福, Phúc….
(Gr 17, 5-8; 1 Cr 15, 12.16-20; Lc 6, 17.20-26)
Trong những ngày đầu năm mới, truyền thống người Việt thường dành những lời tốt đẹp để chúc nhau với ý nghĩa tựu trung theo Phúc-Lộc-Thọ. Trong đó chữ Phúc đứng đầu, vậy ý nghĩa của nó là gì? Theo nghĩa thường được hiểu, phúc là những may mắn, lợi ích, điều tốt lành với tất cả là 5 sự phúc mà người Việt xưa thường dán câu liễn trước cửa nhà câu “ngũ phúc lâm môn”, năm điều phúc ghé thăm nhà. Ngũ phúc bao gồm: đệ nhất phúc thị trường thọ 第一福是長壽, phúc thứ nhất là sống lâu: không bị chết non, phúc thọ là lâu dài; đệ nhị phúc thị phú quý 第二福是富貴,phúc thứ hai là giàu sang: tiền của nhiều, địa vị tôn quý; đệ tam phúc thị khang ninh 第三福是康寧, phúc thứ ba là an mạnh: thân thể khỏe mạnh, tâm hồn yên ổn; đệ tứ phúc thị hảo đức 第四福是好德, phúc thứ tư là có đức tốt: tính tình lương thiện, nhân hậu, ôn hòa; đệ ngũ phúc thị thiện chung 第五福是善終, phúc thứ năm là được chết tốt đẹp: có thể tiên liệu thời kỳ chết của mình; khi lâm chung không gặp tai họa, thân thể không đau đớn vì bệnh tật, trong lòng không vương vấn và phiền não, ôn hòa tự tại rời khỏi trần gian. Bên cạnh đó, người Việt còn dán chữ Phúc ngược ở trên cửa vì đọc ngược lại sẽ là “phúc đảo-phúc đáo” với ý nghĩa “phúc đến” để thể hiện ý muốn “phúc đáo tiền môn”, phúc đến trước cửa. Bên cạnh đó, chữ Phúc trùng âm như chữ 蝠/Bức-con dơi nên người xưa thường dùng hình biểu tượng con dơi thay cho Phúc.
Bắt nguồn từ chữ tượng hình, nên Phúc có thể được giải thích theo nhiều hướng khác nhau. Thuộc bộ kỳ 示/礻 mang nghĩa thần và tỏ rõ: Phúc không tự nhiên mà có hay do con người tạo nên nhưng là ơn trên ban; do đó cần tỏ rõ-tự tâm thể hiện sự khao khát và có nếp sống thích hợp mới được hưởng phúc. Bên cạnh chữ kỳ/礻là phú/畐 với nghĩa giàu có, phong phú, dồi dào. Chữ phú/畐 được ghép bởi chữ nhất 一 nằm trên chữ khẩu 口 và tất cả nằm trên chữ điền 田, nghĩa là điều người ta hằng cầu xin cứ có một người (nhất 一, khẩu 口) thì có một kế sinh nhai (điền 田). Và như thế, Phúc là ơn trời ban một cách dồi dào, phong phú, là điều con người hằng cầu mong được no đủ, đầy tràn phú quý.
Dựa trên chiết tự ý nghĩa đó, chữ Phúc mà mỗi kitô hữu có thể hiểu bao gồm chữ kỳ/礻 là hồng ân Thiên Chúa ban tặng dành cho những ai khao khát và sống tốt lành, dựa trên nhất 一 (nghĩa là mỗi) nằm trên chữ khẩu 口 (nghĩa là nói) và tất cả nằm trên chữ điền 田 (nghĩa là canh tác hay làm việc), mỗi điều ta nói (nhất 一, khẩu口), mỗi việc ta làm (nhất 一, điền 田). Cụ thể là Phúc/福 điều lành có được khi mỗi điều ta nói (nhất 一, khẩu口), mỗi việc ta làm (nhất 一, điền 田) đều có Chúa (bộ kỳ礻) ở cùng. Đồng thời, Phúc dành cho kitô hữu không thuộc về những mong ước “ngũ phúc” trần thế lúc có lúc không, mà là “bát phúc” trái ngược hoàn toàn để đạt được hướng tới tuyệt đỉnh của trọn vẹn, chia sẻ mọi hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu:
Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. (x. Lc 6, 20-23)
Mong ước được hưởng Phúc vĩnh cửu của kitô hữu là hướng tới cùng đích cuối cùng Nước Trời, trái ngược hoàn toàn với những ước vọng trần thế. Thậm chí, những phúc lộc trần thế lại cản trở con người đạt tới Phúc đích thực. Bởi vì, “khốn cho người giàu có” (Lc 6, 24) khi họ không phân định rạch ròi giữa phương tiện và cùng đích, giữa điều kiện vật chất và định mệnh con người. Đời sống của họ bị nhận chìm bởi các con sóng là các phương tiện vật chất như áo quần, xe cộ, nhà cửa và các tiện nghi trong cuộc sống. Đời sống của họ bị đè bẹp bởi các hành trang vật chất chỉ giúp họ duy trì và phát huy sự sống trong cuộc lữ hành ngắn ngủi của một đời người. Họ quên rằng con người sống nhờ phương tiện nhưng lại sống cho cùng đích. Và cùng đích của con người là “hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 33). Thảm kịch của cuộc sống chính là lo lắng tìm kiếm phương tiện, và để cho cùng đích tan biến trong phương tiện. “Khốn cho người no nê, được vui cười” (Lc 6, 25-26) khi họ không ý thức rằng họ lệ thuộc rất nhiều vào người khác. Họ mang trong mình căn bệnh vị kỷ, nên không còn thấy rằng của cải cá nhân là do của cải tập thể đem lại, họ cũng không nhận ra rằng họ đã thừa hưởng một kho tàng lý tưởng và các tiến bộ mà người đang sống cũng như kẻ đã chết góp phần tạo nên. Họ nghĩ rằng mình có thể sống sung túc trong thế giới nhỏ bé chật hẹp mà họ là trọng tâm. Họ là một con người sống theo chủ nghĩa cá nhân cực đoan.
Phúc trần thế, Phúc đời sống kitô hữu… hãy chọn lựa…
Tin cùng chuyên mục:
Thứ ba tuần XXVI thường niên: Phản ứng của con người khi gặp trái ý hay đau khổ
Thứ hai tuần XXVI thường niên-Các Thiên thần hộ thủ, Lễ nhớ
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người