CN.XIII.TN.C
Lưu luyến quay đầu…
(1 V 19, 16b.19-21 ; Gl 5,13-18 ; Lc 9,51-62)
Nhà văn Nguyễn Bá Học sống trong thuở giao thời giữa Hán văn và Tân văn có câu nói bất hủ : “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông”. Quay cuồng với nếp sống tục hóa đề cao hưởng thụ đã và đang từng bước bào mòn dần nếp sống nền tảng đạo đức. Khiến con người trở nên vô cảm với tha nhân, chai lỳ dần tiếng lương tâm và chỉ còn đọng lại sự ích kỷ. Tục hóa đời sống cá nhân cũng dẫn đến hậu quả tục hóa cả tâm linh, trong đời sống cầu nguyện, đến độ nếu có lợi cho bản thân thì theo, còn không thu được gì thì ngoảnh mặt làm ngơ, thậm chí phỉ báng.Và từ đó, chỉ có thể thốt lên “khó vì lòng người ngại núi e sông”.
Cơn bão tục hóa như đang cuốn trôi biết bao nhiêu kitô hữu, đến nỗi thầy Giêsu trở nên người xa lạ-không được đón tiếp ngay trong chính ngôi nhà của mình, trong cung lòng của họ. Đó cũng không phải lần đầu Thầy bị từ chối. Bởi vì, trên đường hướng về Giêrusalem bước vào con đường trọn vẹn dấn thân thực hiện thánh ý Cha, con đường đó phải đi ngang qua miền Samaria, dân làng không chỉ từ chối đón tiếp Thầy nhưng còn gây phiền hà sách nhiễu. Sự quấy rối này được bắt nguồn khi những người Samari xây dựng đền thờ trên đỉnh núi Garizim để cạnh tranh với đền thánh Giêrusalem. Để rồi, họ bị những người Do Thái trung kiên coi là ngoại giáo, khinh bỉ và phải tránh tiếp xúc với những người lầm lạc đó. Chính vì thế, họ trả đũa lại những ai đi qua vùng đất của họ.
Câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó, hai môn đệ Giacôbê và Gioan được mệnh danh là “con của thiên lôi” lên tiếng muốn phá hủy đám người phá phách này. Đó cũng là hình phạt mà vị ngôn sứ Êlia dành cho những người kéo đến đòi bắt ông (2 V 1, 10-12) để khẳng định sứ vụ của mình là người của Thiên Chúa. Hai môn đệ đã không và có thể không muốn hiểu sứ điệp và sứ mệnh của Thầy. Nghiêm trọng hơn, họ đã tạo cho mình một lý tưởng cá nhân sai lầm về Thiên Chúa. Thầy đến thế gian không phải để tiêu diệt nhưng để trao ban sự sống (Lc 19, 10), và Thiên Chúa không phải là Vị trừng phạt nhưng là Đấng giàu lòng thương xót và tha thứ (Lc 23, 34).
Tiếp bước lên đường sang làng khác sau khi bị từ chối lại có người muốn đi theo Thầy cách quảng đại nhưng dường như có điều kiện. Có điều kiện bởi vì Thầy Giêsu nhìn ra và nói rõ con đường theo Thầy không như trong suy nghĩ và hình dung của mỗi người : Thầy tiến về Giêrusalem để đón nhận một số phận bi thảm; lang thang bấp bênh vì không bám víu vào cuộc sống trần thế; bị từ chối vì luôn phải lội ngược cơn bão đời với bao phong trào-lối sống đua tranh.
Không có câu đáp trả từ anh ta, Thầy lên tiếng mời gọi một người khác. Anh thứ hai lên tiếng xin vâng nhưng chỉ ngoài miệng với điều kiện cho phép về sắp xếp việc gia đình, sống trọn chữ hiếu chôn cất cha mình. Có điều gì đó bất thường ở đây, nói đúng hơn, anh ưu tiên sống trọn vẹn chữ hiếu đáp đền cha-mẹ cho tới khi các ngài khuất núi mới theo Thầy. Anh như muốn trì hoãn, muốn từ chối lời mời gọi đó. Thầy Giêsu đáp lại bằng một câu châm ngôn gây ngạc nhiên bao người : “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết”. Nói cách khác, hãy để những ai từ chối Thầy, khước từ Tin Mừng trao ban sự Sống vĩnh cửu chôn chính họ vì đặt sai, chọn sai cùng đích cuộc đời.
Cũng trong đám đông theo Thầy, một người khác được Thầy mời gọi tiếp bước với Thầy trên con đường ơn gọi “phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa”. Thế nhưng, lời đáp trả lại luyến tiếc những gì mình gầy dựng trong quá khứ như vị ngôn sứ Êlisê cầu xin, đang kéo cày “mà còn ngoái lại sau lưng”. Êlisê đáp lời trở thành đệ tử của ngôn sứ Êlia, trong khi cày bừa với đôi bò đã xin về ôm hôn cha mẹ, giết bò đãi tiệc chia tay. Theo Thầy Giêsu, đòi hỏi phải hơn thế nếu muốn tham dự vào sứ vụ cày bừa cánh đồng của Thiên Chúa. Một quyết định dứt khoát không lưu luyến ràng buộc xa hoa quá khứ : “Quyết định theo Chúa Giêsu không chỉ là kết quả nhất thời của phấn khởi nhiệt tình; điều đó đòi hỏi một quyết định có tính cách kiên quyết” (J. Fitzmyer).
Mỗi kitô hữu trong bão đời tục hóa được Thầy Giêsu mời gọi tha thiết hơn nữa : “Hãy theo Ta”. Hãy tĩnh lặng tâm hồn lắng nghe lời mời gọi da diết của Thầy, hãy dõi bước theo chân Thầy hướng về phía trước. Mỗi kitô hữu hãy nhìn vào Đấng đi trước là Thầy Giêsu hướng về tương lai cũng như đoạn tuyệt ràng buộc ích kỉ, đời sống tục hóa của quá khứ. Hãy sống trọn vẹn căn tính nơi thường nhật trở thành “Alter Christus”, một Giêsu Kitô khác…
Lm. Jos. Phạm, SCJ
Tin cùng chuyên mục:
Thứ ba tuần XXVI thường niên: Phản ứng của con người khi gặp trái ý hay đau khổ
Thứ hai tuần XXVI thường niên-Các Thiên thần hộ thủ, Lễ nhớ
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người