ἐγώ εἰμί/ Egô eimi, Ta là…
(Cv 2, 36-41; 1 Pr 2, 20-25; Ga 10, 1-10)
Dần bước vào tuổi trưởng thành, dường như ai cũng muốn từng bước tách ra khỏi đùm bọc gia đình để tự khẳng định bản thân, để tự sống độc lập và để tự do hơn làm điều mình thích. Chính những vấp ngã đầu đời trở thành bài học trải nghiệm cuộc sống để nhận ra « không ai là một hòn đảo ». Hơn nữa, Dù mong muốn được độc lập, được tự do, nhưng trong sâu thẳm mỗi người đều cảm nhận cần được trợ lực dẫn dắt đến hạnh phúc, đến cuộc sống tròn đầy. Điều đó đặt mỗi người đưa ra cho mình chọn lựa ai, chọn lựa dẫn dắt thế nào để thực hiện và đạt tới lý tưởng cuộc đời. Sự chọn lựa đó được ví như đứng giữa ngã ba đường của tốt/xấu, đúng/sai:
– Như tên trộm đến cách âm thầm, khôn khéo dụ hoặc bằng nhiều miếng mồi ngon cho nếm thử, để rồi bản thân hùa theo đánh mất đi chính cuộc sống mình.
– Hay như người mục tử tốt bụng luôn biết quan tâm lo lắng, chăm sóc bảo vệ đàn chiên. Bên ngoài nhìn vào dường như chiên đánh mất đi tính độc lập hay tự do cá nhân, nhưng sâu xa hơn lại là hướng dẫn bước vào con đường sống đích thực của niềm vui, của tự tại trọn vẹn.
Hình ảnh người mục tử được Thầy Giêsu dùng để mạc khải dung mạo Thiên Chúa nơi chính bản thân Thầy, với cụm từ nguyên mẫu trong ngôn ngữ viết Tân Ước: ἐγώ εἰμί/ Egô eimi, Ta là. Một cụm từ gợi nhớ lại lần đầu tiên Thiên Chúa mạc khải danh Ngài cho Môsê trong ngôn ngữ Do Thái cổ: אֶהְיֶה אֲשֶׁר אֶהְיֶה/ Ehyeh-Asher-Ehyeh, Ta là Đấng Hiện/Hằng Hữu. ἐγώ εἰμί/ Egô eimi là cụm từ Hi Lạp được dịch và sử dụng từ tiếng Do Thái, יהוה/Yhavé. Đấng Hiện Hữu – Hằng Hữu đó giờ đây không còn xa lạ nhưng hiện diện ngay giữa mọi người nơi chính Thầy Giêsu. ἐγώ εἰμί/ Egô eimi, Đấng Hiện Hữu – Hằng Hữu là Mục Tử Nhân Lành.
Trong lịch sử trước kỷ nguyên, các vua chúa và đại tư tế thường được gọi là mục tử, như Pharaon được gọi là người chăn chiên nhân lành. Danh xưng này được dân du mục Israel thường dùng cho Thiên Chúa. Cụ thể trong thời Cựu Ước, vị ngôn sứ Mikha đã báo trước Đấng Thiên Sai sẽ đến như mục tử, Ngài sẽ chăn dắt (Mk 5, 3), hay ngôn sứ Êzêkiel : « Ta sẽ cho chỗi dậy một mục tử duy nhất, Ngài sẽ chăn dắt chúng » (Ez 34, 23). Những người biệt phái trong thời đại Thầy Giêsu vẫn tự hào là chủ chăn Israel, nhưng Thầy cho họ thấy, họ là những chủ chăn xấu. Họ không những không tin vào Thầy, Ngôi Hai Thiên Chúa, họ còn ngăn cản người khác tin theo. Thầy đã áp dụng hình ảnh mục tử cho mình, là chủ chăn được sai đến với các chiên lạc của Israel (Mt 15, 24; Lc 19, 19), và là chủ chăn thực sự.
Chăn chiên là một nghề rất quen thuộc đối với người Do Thái vì nơi đây có nhiều đồi núi và nhiều cánh đồng cỏ bên sườn núi, thích hợp cho công việc chăn nuôi chiên cừu. Thầy Giêsu muốn dùng hình ảnh quen thuộc này để mạc khải về con người của Ngài. « Thật, Ta bảo thật các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác thì người ấy là kẻ trộm cướp » (Ga 10, 1). Thầy đã bày tỏ, vén mở sứ mạng của mình. Thầy biết các chiên, và chiên lắng nghe theo tiếng Thầy. Không chỉ là Mục Tử, Thầy còn đi xa hơn khi nói về chính mình là Cửa chuồng chiên.
Thường mỗi chuồng chiên chỉ có một cửa duy nhất, đó là lối ra vào của chiên và không bao giờ chiên trèo tường hay leo rào để ra. Cửa chuồng chiên chỉ là một khoảng cách giữa hai bên bờ tường hay bờ rào. Nó là một khoảng trống, khác hẳn với hình ảnh về cánh cửa ngày nay. Đêm đến, người chăn chiên nằm ngay tại khoảng đất trống làm chỗ ra vào, không có chiên nào ra vào được trừ phi bước qua người chủ chăn. Thầy tự ví mình như cái cửa để nhắn nhủ về lối vào cho một nơi mới, một không gian mới ; là cánh cửa mở ra những chân trời vô tận, suối nguồn sự sống. Bất cứ ai muốn gia nhập thì phải qua Thầy và không qua Thầy để vào thì là kẻ cướp.
Thầy là lối vào duy nhất để gặp được đoàn chiên, là cửa mà mọi con chiên phải đi qua nếu muốn được tự do và đạt được sự sống viên mãn. Ngoài Thầy ra, không ai có thế tự xưng là người mang ơn cứu độ cho nhân loại. Thầy Giêsu là cửa vì qua Thầy, con người đạt được ơn cứu độ và được sống, được tự do đích thực, tránh khỏi mọi nguy hiểm. Qua Thầy, chiên đến vùng đồng cỏ của bình an, sự sống và niềm vui.
ἐγώ εἰμί/ Egô eimi – Ta là, mỗi kitô hữu được mời gọi hãy khám phá Thiên Chúa vị Mục Tử Nhân Lành để biết lắng nghe tiếng Ngài.
ἐγώ εἰμί/ égô eimi – tôi là, mỗi kitô hữu được mời gọi tái khám phá lại đời sống đạo bản thân để có thể trở thành chiên, thành đàn chiên đích thực do tay Thiên Chúa dẫn dắt, nuôi dưỡng, bảo vệ…
Tin cùng chuyên mục:
Thứ ba tuần XXVI thường niên: Phản ứng của con người khi gặp trái ý hay đau khổ
Thứ hai tuần XXVI thường niên-Các Thiên thần hộ thủ, Lễ nhớ
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người