CN.MV.III.A
Đừng thất vọng và đừng để ai thất vọng
(Is 35, 1-10; Gc 5, 7-10; Mt 11, 2-11)
Nếu trong một đất nước có nhiều cảnh tệ đoan như bất công, tham nhũng, thất nghiệp, thiếu thực phẩm, và vật giá leo thang, người dân sẽ mất tin tưởng vào sự điều hành của lãnh đạo. Nếu trong một tôn giáo có những cảnh trái ngược đời sống đạo, người dân sẽ xa lánh dần và không còn tin vào tôn giáo. Xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu cũng là một xã hội có nhiều tệ đoan. Đất nước bị chính quyền ngoại bang là người La Mã đô hộ; trong nội bộ có sự chia rẽ trầm trọng giữa các đảng phái chính trị và tôn giáo. Bất công, tham nhũng và vô luân lan tràn từ trên xuống dưới, nơi những nhà lãnh đạo dân sự cũng như tôn giáo. Vua bù nhìn Hêrôđê lại là người dẫn đầu đời sống loạn luân, bất kể luân thường đạo lý và lễ nghĩa, đã cướp vợ của em mình. Và khi Gioan tiền hô phản đối việc loạn luân này, ông đã bị tống giam rồi sau đó bị chém đầu chỉ vì hài lòng và thực hiện lời hứa sau khi được con riêng của vợ nhảy múa.
Từ trong tù nghe nói về Thầy Giêsu, Gioan tiền hô sai người đến hỏi Thầy: Có phải Thầy là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi một đấng nào khác? (Mt 11, 2). Một câu hỏi diễn tả suy nghĩ của Gioan về Đấng Cứu Thế. Theo ông, Đức Kitô là Đấng mạnh mẽ; Ngài đến sau, nhưng mạnh hơn ông (x. Mt 3, 11); Ngài như người cầm rìu chặt mọi cây không sinh trái và quăng vào lửa (x. Mt 3, 10); Ngài còn như người cầm nia sàng sảy (x. Mt 3, 12), thóc lép thì cho vào lửa, thóc mẩy thì thu vào kho; Ngài sẽ thanh tẩy trong Thánh Thần và lửa (x. Mt 3, 11). Nói cách khác Ngài là vị cứu tinh phải đến để bài trừ mọi tệ đoan, bất công và tham nhũng đã gây ra bao đau thương cho người dân. Khi ở tù, Gioan vẫn nghe biết các việc Đức Giêsu làm và chẳng có gì giống với những điều ông đã loan báo. Ngỡ ngàng, hoang mang, ông sai môn đệ đến gặp Ngài.
Trước câu hỏi ấy, Thầy Giêsu không trả lời trực tiếp, nhưng chỉ yêu cầu các sứ giả về thuật lại cho Gioan những việc Người làm: “Người mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11, 5). Thầy nhắc Gioan nhớ lại lời ngôn sứ Isaia về Ðấng Cứu Thế. Ðồng thời cũng thanh luyện cái nhìn của ông về dung mạo Ðấng Cứu Thế: Ðấng Cứu Thế không phải là vị vua oai phong từ trời ngự xuống trên đám mây, nhưng chỉ là một hài nhi bé nhỏ xuất hiện giữa loài người như một mầm cây bé bỏng; Ðấng Cứu Thế không phải là vị vua sang trọng ngự trong cung điện nguy nga, nhưng chỉ là anh thợ mộc nghèo khó sống trong một làng quê hẻo lánh; Ðấng Cứu Thế không phải là vị quan toà oai nghiêm thở ra khói, hét ra lửa, nhưng chỉ là một lương y hiền từ đến chữa lành những vết thương, an ủi những ai ưu sầu, nâng đỡ người yếu đuối, tha thứ kẻ tội lỗi; Ðấng Cứu Thế không đến trong vinh quang huy hoàng, trong chiến thắng rực rỡ, nhưng âm thầm và tình nghĩa như một người bạn thân thiết; Ðấng Cứu Thế không đến trong hàng ngũ những người quý phái có địa vị cao trọng trong xã hội, nhưng lui tới với những người bé nhỏ nghèo hèn, những thành phần bị gạt ra bên lề xã hội.
Gioan đã vượt qua chính mình khi nói: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3, 30). Ông đã giới thiệu môn đệ và dân chúng đến với Đức Giêsu, nhưng ông còn phải vượt qua chính mình một lần nữa, khi chấp nhận thanh lọc cái nhìn của bản thân về Đấng Mêsia. Đừng thất vọng và cũng đừng để ai thất vọng, câu trả lời của Thầy đã thắp lên ngọn lửa hi vọng cho Gioan trước những thách đố trong cuộc đời, đặc biệt trước thách đố dường như đi ngược lại hoàn toàn triết lý, lối sống và sự tin tưởng của mình về Đấng Cứu Thế. Ngọn lửa hi vọng đó giúp Gioan kiên cường hơn nữa trước những nghịch cảnh cuộc đời: ông không phải là cây sậy yếu mềm chao nghiêng trước gió mà chính là một tượng đài bất khuất của lẽ cậy trông (Mt 11, 8-10).
Và trong đời sống Đức Tin, mỗi kitô hữu cũng có thể đặt những câu hỏi tương tự như Gioan tiền hô:
– có phải Chúa là Đấng sẽ đến hàn gắn những vết thương lòng giữa vợ chồng, cha mẹ, anh chị em và con cái không?
– có phải Chúa là Đấng sẽ đến giúp con cháu sửa đổi cách sống, làm lại cuộc đời không?
– có phải Chúa là Đấng sẽ đến giải thoát khỏi cảnh cô đơn, buồn chán không?
– có phải Chúa là Đấng sẽ đến dẹp tan bất công, cái ác lan tràn khắp nơi và xoa dịu mọi thiệt thòi mà những người thấp cổ bé miệng đang chịu không?
– hay đang mong đợi một quyền lực nào khác như bói toán, tướng số, cầu may?
Đấng phải đến, đã đến: một Giêsu bình dị sống giữa con người và sẻ chia – xoa dịu – chữa lành những nỗi bi thương nhất của con người. Ngài đã sẻ chia cách cụ thể là đến thăm dân người, thực hiện quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Ở nơi Thầy, ta tìm được bình an, niềm vui và hạnh phúc, mà con người trần gian không ai có thể ban tặng được.
Đấng phải đến, đã đến: là hình ảnh của những con người đang đứng ngay trước cửa nhà, ngay trong cuộc sống thường ngày, nơi những người ta gặp, và nhất là nơi những người nghe và thực hiện công việc của Đấng Cứu Thế là lan tỏa lòng thương xót, tình mến nhân loại.
Xin đừng đi tìm Ngài khi Ngài luôn hiện diện – đang có mặt ngay bên cạnh ta. Hãy luôn khám phá – tái khám phá sự hiện diện của Ngài để không bao giờ thất vọng và đừng để ai thất vọng…
Lm. Jos. PHẠM, SCJ
Tin cùng chuyên mục:
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người
Ngày 30/09: Thánh Giêrônimô, Linh mục – Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ bảy tuân XXV thường niên: Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang