Tôi là ai mà xét đoán…
(Hc 27, 4-7; 1 Cr 15, 54-58; Lc 6, 39-45)
Trong lịch sử đời sống tu trì ở những thế kỷ đầu của Kitô giáo có ghi lại một giai thoại: Tại một tu viện nọ, có một tu sĩ bị bắt quả tang phạm một lỗi nặng. Vì lợi ích chung của cộng đoàn, các tu sĩ liền mở một phiên xử và mời bề trên đến tham dự, nhưng ngài đã từ chối. Một vài người đại diện các tu sĩ đến nài nỉ:
– Xin cha đến giúp chúng con, vì chỉ có cha mới giúp cho chúng con biết phải phán xét và sửa trị người anh em này như thế nào.
Vì thế, cha bề trên nhận lời đến tham dự phiên xử. Khi ngài đến thì mọi người ngạc nhiên, vì thấy ngài mang trên vai một cái giỏ đầy cát. Những hạt cát chui theo lỗ hổng chảy dài trên lưng của ngài, xuống sàn nhà và theo từng bước chân. Thấy mọi người ngạc nhiên, ngài giải thích:
– Anh em đã thấy những hạt cát rơi trên lưng của tôi, theo từng bước chân cuộc đời tràn xuống sàn nhà, nhưng tôi lại không nhìn thấy. Tội lỗi của tôi cũng giống như những hạt cát này, nó chảy tràn lan trong tôi mà tôi không nhận biết. Tội lỗi đầy tràn mà tôi không thấy, thì làm sao tôi dám đoán xét người khác.
Người Việt xưa cũng thường nhắc nhở nhau: “việc người thì sáng, việc mình thì quáng”. Nói đến tật xấu chỉ biết làm thánh soi những khiếm khuyết của người khác để phê bình, chỉ trích nhưng lại mù tối trước bản thân. Thế nhưng ngày nay, người Việt dường như thích sống làm thánh soi hơn vì có dịp thể hiện bản thân, khẳng định mình tốt hơn người khác theo kiểu “tốt khoe, xấu che” và dường như còn thêm lý do nữa là nhờ đó che dấu được tật xấu của bản thân, “không ai vạch áo cho người xem lưng”.
Lối sống này Thầy Giêsu luôn lên án, chính là thói giả hình. Thầy chỉ rõ một thực tế rất thông thường: Thấy cái rác nhỏ xíu trong mắt người khác thì dễ hơn thấy cái xà to tướng nằm ngay trong mắt mình. Thấy khuyết điểm của người khác dễ hơn nhận ra khuyết điểm của mình, vì thường dễ dãi với bản thân nhưng lại khắt khe với người khác. Một khuynh hướng tự nhiên nhưng là căn bệnh bẩm sinh của con người: bệnh mù quáng, hay xét đoán, nghĩ sai, nghĩ xấu về người khác. Để rồi từ đó, Thầy kết luận: “người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư?” (Lc 6, 39ss). Một thiết thực, một bài học cụ thể là đây: cần sửa mình trước khi sửa người.
Sửa mình, quan trọng nhất cần biết bản thân là ai, là thế nào. Phải chăng vì thế mà triết gia Socrates dạy bài học vỡ lòng cho các môn sinh: “Connais-toi, toi-même” anh hãy tự biết anh. Để vén mở bức màn luôn che mắt và khám phá bản thân không dễ, vì ai cũng có khuynh hướng tìm mọi cách che dấu, tìm mọi cách lấp đầy bằng những ánh hào quang ảo. Nên, thử tìm cho mình những câu trả lời trong các trường hợp:
– Khi được khen ngợi về ngoại hình, về khả năng, tôi cảm nhận điều gì?
– Khi bị những người “nhỏ” hơn góp ý về những sai lầm hay vạch trần mặt xấu, tôi phản ứng làm sao?
– Khi bị nghi oan?
-Khi bị mỉa mai, ganh tị?
– Khi bị lợi dụng lòng tốt, tình cảm, và cả tiền bạc?
– Khi bị lừa dối hay phản bội?
– Khi gặp bất hạnh về sức khỏe, khó khăn trong cuộc sống?
– Khi gặp thành công, may mắn?…
Và còn nhiều trải nghiệm đã qua, hãy lắng nghe phản ứng bản thân để khám phá liên tục “tôi là ai”. Để rồi, như thánh Augustino cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”…
Biết mình thường hèn yếu lỗi lầm để đừng bao giờ khắt khe “vạch lá tìm sâu” lên án anh chị em.
Biết mình hay che đậy giả hình để cảm thông dung thứ cho người khác.
Biết mình thích phô trương, khoe khoang, háo thắng để đừng phê phán nhạo báng một ai.
Cuộc đời kitô hữu từ đó trổ sinh nhiều hoa trái tốt lành, để “xem quả thì biết cây”…
Tin cùng chuyên mục:
Thứ ba tuần XXVI thường niên: Phản ứng của con người khi gặp trái ý hay đau khổ
Thứ hai tuần XXVI thường niên-Các Thiên thần hộ thủ, Lễ nhớ
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người