Đời là bể khổ… ?
(G 7, 1-4.6-7 ; 1 Cr 9, 16-19.22-23 ; Mc 1, 29-39)
Dù giàu hay nghèo nhưng hình như ai cũng đã từng cảm nhận và trải qua ít nhiều cái gì là đau khổ. Người giàu có cái khổ của người giàu, người nghèo có nỗi đau triền miên riêng. Mọi độ tuổi, mọi cấp bậc trong đời sống xã hội đểu không thể trốn tránh nó để rồi cùng thốt lên : đời là bể khổ. Như một tiếng than thở, trách đời bất công, trách đời trách người, trách đủ thứ :
Đời là biển khổ
Không có gì đem lại hạnh phúc:
Đào hoa cũng khổ
Khờ dại cũng khổ
Giàu sang chức cao cũng vẫn khổ.
Đời là bể khổ là địa ngục trần gian
Hãy sống với cái khổ của mình:
Khổ vì đàn ông
Khổ vì đàn bà
Khổ vì có tự do
Khổ cũng vì mất tự do
Khổ vì già, vì nghèo lại còn xấu xí…
Có người đau khổ đến rồi đi, cũng có người đắm chìm triền miên trong khổ đau. Cả cuộc đời ông Gióp là như thế, trải qua mọi cung bậc của đau khổ cả về thể xác, tinh thần, bạn bè hàng xóm hiểu lầm… và trên hết, Thiên Chúa dường như lặng im trước tiếng khẩn thiết của ông. « Gia tài của tôi là những tháng vô vọng, số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề » (G 7, 3). Ông ghi lại những chuỗi thống khổ và lập lại thường xuyên cảm nhận không hiểu được những biến cố bất công này. Bởi vì, trong thời đại đó, mọi người Israël luôn nghĩ rằng Thiên Chúa luôn công bình ban thưởng cho người tốt và kết án kẻ bất nhân. Còn ông, ông luôn sống thẳng thắn và không đáng bị trừng phạt.
Bạn bè xung quanh lại nhắc nhở : vì đau khổ là sự trừng phạt của Thiên Chúa, nên ông hãy xét mình đi ; rồi còn có, đau khổ là trường dạy đức hạnh nên ông hãy vượt qua. Không chấp nhận lối suy nghĩ truyền thống đó, ông từng lên tiếng một cách đau xót khi bị chính bạn bè thân thiết bỏ rơi : « Hãy trở lại, mong sao chẳng có gì dối gian. Một lần nữa, xin mau trở lại, tôi vẫn là một người công chính » (G 6, 29). Và, từng bước đường đời ông cảm nhận được : bao kẻ vô lại vẫn sống nhởn nhơ hạnh phúc còn người lương thiện, vô tội như sống trọng địa ngục. Từ đó, một cách khiêm hạ ông nhận ra chỉ Thiên Chúa mới biết mầu nhiệm sự sống là thế nào. « Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ » (G 7, 7).
Từ trong vô vọng, bất lực và yếu đuối của kiếp người phù du, Thiên Chúa đã lên tiếng mời gọi ông Gióp tái khám phá những gì đã trải qua cũng như mầu nhiệm Tạo Hóa và : « Ðức Chúa đã khôi phục tài sản cho ông Gióp, khi ông chuyển cầu cho các bạn của mình… Ðức Chúa đã tăng gấp đôi những gì ông Gióp đã có trước kia. Ðức Chúa giáng phúc cho những năm cuối đời của ông Gióp nhiều hơn trước kia (G 42, 10.12). Không giải thích những vấn đề của đau khổ, cuộc đời Gióp là chỉ dẫn một con đường : đừng đè nén những tiếng kêu than nhưng giữ vững lòng tin nơi bàn tay Thiên Chúa, bởi vì Ngài luôn ở cùng, hiện diện với nhân loại cho tới ngày tận thế.
Sự hiện diện đó được thể hiện trọn vẹn nơi Con Người. Ngôi Hai nhập thể, đến thế gian khởi đầu cho triều đại mới, không chỉ an ủi nhưng mạc khải trọn vẹn mầu nhiệm sự Sống. Sau khi đã giảng dạy và làm mọi người ngạc nhiên, sau khi đã giải phóng cho một người bị quỷ ám đáng thương, thầy Giêsu rời khỏi Hội đường, nơi họp mặt chung, đi đến một tư gia là nhà hai anh em Simon và Anrê, để tiếp bước hoạt động thứ hai của mình. Trong bầu khí thân mật gia đình, thầy Giêsu chữa bệnh sốt cho nhạc mẫu của Phêrô. Bệnh tật và đau khổ luôn được coi như dấu hiệu của tội lỗi. Cơn sốt luôn được hình dung như cuộc trừng phạt của Thiên Chúa gửi đến dân bất trung (Lv 25,15-16a ; Đnl 28,22). Mang ý nghĩa tôn giáo, tuy nhiên dù trước mọi tiến bộ về y học, bệnh tật và đau khổ vẫn đeo bám và tiếp tục đặt con người vào một tình trạng đáng sợ. Bệnh tật luôn mâu thuẫn với ý muốn sống yên ổn và bền vững trong tâm lý mọi người. Chỉ cần một cơn sốt nặng cũng đủ quật ngã con người mạnh nhất và buộc họ phải ngưng làm việc. Mọi bệnh tật đều mang dấu ấn của tử thần, một thân phận con người mỏng dòn và không thể tránh được.
Thầy Giêsu « lại gần, cầm lấy tay mà đỡ bà dậy ; cơn sốt dứt ngay » (Mc 1, 31). Đỡ dậy, nguyên ngữ Hi Lạp ρώ, còn mang nghĩa trỗi dậy, làm cho sống lại. Thầy Giêsu chữa lành thân mẫu của Phêrô là một dấu chỉ, một biểu lộ báo trước nước Thiên Chúa vĩnh cửu. Khi đó sẽ không còn « tang chế, kêu than, đau khổ, khi Thiên Chúa sẽ lau khô mọi giọt lệ và chiến thắng sự chết » (Kh 21,1-4). Ngay trong thời Người tại Galilê, chắc chắn thầy Giêsu đã không chữa lành hết mọi bệnh nhân . Người chỉ chữa lành một số người tiêu biểu như một tiên báo cho thời cánh chung : chỉ khi đó con người mới được cứu độ thực sự, nghĩa là không còn sự chữa lành tạm thời một cơn sốt thoáng qua, mà chính là sự sống lại. Việc chữa lành đích thực mà Thầy thực hiện, đó là hành trình từ không tin đến tin : ai đón nhận đức tin nơi thầy Giêsu, họ sẽ được cứu thoát khỏi sự chết.
Trong hành trình đó không thể thiếu : « Sáng sớm, lúc trời còn tối, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện » (Mc 1, 35). Cầu nguyện để kín múc suối nguồn, năng lượng sự sống và tiếp bước. Không dừng lại ở đó, Thầy cùng các môn đệ đầu tiên « lên đường ». Một bài học đầu tiên cho những ai tin và theo Thầy : không nhốt mình trong vỏ ốc của bao ánh mắt kinh ngạc-thán phục ; không tự đóng mình trong giới hạn ích kỉ vỏ bọc vinh quang, trong nhóm, trong bè phái… nhưng là « lên đường » để phá vỡ mọi tù túng và giải thoát con người, bởi vì « Thầy ra đi cốt để làm việc đó » (Mc 1, 38)…
Tin cùng chuyên mục:
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người
Ngày 30/09: Thánh Giêrônimô, Linh mục – Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ bảy tuân XXV thường niên: Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang