CN.IV.MC.C Tình Cha…

68 lượt xem Suy Niệm
3 3

CN.IV.MC.C

Tình Cha…

(Gs 5, 9-12 ; 2 Cr 5, 17-21 ; Lc 15, 1-3.11-32)

Tình cảm gia đình, đặc biệt tình cha con luôn là điều cao đẹp và luôn được ca ngợi qua mọi thế hệ : Công cha như núi Thái Sơn ; gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha ; còn cha gót đỏ như son, đến khi cha mất gót con đen xì ; con có cha như nhà có nóc, con không cha như nòng nọc đứt đuôi ; cha tôi tuy đã già rồi, nhưng còn làm lụng để nuôi cả nhà – sớm hôm vừa dấy tiếng gà, cha tôi đã dậy để ra đi làm ; lạy cha hai lạy một quỳ, lạy mẹ bốn lạy con đi lấy chồng ; ba vuông sánh với bảy tròn[1], đời cha vinh hiển đời con sang giàu. Một tình cảm thiêng liêng cao quý dường như phai nhạt dần theo dòng chảy xã hội. Phai nhạt bởi vì rất nhiều thanh thiếu niên lao vào những mảnh tình chớp nhoáng, rồi phong trào nuôi trồng rau sạch, sống thử… với bao hệ lụy xấu và đỉnh điểm là phá thai giải quyết hậu quả được khoác với danh từ mỹ miều : điều hòa. Trong lối suy nghĩ vì thai nhi nhỏ bé không có ý thức như một cục thịt dư thừa, phá đi chẳng xấu mặt nào nhưng còn giải quyết được hậu quả không mong muốn, nên không biết rằng chính bản thân phạm vào sai lầm khó tha thứ : giết người, mà giết chính con của mình. Một lần còn run sợ lén lút, số lần từng ngày nhân lên rồi trở thành chai lỳ vô cảm. Tình cha con cũng từ đó biến tướng trở thành những gì bản năng của thú vui nhục dục, một trò chơi cuộc đời.

Chính vì thế sống trong mùa Chay, mỗi người được mời gọi mở rộng tâm hồn để cảm nhận, để rung động và làm sống lại tình cảm thiêng liêng tuyệt vời nhất giữa Cha-con, giữa Thiên Chúa và con người, đừng để khái niệm tình cha từ cái nhìn xã hội chen vào đánh mất đi rung cảm thiêng liêng đó. Tình yêu bao la của Thiên Chúa được Thầy Giêsu truyền giảng qua dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu.

Một người Cha đã trao ban cho con điều tuyệt vời nhất, ngoài tình thương, là tự do. Và chính cái tự do đó, người con thứ buông thả cuộc đời trôi nổi trong ăn chơi trác táng. Để có dư điều kiện, anh yêu cầu Cha chia gia tài dù cha luôn khỏe mạnh, trong truyền thống văn hóa Việt, như thế chẳng khác gì mong cha chết sớm. Tôn trọng con nên Cha chia đều tài sản cho hai người con trai của mình. Tình thương của Cha càng được thể hiện cách bao dung hơn nữa khi người con thứ sau thời gian dài ăn chơi trác táng, tiêu hết tài sản đến độ đi làm công nuôi heo, đói đến độ muốn ăn cả cám heo. Rơi xuống tận cùng của nghèo đói, anh muốn trở về lại nhà Cha dù chỉ như một tên đầy tớ, một người làm công. Nhưng mà, cái quyết định trở về của anh lại không nghĩ đến điều đầu tiên, điều quan trọng nhất đó chính là tình thương của Cha, anh chỉ nghĩ đến cái bụng của mình và chuẩn bị mọi lời nói tự thú khi gặp Cha, như một người hành khất ăn xin. Còn Cha lại khác, đau lòng để anh đi xa tách rời khỏi vòng tay yêu thương của mình, nên luôn ngóng chờ. Thấy bóng dáng bệ rạc không ra hình người từ xa, Cha vội vã chạy ra đón con. Cũng không cho con nói trọn vẹn lời xin lỗi, Cha chặn lòng thương và sai người đi mang tất cả những gì đã chuẩn bị sẵn cho con : khoác lại chiếc áo thân phận làm con thay cho chiếc áo chăn heo khất thực ; đeo nhẫn chia sẻ quyền quý ; và, loại bỏ đôi chân trần tôi tớ và đeo giầy tình thương. Không những thế, Cha còn kêu người bắt bê béo mở tiệc ăn mừng. Người con thứ bây giờ mới có thể cảm nhận hết tình thương dạt dào của Cha.

Còn người anh cả, luôn chăm lo làm lụng vất vả, luôn được ở bên cạnh Cha và cũng được chia phần gia tài đồng đều như người em. Sống trong vòng tay thương yêu của Cha, anh lại tự coi bản thân mình như người ngoài, như người làm công cho Cha. Chính vì thế anh giận dỗi trước bữa tiệc đón em, anh nổi xung bực tức trước tấm lòng khoan dung của Cha. Và còn nặng lời hơn nữa khi nói về đứa em sa ngã của mình : « Thằng con của cha đó… » ; thằng con của cha đó dường như không phải là em của mình ; thằng con của cha đó, dường như kèm theo không chỉ là lời trách móc mà còn có cả kết tội cha đã luôn đồng lõa với em. Lại thêm một vết thương lòng nữa ngay giữa niềm vui của Cha. Vẫn luôn khoan dung và kiên nhẫn, cha sửa lại sai lầm người anh : em con đây… Đó không phải chỉ là con của Cha nhưng còn là em của anh nữa. Hãy quên đi bao hà khắc, bao xét đoán mà cùng nhìn vào lăng kính tương quan gia đình, hãy quên đi chính cái tôi bản thân và học đón nhận người trở lại, đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại….. Hãy xót thương như Cha, hãy chặn lòng thương như Cha…

Hình ảnh người con cả, người con thứ… dường như ai cũng đã từng… Dụ ngôn của Thầy Giêsu tới đây là hết, không có đoạn kết tường thuật lại phản ứng anh cả sau lời khuyên của Cha. Mỗi người hãy cảm nhận trong sâu thẳm tâm hồn tình yêu thương, lòng khoan dung vô bờ của Cha, hãy viết lên đoạn kết cho dụ ngôn bằng chính cuộc đời của mình…

Lm.Jos.PHẠM, SCJ

[1] Sống hợp với giao hòa âm dương (3 đoài đi với 4 cấn = 7 Càn + 0 Khôn) nên đời đời vinh hiển giàu sang