Gia đình : bắt đầu một yêu thương
(1 Sm 1, 20-22.24-28 ; 1 Ga 3, 1-2.21-24 ; Lc 2, 41-42)
Nói đến tình yêu trong giới trẻ ngày nay, ta lại hát « yêu không đòi quà ; vợ người ta » bởi vì chữ yêu trở thành như những món quà trao đổi, buôn bán cho nhau, để rồi, khi hết yêu thì ta đòi lại những gì đã tặng như đi đòi nợ theo kiểu « không phải dạng vừa đâu » ! Vì coi tình yêu như một gì đó để trao đổi nên biến tướng thành muôn hình thức thể hiện khác nhau : có kiểu tình yêu ăn không được thì đạp đổ, điển hình xảy ra thường xuyên các vụ thủ tiêu nhau vì không đến được với nhau, hay hại nhau không thể tiến đến với người khác ; có kiểu tình yêu ăn bánh trả tiền ; yêu thử, sống thử bất chấp hậu quả ; rồi cũng có kiểu tình yêu chợ trời, rao khoe sống ảo trên mạng… để rồi ngậm ngùi :
Tình chỉ đẹp khi còn dang dở,
Lấy nhau rồi nham nhở lắm ai ơi…
Để có thể lội ngược dòng chảy, dòng suy nghĩ, phong trào lối sống trẻ đầy ngập thực dụng và tính toán thỏa mãn ích kỷ xã hội ngày nay, mỗi kitô hữu cùng học hỏi và noi theo gương mẫu gia đình Thánh Gia, một gia đình với ba thành viên: hài nhi Giêsu, thánh cả-cha nuôi Giuse và người mẹ Maria. Mỗi thành viên Thánh Gia là một mẫu gương tuyệt vời để giúp gia đình luôn ấm êm hạnh phúc. Nói như thế không đồng nghĩa gia đình Thánh Gia không gặp thử thách gian truân, bởi vì khi chiêm ngắm mới thấy, mới cảm nhận được những hoa trái hi sinh của từng thành viên dành cho nhau tới mức độ nào.
Là một gia đình bình thường như bao nhà khác, nhưng gia đình Thánh Gia này còn gắn thêm chữ « nghèo ». Sống trong kiếp nghèo nên bị hắt hủi và không được đón tiếp vì lý do « hết phòng trọ » nên phải tạm ở qua đêm trong hang tránh đông, tránh gió của chuồng lừa, bò. Cái nghèo đó còn được thấy rõ trong ngày đưa trẻ Giêsu vào đền thờ với lễ vật chỉ là một đôi chim bồ câu, cũng như, nền tảng nuôi sống gia đình dựa vào lao động chân tay với nghề làm thợ mộc. Hơn nữa, gia đình trẻ đó còn phải chạy ngược chạy xuôi để trốn lùng bắt, đến nỗi bồng bế nhau xa quê hương, xa nơi chôn nhau cắt rốn vì bị thù ghét từ Hêrôđê chỉ để bảo vệ quyền lực thống trị của mình bất chấp tất cả. Điểm chung của cả gia đình Thánh Gia là như thế, còn mỗi thành viên :
Cha nuôi Giuse không thể hiện tình cảm, lòng quan tâm của mình bằng những lời nói vô nghĩa nhưng là sống, là hành động cụ thể. Thử thách Giuse trải qua đó chính là đứng trước sự đỗ vỡ gia đình ngay từ thuở đầu : người bạn đính hôn để sống trăm năm lại mang thai dù chưa sống chung. Thanh niên ngày nay chắc chắn sẽ điên cuồng phản ứng và hát bài « đòi quà hay vợ người ta ». Giuse lại sống bao dung công chính xử sự cách quảng đại khôn ngoan. Và qua mạc khải từ sứ thần trong giấc mơ, ngài đã cất lên tiếng xin vâng bằng hành động. Nghèo nhưng không chán đời, rượu chè bê tha, trách thân trách phận, ngài cần cù lao công nuôi sống gia đình : « nhất nghệ tinh », nói đến bác thợ mộc làng Nazareth ai cũng nghĩ tới ngài vì sự chuyên chăm và chất lượng làm việc.
Có một thiếu nữ tràn đầy tuổi xuân Maria thánh thiện phó thác cả cuộc đời vào tình yêu của Thiên Chúa, can đảm cất vang tiếng « xin vâng » để đón nhận Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người. Là « đấng đầy ơn phúc » (Lc 1, 28), « có phúc hơn mọi người phụ nữ » (Lc 1, 42), mẹ vẫn luôn mang tâm hồn khiêm cung và coi mình là « nữ tì hèn mọn » (Lc 1, 48). Một người mẹ dịu hiền luôn dõi theo từng bước của con trong yêu thương. Dù vất vả lo lắng tìm con trong suốt 3 ngày, mẹ vẫn luôn dịu dàng : « Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy ? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con ! » (Lc 2, 48).
Một trẻ thơ Giêsu thông minh luôn làm mọi người xung quanh ngạc nhiên với một tâm hồn luôn luôn hướng về Thiên Chúa, về Cha. Ngoan ngoãn đó nhưng không thiếu nét tinh nghịch nên quyết tâm ở lại nhà Cha, ở lại đền thờ và quên không báo cho cha mẹ biết. Chính cái quên này mà Giuse và Maria lao đao lo lắng chạy ngược chạy xuôi tìm kiếm. Để rồi từ đó, Giêsu học được một bài học đầu đời của hiếu thảo và vâng phục : « Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài » (Lc 2, 51) và « ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến » (Lc 2, 52).
Ba thành viên, ba vài trò khác biệt làm nên gia đình Thánh Gia nhưng có một mối dây gắn kết tuyệt vời : vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Mối dây gắn kết yêu thương, quan tâm và lo lắng cho nhau đó là chìa khóa của hạnh phúc, của can đảm và tín thác để nèo lái gia đình vượt qua mọi chông gai cuộc đời : như một Giuse, vượt qua mọi rào cản người đời và trong vâng phục thánh ý Thiên Chúa nên đón nhận Maria về làm bạn mình ; đã vì Hài nhi Giêsu lận đận vượt trăm ngàn nguy khó để bảo vệ sự sống cho hài nhi và bảo vệ hạnh phúc gia đình ; như một Maria, một người Mẹ của cầu nguyện và hy sinh, Mẹ đã phó thác hoàn toàn cho thiên ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, Mẹ đã tận hiến đời mình như một nữ tỳ nhỏ bé để phụng sự Thiên Chúa ; như một Hài nhi Giêsu luôn yêu mến cha mẹ, càng lớn càng khôn ngoan, được Thiên Chúa và mọi người thương mến…
Tin cùng chuyên mục:
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người
Ngày 30/09: Thánh Giêrônimô, Linh mục – Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ bảy tuân XXV thường niên: Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang