Vinh quang khác người…
(Is 50, 4-7 ; Pl 2, 6-11 ; Lc 22, 14-23, 56)
Nói đến vinh từ vinh quang, trong đầu mỗi người liền nghĩ đến sự trầm trồ khen ngợi, ngước mắt nhìn với đôi mắt thán phục, tán thưởng về một điều gì đó đạt được ngoài sức tưởng tượng, một tự hào khi gặt hái được thành công được mọi người công nhận. Chính vì thế, vinh quang thường gắn liện với sự nghiệp, gia tài cùng sự nổi tiếng. Thế nhưng có một con đường vinh quang khác nằm ngoài suy nghĩ nhân loại, con đường thập giá của đòn roi và tử nạn từ sự thay đổi trở mặt khi không đáp ứng được yêu cầu con người.
Con đường đó được Thầy Giêsu mạnh dạn bước đi trong sự chuẩn bị sẵn sàng để thực thi thánh ý Cha, và để bày tỏ tình yêu trọn vẹn cho con người. Là con đường hướng về đất thánh Giêrusalem, con đường mà Thầy đã chuẩn bị bằng cả cuộc đời trần thế của mình.
Trên con đường khổ hình thập giá, đó là đám đông thay đổi một cách bất ngờ từ ủng hộ và reo hò chúc tụng Thầy con vua Đavid thành lời cay nghiệt : « đóng đinh nó đi ». Lời kết án được lập lại đến ba lần để làm áp lực dồn Thầy vào cái chết thảm nhất. Bên cạnh đó, tổng trấn Philatô cùng vua Hêrôđê dù xét thấy Thầy « không phạm tội phải chết » nhưng lại không đủ vững mạnh bảo vệ cán cân công lý. Chiều theo lòng dân để củng cố quyền lực thống trị bản thân, nên chấp nhận đưa ra bản án bất công. Không những thế, qua bản án này hai người giải quyết được mâu thuẫn trở nên thân thiết với nhau, cùng chung ý nhục mạ, khiêu khích Thầy, đỉnh cao là câu châm biếm được viết treo trên thập giá : Đây là Vua dân Do Thái.
Trên con đường thập giá xuất hiện thành viên Simon người miền Xyrênê, ông vô tình bước qua quãng đường Thầy đang vác thập giá và bị ép buộc vác đỡ vì Thầy bị đuối sức. Cái vô tình đó, trong truyền thống của Giáo hội, ông đón nhận được ánh sáng Tin Mừng. Bất ngờ đón nhận một biến cố đau khổ hay bị ép buộc làm điều gì đó dù phản ứng là vô ích, vẫn phải đưa vai gánh vác thập giá đời mình. Thay vì than trách, hãy đón nhận và khám phá sâu thẳm hơn để cảm nhận bàn tay yêu thương an bài của Thiên Chúa, để đón nhận được hồng ân như người khách lữ hành vô tình được chia sẻ thập giá Thầy Giêsu.
Trên con đường thập giá, có nhóm phụ nữ than khóc vì án oan thảm khốc Thầy phải chịu. Thật đáng quý vì tình cảm dành cho Thầy cách công khai và như muốn chia sẻ đau đớn Thầy đang chịu, thế nhưng tình cảm đó đặt sai chỗ. Không được khen ngợi còn bị Thầy trách bởi chính họ mới là người đáng thương khóc, bởi vì đau khổ Thầy lãnh nhận để giải thoát con người khỏi mọi kìm kẹp của điều đáng thương nhất từ tử vong, đau khổ của Thầy không phải là một dấu chấm hết nhưng là đưa đến hạnh phúc vĩnh cửu.
Treo trên thập giá, còn có hai tên trộm với hai phản ứng khác nhau. Người thứ nhất, dù cùng chịu chung bản án với Thầy, lại nên tiếng xúc phạm nặng nề : « Nếu ông là Đức Kitô của Thiên Chúa, hãy cứu lấy mình và chúng tôi nữa ». Một lời xỉ vả trêu tức vì coi Thầy như người vô dụng, nói xạo, tự nhận mình là Đấng giải thoát, là Con Thiên Chúa quyền năng nhưng lại bất lực trước khổ hình thập giá, một trò cười cho cả thiên hạ ! Người trộm thứ hai lại khác, đón nhận bản án của bản thân là đúng, là xứng đáng vì lỗi lầm đã phạm, anh chấp nhận và lên tiếng cầu xin Thầy. Để rồi từ đó, anh diễm phúc đón nhận hồng ân Phục Sinh với Thầy.
Còn Thầy Giêsu trên con đường thập giá này, Thầy luôn im lặng để đón nhận tất cả : từ những xỉ vả, trêu đùa, xúc phạm, đòn roi như một món quà hi sinh dâng lên Cha để xin ơn tha thứ, lòng nhân từ xót thương cho nhân loại lầm lỡ. Không bênh vực cho mình, không than trách, không nguyền rủa, Thầy lên tiếng bênh vực, khẩn nguyện Cha tha thứ cho những ai kết án và giết mình : « Lạy Cha xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm ». Thầy đã trao ban chính bản thân để chuộc lại nhân loại, cầu khẩn cho mọi người được hồng ân Cứu độ. Lời nói thứ hai của Thầy là dành cho tên trộm lành. Anh trộm lành là người đầu tiên đón nhận và tuyên xưng vinh quang khác người của Thầy trong lúc cao trào nhất của cuộc khổ nạn. Anh nhận ra Thầy là Vua, tuyên dương Thầy vô tội và công bố Thầy sẽ trở lại trong vinh quang. Anh đã tuyên tín vững mạnh vào Thầy và có cái nhìn về hồng ân sự sống vĩnh cửu. Để rồi từ đó anh được Thầy đón nhận trong vinh quang Phục Sinh : « Quả thật Tôi bảo anh, hôm nay anh sẽ được ở trên Thiên Đàng với Tôi ».
Đám đông, Hêrôđê và Philatô, quân lính, nhóm các phụ nữ, tên trộm… ai cũng từng như vậy trong đời sống kitô hữu của mình : từng là đám đông lên án mạnh mẽ, từng là Hêrôđê hay Philatô bất chấp công lý kết án để bảo vệ lợi ích riêng, từng là quân lính nhạo báng chế giễu, từng rung động như nhóm phụ nữ trước đau khổ của người khác, từng là tên trộm xỉ vả xúc phạm nặng nề… Hãy học hỏi người trộm lành chân nhận thân phận của mình, tuyên xưng vào vinh quang bất diệt của Thầy, nài khẩn lòng nhân từ thương xót, để có thể đón nhận và chung hưởng hạnh phúc vinh quang với Thầy…
Tin cùng chuyên mục:
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người
Ngày 30/09: Thánh Giêrônimô, Linh mục – Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ bảy tuân XXV thường niên: Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang