gọi là muốn theo một kiểu “Kitô giáo không Thập giá”. Tuy nhiên không bi quan như thế, vẫn có nhiều mảnh đất tâm hồn phù sa không chỉ sẵn sàng đón nhận hạt giống Nước Trời nhưng còn sống cách trọn vẹn Tin Mừng, vun trồng bằng cả cuộc đời để rồi sinh hoa kết quả.
Hãy chuẩn bị mảnh đất tâm hồn của mình: một mảnh đất tơi xốp không cứng như vệ đường là khát khao lắng nghe Lời Chúa; một mảnh đất gạt bỏ đi sỏi đá của lười biếng, thờ ơ, của thành kiến, khuynh hướng xấu chiều theo tính xác thịt trong tâm hồn; một mảnh đất không còn cỏ dại và bụi gai của đam mê xác thịt, danh vọng, quyền lực, tiền tài; một mảnh đất tốt của lòng khiêm nhu, tin tưởng, phó thác, trông cậy và yêu mến Lời Chúa để biến đổi cuộc đời bản thân thành Alter Christus, một Kitô thứ hai lên đường gieo hạt giống Đức Tin…
Tin cùng chuyên mục:
Thứ ba tuần XXVI thường niên: Phản ứng của con người khi gặp trái ý hay đau khổ
Thứ hai tuần XXVI thường niên-Các Thiên thần hộ thủ, Lễ nhớ
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người