CN.VI.PS.A

56 lượt xem Suy Niệm
21 Mayo john 14 15 21 a 1024x768 i2ii

Ra đi…
(Cv 8, 5-8.14-17; 1 Pr 3, 15-18; Ga 14, 15-21)

 

Có những cuộc ra đi mang nhiều ý nghĩa khác nhau: ra đi là bỏ lại như người cha-mẹ từ trần để lại con bơ vơ mồ côi; đại dịch virus T+ vẫn đang hoành hành khắp nơi, bao người từ trần không được gặp mặt người thân lần cuối do cách ly-phong tỏa, không chỉ là nấc nghẹn mà là uất nghẹn đau đớn từ bao ủ mưu thâm độc lợi dụng nạn dịch; rồi cũng trong đại dịch, một luồng truyền thông trên báo chí đang đăng tải chuyện “ép người dân ký đơn từ chối nhận hỗ trợ của nhà nước” [1]; ra đi như li thân-li dị để lại hậu quả tàn khốc không kém cho con cái. Thậm chí lợi dụng nó để đánh động lòng thương xót kiếm tiền cho con, như chuyện ông bố Đặng Hữu Nghị không tiếc lời kể xấu bị vợ bỏ với hai con mắc bệnh hiểm nghèo để lấy nước mắt khán giả trên game show “Hát mãi ước mơ” (phát sóng 10/05/2017). Chỉ một lời xin lỗi của người bố 40 tuổi (sn 1977) với lý do thất học khi sự thật được phơi bày, đằng sau đó là cả một bầy đàn đứng ra đạo diễn để kiếm tiền trên rung động tình cảm bao người; bên cạnh đó là nguyên băng nhóm truyền thông ăn theo, câu like. Hệ quả để lại không đơn giản, con người đánh mất niềm tin về nhau, gieo mầm nghi ngờ, nghi kị ngay cả trong những thể hiện hành vi chia cơm sẻ áo, “lá lành đùm lá rách”. Sự thật bị che giấu một cách tinh vi đến không ngờ.

Cũng có cuộc ra đi phủi tay dứt bỏ như một tên sở khanh bỏ mặc ai đó sau khi bị lừa gạt với hậu quả của nó theo kiểu “truất ngựa truy phong”. Từ đó đẩy Việt Nam lọt vào top đầu thế giới về chuyện phá thai. Còn có cuộc ra đi vì cần thiết cho người ra đi như trường hợp bị thất nghiệp đến nơi khác để có việc làm. Rồi có hành trình ra đi tốt cho cả hai phía như một người ra đi làm ăn xa sau một thời gian trở về nuôi sống gia đình… Chỉ là ra đi, nhưng phản ánh hầu hết các khía cạnh cuộc đời nhân sinh.

Lời mời gọi Đường, sự Thật và sự Sống trở nên khẩn thiết hơn bao giờ hết trong hành trình “ra đi” của kiếp người ngày nay. Đường, sự Thật, sự Sống đó được Thầy Giêsu dùng trọn cuộc đời của mình để làm hành trình ra đi chuẩn bị cho nhân loại. Hành trang cuộc ra đi được Thầy tóm gọn bằng từ Tình Yêu với lời mời gọi của mệnh đề nếu: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14, 15). Chữ “nếu” ở đây không phải là một việc làm theo sở thích nhưng là một điều kiện thiết yếu, một điều kiện không có không được. Từ “nếu” liên kết hai vế của “yêu Thầy” và “giữ lời Thầy”, nghĩa là không có vế này thì vế kia không tồn tại. Giữ lời hay giữ giới răn không phải là một loạt những hành vi nhiệt tình yêu thương bản thân hướng về Thầy; cũng không phải là một điều logic: nếu tôi yêu mến Thầy, tôi phải giữ các giới răn của Thầy. “Nếu” liên kết chặt chẽ hơn lòng yêu mến Thầy Giêsu với nếp sống hằng ngày: tôi chỉ yêu thương khi tôi vâng lời Thầy vì tình yêu thực sự và cụ thể là điều mà tôi thể hiện. Nhưng, thất bại sống yêu thương của từ “nếu” đó có nguồn gốc phát xuất từ chối hiểu rằng tình yêu không phải là một từ vựng, một giấc mơ, cũng như một nhịp đập của tim, mà là một cách cư xử.

Tình yêu phải thể hiện ra bằng việc làm cụ thể, chính việc làm ấy mới bảo đảm cho tình yêu thật. Yêu thương không phải là chứng minh hay một chuỗi những giải thích. Nếu yêu mà không thể hiện bằng hành động thì tình yêu chỉ ở trên đầu môi chóp lưỡi, hay chỉ là một cảm xúc nhất thời. Hành động đó phải được thể hiện ra trước mặt người thương yêu để người ấy vui lòng, và hành động theo ý người mình yêu ngay cả khi người ấy không có mặt. Như mẹ thánh Têrêsa Calcutta định nghĩa: “Tình yêu bắt đầu ở ngay nhà bạn và đó không phải là bao nhiêu công việc chúng ta làm, nhưng là bao yêu thương chúng ta trao cho nhau”.

Trong yêu thương tôn trọng sự Thật, hành trình ra đi của mỗi kitô hữu bước trên con Đường hướng tới sự Sống hạnh phúc vĩnh cửu cũng sẽ giống như Thầy. Một hành trình luôn trong hoàn cảnh bị nghi kị, thù ghét và bách hại với muôn ngàn kiểu: từ hành hạ thể xác, chém giết đến tra tấn bỏ tù ; từ chống phá gây hấn đến các kiểu tinh vi ngụy trang; từ muôn kiểu chèn ép đến gài bẫy, bôi nhọ danh dự, tung tin thất thiệt bóp méo sự thật hiển nhiên. Chính vì thế trong thư thứ nhất, thánh Phêrô khuyên nhủ và đưa ra những chỉ dẫn cụ thể: “Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em vì anh em ăn ở ngay thẳng trong Đức Kitô, thì chính họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống” (1 Pr 3, 16ss).

Hơn nữa, “thà chịu khổ vì làm việc lành […] còn hơn là vì làm điều ác” (1 Pr 3, 17). Khi đứng trước tòa án của dư luận, trước sự chỉ trích của những người chung quanh, kitô hữu đừng buồn và đừng sợ, nhưng hãy coi đây là dịp tốt để làm chứng về niềm hy vọng sống động của mình vào Tình Yêu của Thiên Chúa. Bởi vì, “Thầy sẽ không để anh em mồ côi …” (Ga 14, 18ss). Để rồi từ đó, mỗi kitô hữu sẽ trở nên Alter Christus, một Đức Kitô khác…

——-

[1] https://motthegioi.vn/tin-tuc-su-kien-c-179/theo-dong-thoi-su-c-186/thu-tuong-ep-dan-ky-don-tu-choi-ho-tro-phai-xu-nghiem-nhu-gian-lan-138231.html