Từ… đến…
(Mt 21, 1-11; Is 50, 4-7; Pl 2, 6-11; Mt 26, 14-27, 66 hoặc Mt 27, 11-54)
Đứng trước đại dịch virus TC, nỗi sợ hãi của nhân loại dường như được bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết, bên cạnh đó là lòng người: nhiều bàn tay chung sức chia sẻ theo khả năng, cố gắng ngặn chặn đại dịch; nhưng cũng có nhiều bàn tay lợi dụng cơ hội cùng bao toan tính khủng khiếp về mọi mặt từ kinh tế, gây hoang mang lo lắng bất ổn xã hội, đến cả những ủ mưu chính trị hại nhau và trong vỏ bọc hoàn hảo của “viện trợ dụng cụ y tế” với chất lượng kém, hoặc lợi dụng tình hình cả thế giới đang vất vả chống chọi nạn đại dịch thì quấy phá và tìm cách bành trướng. Lòng dạ con người dường như càng ngày càng mất nhân tính, chỉ biết tìm đến lợi ích cá nhân bất chấp mọi hậu quả: từ việc sản xuất khẩu trang kháng khuẩn giả với lớp giấy vệ sinh, đến việc tái chế lại khẩu trang đã qua sử dụng để kiếm lời; xuất khẩu bộ kit xét nghiệm bị nhiễm virus hoặc sai sót kết quả đến 80%; nhiều người khạc nhổ bừa bãi cố ý làm lây lan dịch bệnh; lợi dụng lòng hảo tâm gom lương thực giúp đỡ bao nhiêu có thể, dù dòng chữ in to đập vào mắt “ai cần thì lấy, ai ổn xin nhường”…
Lòng dạ con người chỉ biết đến lợi ích cá nhân là thế nếu không thức tỉnh và được mài giũa, bên cạnh đó còn dễ dàng thay đổi theo kiểu “gió thổi chiều nào, nghiêng theo chiều đó” vì lợi ích cá nhân càng nhiều hơn. Cũng lòng dạ con người một cách khó lường này đã được phơi bày trước án tử của Thầy Giêsu. Thời điểm Thầy bước vào vào Thành thánh Giêrusalem, dân chúng vui mừng và sẵng sàng cởi áo trải xuống lót đường cho Thầy đi qua. Họ bẻ cành cây đầy lá giơ cao để đón mừng trong khi miệng reo hò vang trời làm cho nhà cầm quyền lúc đó cũng cảm thấy rúng động. “Hoan hô con Vua Đavid… Hoan hô… Hoan hô… Vạn tuế… Vạn tuế … vạn vạn tuế con Vua Đavid… Vạn tuế Đấng nhân danh Thiên Chúa đến cùng chúng tôi”. Thế mà, cũng đám đông dân chúng này mấy ngày hôm sau lại gân cổ lên mà la thật to “hãy đóng đinh nó vào thập giá, hãy đóng đinh nó vào thập giá”. Khi Thầy bị đóng đinh, họ cũng vẫn chưa chịu buông tha: “Hãy xuống khỏi thập giá đi để chúng ta tin nào… Kẻ đã cứu được người khác mà không cứu nổi chính mình… Xuống khỏi thập giá đi… Xuống khỏi thập giá đi”.
Nhóm Mười Hai cũng không khá hơn, nội trội là Giuđa Iscariot với tâm hồn ích kỷ và hẹp hòi. Anh ta đã được Chúa thương, thương hơn nhiều môn đệ khác. Anh đã được Thầy tín nhiệm, tín nhiệm hơn những anh em khác, Thầy trao cho anh quản lý tất cả những gì Thầy có. Anh không thiếu gì, vậy mà anh đã phản bội. Thầy rất buồn, buồn tới mức độ phải thốt lên một lời mà trong suốt cả cuộc đời, Thầy không hề nói với bất cứ một ai: “Thà nó đừng sinh ra thì hơn”. Những thành viên khác cũng chạy trốn trước khổ hình Thầy chịu, rồi Phêrô dù mạnh mẽ kiên quyết “dẫu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã […]; dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26, 33.35). Vậy mà sau đó không bao lâu chỉ có vài lời vu vơ của một vài đứa đầy tớ gái, tảng đá Phêrô đã vỡ tan tành. Người mà Thầy đã tin tưởng đặt làm thủ lãnh lại thề thốt trước mặt mọi người rằng không biết Thầy là ai.
Thế nhưng, Thầy Giêsu vẫn lầm lũi bước đi trung kiên trong yêu thương thực hiện thánh ý Cha, làm quả lễ giao hòa để tuôn trào hồng ân Cứu Độ. Một yêu thương nhân từ xé tan bóng đêm thù hận, chiếu rọi tâm hồn ghen ghét, đố kị, ích kỳ, vô cảm. Trong cảnh đau đớn tột cùng nhất:
Giữa những hung hãn tàn bạo, Thầy vẫn hiền lành khiêm nhường.
Giữa những hận thù, Thầy vẫn yêu thương.
Giữa những phản bội, Thầy vẫn luôn tha thứ.
Một Phêrô gục ngã nhìn thấy ánh mắt thập giá nhân từ, tha thứ và yêu thương từ Thầy, đã gượng dậy, trung thực, tin tưởng bước tiếp sứ vụ Thầy trao, trở nên vững mạnh như đá tảng nền Giáo Hội.
Còn tôi thì sao? Dường như bóng dáng nào trong đám đông dân chúng, bóng dáng chạy trốn nơi các môn đệ, tôi đều thấy mình trong đó: từ phản ứng vô cảm dửng dưng trước nghịch cảnh đau thương của người khác, đến hò reo vui mừng vì họ rơi vào vòng xoáy đau khổ; từ tung hô vạn tuế nịnh bợ người khác, đến lối sống “trên đội, dưới đạp”; từ bầy đàn lợi ích đến chối bỏ hại người; từ… đến…
Hãy đón nhận ánh mắt thập giá Thầy Giêsu để chân nhận, để được biến đổi…
Tin cùng chuyên mục:
Dự án Nhà Mẹ Lavang-Fatima và đại lễ khánh thành và làm phép tượng đài Đức Mẹ Lavang-Fatima do Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng chủ tế
Ngôn ngữ của tình yêu
Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Truyền giáo 2023
Thứ tư tuần XXVI thường niên, Thánh Phaxicô Assisi: Không có gì quí hơn là Thập Giá của Đức Kitô