Cái dũng của thánh nhân…
(Dcr 9, 8-10; Rm 8, 9.11-13; Mt 11, 25-30)
Nói đến con người ngày nay thì không thể không đề cập đến hai cá tính chính: kiêu ngạo và bạo lực. Cả hai quyện lấy nhau, khó tách rời: kiêu ngạo không đơn giản là thể hiện bản thân, muốn được người khác chấp nhận nhưng là muốn khuất phục người khác dưới quyền mình, làm theo ý mình, đặt người khác làm bệ dưới chân; hệ quả của nó là áp đặt từ ý tưởng, lời nói đến thể hiện hành vi bạo lực đè bẹp người xung quanh. Cũng chính nuôi mầm kiêu ngạo-bạo lực nảy sinh tà ác, giận dữ đến điên cuồng đến độ người thân chém giết nhau không còn tình người.
Ông bà xưa luôn dạy: nóng giận mất khôn; no mất ngon, giận mất khôn; giận cá chém thớt; tảo cấp tắc bại sự/nóng tính thì hỏng việc, hay cha mẹ hiền lành để đức cho con… Mẹ thánh Têrêsa Calcutta viết: “Nếu sống khiêm nhường, không gì có thể làm ta thay đổi, dù lời khen, lời chê. Ai chỉ trích không làm chúng ta nản lòng, ai khen tụng, chúng ta không tự mãn; khiêm nhường là nẻo đi đúng đắn. Chính con đường khiêm nhường sẽ làm ta nên giống Đức Giêsu hơn”. Đó cũng là bài học mà Thầy Giêsu dạy sau lời cầu nguyện dâng lên Cha: “Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền dịu và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 29).
Giữa những thành công và thất bại sau thời gian truyền giảng Tin Mừng: thất bại nơi những người tự nghĩ mình là thông thái, như biệt phái, luật sĩ và dân ở các thành ven bờ Biển Hồ (Mt 11, 20-24); còn thành công là nơi những người nghèo nàn, ít học, thu thuế, tội lỗi…, Thầy gọi chung họ là “những kẻ bé mọn”. Thầy Giêsu dâng cầu nguyện với Cha. Trước hết, Ngài nhìn nhận tất cả những thành công và thất bại đều theo đúng kế hoạch của Cha. Và sau đó, khi nhìn lại những thành công và thất bại, Thầy khám phá ra rằng chính Cha đã đặc biệt yêu thương những kẻ bé mọn nên đã cho họ đón nhận Tin Mừng. Việc Cha yêu thương mặc khải cho những kẻ bé mọn làm Thầy cảm động và vui mừng, vì thế Thầy cất tiếng cảm tạ và ca tụng Cha. Để rồi từ đó, Thầy mời gọi học hai bài học: Hiền lành và Khiêm nhường.
Bài học thứ nhất Hiền hòa, trong ngôn ngữ Hilạp Thánh Kinh dùng từ πραΰς/praus với nghĩa dịu dàng, ngọt ngào, không thô bạo cứng cỏi. Như thế, “hiền lành” xuất phát từ bên trong và thể hiện ra bên ngoài. Xuất phát từ tâm hồn là luôn êm ái, hòa nhã, nghĩ về người khác thì luôn nghĩ tốt, yêu thương, khoan dung, thông cảm. Đón nhận những lời nói và cách cư xử của người khác đối với mình thì không thành kiến, biết phải trái, sẵn sàng đối thoại, chấp nhận sửa đổi. Từ đó thể hiện ra hành vi bên ngoài là luôn nhẹ nhàng, tôn trọng, không thô bạo. Hiền lành được Thầy đúc kết trước đây trong Bài giảng trên núi: Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp (Mt 5, 4).
Nhiều người cho rằng hiền lành là yếu thế, là nhu nhược, là yếu đuối, để mặc cho người ta phá hoại, mặc cho bất công hoành hành, mặc cho tội ác phóng túng… Không phải như thế, hiền lành ở đây là một hành vi cao cả, không phải là những việc làm khuyến khích thêm tội ác mà là để cảm phục những người lầm lỗi để họ biết đường quay trở về. Thánh Phanxicô Salesiô quả quyết: Kẻ hiền lành sẽ làm chủ các tâm hồn và mọi ý chí sẽ ở trong lòng họ.
Bài học làm người thứ hai Khiêm tốn, ταπεινὸς/tapéinos nghĩa là chấp nhận đứng thấp, ở dưới, bị hạ xuống, hay tự ý xuống thấp, ở dưới, tự hạ. Nền tảng của đức khiêm tốn là biết mình là thế nào để rồi từ đó không muốn tỏ ra hơn cái “là” ấy, và nếu như người khác có coi mình kém hơn cái “là” thì cũng không để ý. Điều quan trọng là sống thanh thản và trung thực đúng với cái “là” của mình.
Hiền lành-khiêm nhường, trong cuốn Cái dũng của thánh nhân tác giả Nguyễn Duy Cần đề cập đến cuộc giải phóng Ấn Độ do Mahatma Gandhi lãnh đạo. Chính sách đề kháng bất bạo động của Gandhi đã làm cho thế giới ngạc nhiên và thán phục. Không phải người ta không biết dùng bạo động, nhưng vì coi đó là hạ sách. Ông Gandhi nói: “Tôi tin rằng Ấn độ không phải là vô lực. 100.000 người Anh làm gì mà đến 300 triệu người Ấn kia phải sợ ? Bất bạo động đâu phải chịu lụy kẻ làm hại mình. Bất bạo động, là dùng sức mạnh của cả tâm hồn để chống lại với cường quyền của kẻ độc tài”. Phương thức đó đã từng được Lão Tử dạy: “nhu thắng cương, nhược thắng cường”.
Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường, bài học thực tiễn Thầy Giêsu gửi đến từng kitô hữu trong một xã hội nhiều cảnh bạo hành, bạo lực, cũng là bài học được nhiều vĩ nhân sống. Những kiêu căng tự mãn là những tiểu nhân, hèn mọn làm cho thế giới bị đảo lộn, hận thù ghen ghét. Những tâm hồn hiền lành khiêm nhường là bậc anh hùng vì họ đã anh dũng chiến thắng được bản thân với những tính tự ái ích kỷ hẹp hòi.
Sống anh hùng: ANH là người tự biết mình, HÙNG là người tự thắng mình.
Tin cùng chuyên mục:
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người
Ngày 30/09: Thánh Giêrônimô, Linh mục – Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ bảy tuân XXV thường niên: Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang