Bụt nhà không thiêng…
(Ed 2, 2-5; 2 Cr 12, 7-10; Mc 6, 1-6)
R. Tagore là một thi sĩ nổi tiếng của Ấn Độ và cả Đông phương. Ông có khiếu làm thơ ngay lúc còn thơ ấu. Câu chuyện được thuật lại, một hôm cậu bé Tagore làm một bài thơ và đưa cho cha xem. Ông thân sinh lắc đầu chê: – Thơ mày là thơ thẩn!
Tagore suy nghĩ đem bài thơ của mình mới làm, viết lại thật kỹ với xuất xứ được trích lại trong một cuốn thơ cổ. Lần này, người cha đọc xong và khen: “Tuyệt, tuyệt”; rồi đem khoe với đứa con trai lớn hiện đang làm chủ nhiệm một tờ báo văn học. Ông nói: – Ba đã đọc rất nhiều thơ cổ, nhưng chưa thấy bài nào hay như bài này.
Người con trai chủ nhiệm đọc xong cũng đồng ý khen hay và muốn trích đăng trên tờ báo văn học. Người cha và anh hỏi Tagore đưa cuốn thơ cổ kia ra để trích dẫn xuất xứ trong khi đăng. Tagore vào thế bí nên phải khai thật, người cha và anh ngạc nhiên nhưng rồi cũng phải nhìn con với cặp mắt thán phục và hối hận cho thái độ mâu thuẫn của mình xưa nay.
Một câu chuyện diễn tả lối suy nghĩ đời thường của con người khi áp đặt lăng kính bản thân cùng những định kiến trên người khác, với ba thái độ khác nhau: yêu, ghét, trung lập; và, thường nghiêng về yêu-ghét. Bởi vì, “yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng; khi yêu củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo; yêu nên tốt, ghét nên xấu”. Nếp sống định kiến đó cũng đã khiến những người dân làng Nazareth không chấp nhận và đón nhận Thầy Giêsu như vị ngôn sứ, như Đấng Cứu Độ. Họ không thể chấp nhận Thầy bởi vì đã biết quá rõ về xuất thân tầm thường, về một gia đình Giuse-Maria đơn sơ khó nghèo. Dù lắng nghe tin truyền, từng có người chứng kiến Thầy thực hiện dấu lạ, nhưng khi Thầy về thăm quê hương, họ lại hoài nghi và yêu cầu Thầy làm dấu lạ như đã làm ở những nơi khác.
Họ có thể ngạc nhiên về những gì Thầy dạy, nhưng cái gốc “con bác thợ mộc”, về người mẹ và cả những người họ hàng đã trở thành chướng ngại khiến Thầy rơi vào lối mòn suy nghĩ “bụt nhà không thiêng”. Để rồi, chính Thầy phải thốt lên “ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6, 4). Với những định kiến, những người đồng hương với Thầy đã không nhận ra khuôn mặt chân thật và sâu thẳm của Người. Từ đó, họ không tin Thầy là vị ngôn sứ, và càng không tin Thầy là Đấng Cứu Độ. Họ không tin, vì chỉ nhìn thấy quá khứ bình thường đến tầm thường của Thầy; họ không tin, vì chỉ thấy hiện tại của Thầy không ánh hào quang; họ không tin, vì chỉ khám phá nơi Thầy đời sống giản dị khiêm tốn. Vì không tin nên không thấy Thầy bằng cái nhìn luôn canh tân đổi mới. Cũng chính vì thế, Thầy bó tay trước sự cứng lòng của con người; Thầy bất lực trước những ai thiếu niềm tin: “Người đã không thể làm được phép lạ nào” (Mc 6, 5) trên quê hương của mình. Và như thế mới biết con người có khả năng cản trở Thiên Chúa, con người có toàn quyền từ chối quà tặng của Ngài.
Con người ngày hôm nay, những người đồng hương Nazareth mới của Thầy, vẫn đang thấy Thầy Giêsu là một cớ gây ngạc nhiên và vấp ngã. Do sự từ khước của con người hôm nay, hoạt động cứu thế của Thiên Chúa như bị tắc nghẽn. Bị giam hãm trong các định kiến, họ không hiểu được cốt lõi tinh túy của sứ điệp, cũng không tạo cơ hội cho các việc kỳ diệu có thể xảy ra hay cho quà tặng của Thiên Chúa có thể đến được với chính họ và người khác.
Hãy cẩn trọng đừng để cho mình đánh giá một người chỉ căn cứ vào cái mã bề ngoài, vào những cái tạm thời nay còn mai mất của họ. Hãy khám phá những giá trị nội tại của chính người ấy để đánh giá, có như thế mới có thể có được cái nhìn công bằng và cuộc đời của mỗi người mới gặp được nhiều điều tốt đẹp. Cũng như, dù gặp thất bại, Thầy vẫn luôn tiếp tục lên đường…
Tin cùng chuyên mục:
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người
Ngày 30/09: Thánh Giêrônimô, Linh mục – Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ bảy tuân XXV thường niên: Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang