CN.V.TN.A Cá không ăn muối…

58 lượt xem Suy Niệm
matt 5v13 16

CN.V.TN.A

Cá không ăn muối…
(Is 58, 7-10; 1 Cr 2, 1-5; Mt 5, 13-16)

 

Mấy năm trở về đây, giới trẻ thanh – thiếu niên sáng tạo nhiều ngôn từ mới mà nếu không cập nhật sẽ cảm thấy khó hiểu. Điển hình để nói về một ai đó có cách nói chuyện không hấp dẫn, không gây cười dù đang kể chuyện cười, nói chuyện không đi vào chủ đề, rồi nói về một cha nào đó có biệt danh 3D (giảng dài – dai – dở, bay vòng vòng không có bãi đáp)… là: mấy đứa mua cho người đó ít muối; nhạt quá, mấy đứa thọt lét tự cười đi. Một cách nói ví von trêu đùa nhưng cũng là nhắc nhở khéo này thật ra không xa lạ gì với người Việt, bởi vì ông bà xưa thường dạy con cháu trong bài “Mười Thương”, đặc biệt với giới nữ:

Một thương mái tóc đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.

Vị mặn đó được cụ thể hóa là muối, một gia vị quan trọng với những giá trị và công dụng không thể thiếu trong cuộc sống: muối giúp cân bằng điện giải để tránh mệt mỏi, nhịp tim bất thường và co giật; chất dẫn iot duy trì hoạt động của tuyến giáp và ngăn ngừa hình thành khối u ác tính; giữ nước cho cơ thể để duy trì và tái tạo các tế bào mới; ngăn ngừa huyết áp thấp… Công dụng và giá trị của muối nhiều, nên ông bà thường mượn hình ảnh muối để dạy dỗ: Cá không ăn muối cá ươn; con cãi cha mẹ trăm đường con hư. Đồng thời, còn dùng để biểu lộ yêu thương, tình keo sơn thủy chung gắn kết: muối ba năm muối đang còn mặn, gừng chín tháng gừng hãy còn cay; tay nâng chén muối, đĩa gừng / gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau.

Cũng giống như nếp sống người Việt, dân tuyển chọn Do Thái dùng muối để tẩy uế và sát trùng (Tl 9, 45); ướp thịt cá khỏi hư nát, bảo quản thức ăn và như thế trở nên biểu tượng của sự vĩnh hằng và được sử dụng trong những nghi lễ giao ước – “muối của giao ước” (2 Sb 13, 5 ; Lv 2, 13); làm cho đồ ăn được đậm đà thơm ngon, được thêm vào các lễ phẩm dâng tiến cho Thiên Chúa (Lv 2, 13). Cũng là muối, Thầy Giêsu truyền dạy cho các môn đệ: “Anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà lạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại?” (Mt 5, 13a).

Tiếp nối bài giảng trên Núi, Tám mối Phúc dành cho mọi người thành tâm thiện chí đến lắng nghe, Thầy Giêsu huấn dụ các môn đệ: Muối cho đời. Người môn đệ, kitô hữu, không phải là muối của đất, vì muối không dùng như phân bón, nhưng là muối cho đời cho thế gian. Thầy còn muốn nhấn mạnh thêm “muối” không chỉ cần thiết cho bản thân môn đệ, như là một phẩm chất nội tại, song còn cần thiết để chu toàn sứ mệnh của mình đối với nhân loại. Do đó phẩm chất cấu thành môn đệ không thể tách rời khỏi sứ vụ truyền giáo.

Nói cách khác, muối không hư nát vì có chất mặn nên để ướp được chính mình. Ngày nào muối hư nát là ngày ấy muối đã hết mặn. Muối hết mặn thì chỉ còn vất đi, dù ướp chính mình cũng không được nữa và không còn là muối. Cũng vậy, dù là linh mục, tu sĩ hay giáo dân, nếu không thánh thiện tự đáy lòng thì làm sao có thể thánh hóa bản thân, cũng như muối đã không mặn thì làm sao ướp được chính mình. Là một kitô hữu, ta cũng phải có “vị mặn Kitô”. Nếu không có “vị mặn Kitô”, ta không giúp gì cho bản thân và cho người khác. Để rồi, Thầy đặt câu hỏi quan trọng: Muối mà lạt đi thì lấy gì ướp cho mặn lại? Bản chất của muối là luôn mặn, làm gì có chuyện nhạt đi, nhưng dường như Thầy đang muốn dùng hình ảnh muối không được tinh tuyền khi được khai thác tại phía Tây-Nam Biển Chết thời Chúa Giêsu (trên bờ dốc Djebelousdeum). Loại muối màu xanh nhạt có pha trộn thạch cao và vôi, dễ biến thành bùn vô đụng dưới tác dụng của ẩm ướt. Muối đánh mất đi chính chất mặn của mình thì trở thành vô dụng. Cũng vậy, người môn đệ đánh mất chất Kitô cao quý của mình thì trở nên đối tượng bị khinh khi, mang trong mình hư nát đặc biệt.

Chất Kitô đó cũng không thể ích kỉ chỉ dành cho mình, vì như thế công dụng và giá trị của muối cũng trở nên vô dụng. Đã là muối thì phải ướp đời, muối cho đời: trở nên những tình nguyện viên bảo vệ môi trường gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, công sở làm việc, trường học… khỏi những ô nhiễm của xấu xa, tội lỗi; trở nên những thành viên nhân loại làm cho cuộc đời của những người chung quanh bớt vô vị vì vô cảm, nhạt nhẽo vì ích kỷ, nhưng luôn đậm đà thắm tình yêu cuộc sống và tình người, như thánh Phaolô dạy: “lời nói của anh em phải luôn luôn mặn mà dễ thương” (Cl 4, 6) và không chỉ như thế, cần sống đúng với chất mặn Kitô: “anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì trách móc người kia […]. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái” (Cl 3, 12b-14a). Cũng như ánh sáng, nó chỉ có giá trị khi chiếu tỏa ánh quang của mình. Người môn đệ mang trong mình ánh sáng Tin – Cậy – Mến Kitô, cần phản chiếu ánh quang này bằng chính giây phút sống của bản thân như: chia sẻ cơm áo cho người nghèo đói, khiêm tốn phục vụ những người bệnh tật, chăm sóc những người già cô đơn và những trẻ em mới sinh bị bỏ rơi… Nhờ đó, mọi người sẽ nhận biết Thiên Chúa là “nguồn ánh sáng và là ơn cứu độ” (Tv 27,1). Bởi vì, “Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên khuôn mặt Đức Kitô” (2 Cr 4, 6).

Nếu “muối” muốn ướp cho mặn đời, “muối” cần phải biết chấp nhận hòa tan, biến mình đi trong chất mặn vị kỷ, để hiến dâng cho đời hương vị thơm ngon, mặn nồng của quảng đại, vị tha. Nếu “ánh sáng” chiếu soi trần gian, “ánh sáng” phải ở trên cao, vượt trên mọi danh vọng, tiền tài, lạc thú. Không phải để khoe khoang, tư kiêu, nhưng là để “tôn vinh Cha, Đấng ngự trên trời” (Mt 5, 16)…