CN.VI.TN.A
Luật…
(Hc 15, 16-21; 1 Cr 2, 6-10; Mt 5, 17-37)
Nói đến từ Luật, thử dùng google tìm kiếm sẽ cho ra kết quả 149 triệu trong 0,74 giây. Và đương nhiên, đây chỉ là tìm đến từ Luật mà thôi nhưng phản ánh phần nào về nhiều Luật được đưa ra cũng như bên cạnh đó còn có văn bản dưới luật, văn bản áp dụng luật và còn đủ thứ, đủ loại luật bao trùm đời sống hằng ngày của mỗi người. Tựu trung lại thì có thể nói có ba kiểu luật: luật rừng, luật công bằng và luật bác ái.
Nói đến luật rừng là ai cũng hiểu với câu nói “mạnh được yếu thua theo kiểu cạnh tranh để sống như các loài vật”, bắt buộc phải tuân theo không được phép chống lại nếu không muốn nhận được kết cục xấu. Luật rừng vẫn lẳng lặng phát triển và sinh tồn theo một hướng đi riêng, một ngã rẽ khác biệt ít ai quan tâm và để ý. Nó có thể và luôn tồn tại ở mọi lĩnh vực, mọi ngóc ngách trong đời sống, luôn hiện diện ở mọi thời đại. Cũng như, có thể hiểu luật rừng là tuân theo số đông, theo bên mạnh, bên có tiền, không tuân theo pháp luật hay một nguyên tắc một trật tự nào. Cách hành xử, giải quyết theo kiểu “xã hội đen”, sẵn sàng thủ tiêu đối phương khi cần.
Luật công bằng được xây dựng dựa trên lẽ phải, trên công lý. Đối với dân tuyển chọn, luật công bằng được thiết lập từ thời Môsê (x. Xh 21-23, 9) với châm ngôn: mắt đền mắt, răng đền răng hay đong đấu nào trả đấu đó (x. Lv 24, 20; Đnl 19, 21). Cụ thể, hình phạt phải tương xứng với thiệt hại mà người phạm tội gây ra. Luật công bằng được thiết lập để quan án có thể đưa ra hình phạt thích đáng, không nặng cũng không nhẹ. Nhưng bên cạnh đó, Luật công bằng ngăn cản những ai cố ý làm hại người khác hoặc có âm mưu hãm hại họ như sách Đệ Nhị Luật giải thích: “nghe nói thế, những người khác sẽ sợ và không còn làm điều xấu như thế nữa giữa anh em” (Đnl 19, 20). Luật công bằng này đã được người trộm lành từng lên tiếng: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ sao! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái đâu!” (Mt 23, 39). Đây là tiếng nói của công bằng. Công bằng có gan làm thì có gan chịu; làm sai đến đâu thì phải chịu tội đến đó.
Nhưng trên hết và cao cả nhất, chính là luật yêu thương-bác ái như thư gửi giáo đoàn Roma xác quyết: “Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13, 10); và, luật yêu thương đó được Thầy Giêsu dùng để kiện toàn và hoàn thiện luật công bằng, rõ hơn nữa chính là tinh thần sống luật: tinh thần yêu và tinh thần mến. Một cách cụ thể, Thầy làm hoàn hảo điều răn thứ 5, 6 và 9.
Điều răn thứ 5 dạy “chớ giết người”, giết người là phạm tội. Thầy Giêsu phân tích chi tiết hơn về nguồn gốc dẫn đến tội này: giận ghét, mắng chửi người khác đã là xúc phạm và lỗi luật rồi: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt” (Mt 5, 22-23). Nói cách khác, con người cần biết yêu thương và tôn trọng nhau. Yêu thương thì bao dung nhân hậu, thứ tha cảm thông, hòa nhã lịch sự. Yêu thương thì không giận không ghét, không mắng chửi. Và như thế, chỉ cần giận ghét chửi mắng anh em là vi phạm vào điều răn thứ 5.
Giữa điều răn thứ 6 và 9 có mối tương quan với nhau, “chớ dâm dục; chớ ngoại tình”. Cả hai đều quy về dục vọng thể xác dù còn sống độc thân hay lập gia đình. Dẫn đến phạm tội này được khơi nguồn từ ước muốn bản thân nên Thầy hướng đến đời sống giữ trong sạch từ trong chính tâm hồn, giữ sự trong sạch này cho cá nhân và cho những người khác. Vì, nếu không giữ cho tâm hồn trong sạch, không kềm chế những ước muốn xác thịt, thì sớm muộn ta cũng không tránh khỏi cái vòng tục lụy kia lôi cuốn phạm tội làm mất đi nhân phẩm cao quý là con của Thiên Chúa, là Đền Thờ Chúa Thánh Thần.
Hệ quả của việc không sống tinh thần yêu mến thấy rất rõ: bao thai nhi không thể cất tiếng khóc chào đời từ phong trào bình đẳng giới, sống tự do-sống thoáng-sống thử-sống tập thể mà thật ra chỉ là để thỏa mãn dục vọng xác thịt; thay vì gìn giữ nét đẹp trong sáng tâm hồn-thể lý của mình và của người khác, lại là vui thích với phong trào “chụp hình khỏa thân vì môi trường” hoặc khoe thịt-khoe mỡ trước mặt bàn dân thiên hạ nhưng che đậy khéo léo, khoác vào lý do “nghệ thuật”… Để rồi bên cạnh đó đánh mất đi sự tôn trọng lẫn nhau, mạng sống trở nên rẻ rúng và lạm dụng từ tự do những phê phán, những đánh giá đầy tính chủ quan lại được tung ra trên diện rộng đã gây nên những hậu quả khó lường. Và, không ý thức được rằng ta không giết người, vì không có gươm giáo, súng đạn, nhưng vì thiếu chân thành-chân lý, chỉ cần một chữ ký, một quyết định, một bài báo, một bản tin, một tờ rơi, một cái búng tay ra mật lệnh, một cú phone, một cái enter dễ chưa từng có, người anh chị em ta sẽ chết ngay dưới lưỡi gươm công luận, dưới búa rìu comments phê phán, dưới họng súng truyền thông.
Thậm chí còn tệ hơn nữa, mượn danh luật công lý để áp dụng luật rừng, chụp mũ nhằm che giấu sự thật. Cụ thể qua cái chết của bác sĩ nhãn khoa 34 tuổi Lý Văn Lượng đã lột tả phần nào sự thật bị che giấu bởi nhiều lý do đen tối; Là một trong số 8 bác sĩ đưa ra cảnh báo về loại virus nguy hiểm từ gửi tin nhắn vào nhóm trò chuyện trên WeChat, gồm 150 bác sĩ là bạn học cũ, cảnh báo về 7 ca nhiễm virus mà anh cho là giống SARS vào ngày 30/12/2019. Ngay đêm cùng ngày, các quan chức y tế thành phố Vũ Hán triệu tập bác sỹ Lý, yêu cầu được biết lý do anh chia sẻ thông tin. Ngày 03/01/2020, cảnh sát buộc anh ký biên bản, anh bị cáo buộc “phát tán thông tin sai lệch làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội”; “Chúng tôi cảnh cáo anh: Nếu anh ngoan cố, không tuân theo yêu cầu và tiếp tục hoạt động phi pháp này, anh sẽ bị xử lý theo pháp luật”, cảnh sát Trung Quốc viết trong biên bản. Hậu quả nặng nề đã thấy rõ, số người lây nhiễm bệnh tính đến ngày 15/02/2020 là hơn 67.100 người và 1.526 tử vong, lây lan đến 29 quốc gia.
Một cụ thể nhắc nhớ mỗi kitô hữu lời truyền dạy của Thầy Giêsu: “Có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5, 37). Chính lương tâm ngay thẳng thật thà đặt nền tảng để sống trọn vẹn luật bác ái – yêu thương như Thầy đã dạy. Mong thay nơi mỗi kitô hữu…
Tin cùng chuyên mục:
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người
Ngày 30/09: Thánh Giêrônimô, Linh mục – Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ bảy tuân XXV thường niên: Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang