CN.III.PS.A

56 lượt xem Suy Niệm
The Pilgrims of Emmaus

Con đường trở về Emmaus không trọn vẹn…
(Cv 2, 14.22-33; 1 Pr 1, 17-21; Lc 24, 13-35)

 

Nhiều người coi cuộc đời như một con đường lữ hành, trên con đường đó không bao giờ bằng phẳng : có tồn tại những hố sâu thăm thẳm của bể khổ, đen tối trong những lúc thất vọng, chán nản; có những ngọn núi cao vút của bao khó khăn, sóng gió với nhiều bụi gai như muốn xé nát vết thương ganh ghét đố kỵ khiến bao người gục ngã. Thế nhưng bên cạnh đó cũng có những đoạn đường bằng phẳng của niềm vui, hạnh phúc ; cũng không thiếu những ngã ba đường khiến phân vân chọn lựa ; rồi những khúc quanh co như muốn đánh mất định hướng, mục đích, cùng đích cuộc đời. Ngoài ra, còn kể đến con đường lữ hành không cùng đích khi buông thả bản thân trong cơn lốc xoáy hưởng thụ cho trọn kiếp người vì chết là hết ; con đường lữ hành khép bản thân vào vỏ ốc trốn tránh tất cả…

Con đường đời tự nhiên là thế, đi đến đoạn kết nào đều là chọn lựa lữ hành của từng người. Trong những con đường lữ hành tự nhiên đó, có cuộc lữ hành hướng về miền làng quê Emmaus cách Giêrusalem 60 dặm đường, khoảng 12 km. Một địa điểm khó xác định vì còn nhiều tranh cãi, có thể là địa danh Amwas cách Giêrusalem khoảng 28km, nhưng nhiều chuyên gia khác cho rằng đó là El-Kubebe/Kononiyeh, cách Giêrusalem khoảng 13 km. Dù là địa danh nào, chính điều không xác định đó lại khoác lên ý nghĩa hơn đối với hai người với từng bước chân nặng nề hướng về và những gì xảy ra trên đường.

Bước chân nặng nề vì biến cố bất ngờ xảy ra, vì hi vọng nhiều lại càng thất vọng. Hai môn đệ trên đường luôn trao đổi với nhau để tìm ra câu trả lời tại sao : là những tín hữu nhận ra và tin vào một người có tên Giêsu, như là vị ngôn sứ với quyền năng trong lời nói và việc làm trước mặt Thiên Chúa và toàn dân ; họ hiểu rằng Thầy là Đấng Messiah giải thoát toàn dân ; thế nhưng họ lại hụt hẫng vì cái chết tức tưởi. Họ không thể hiểu nổi tại sao Đấng Cứu Thế lại chịu khổ nạn, họ không thể chấp nhận biến cố đó. Cái chết của Thầy như cơn mưa bão dập tắt mọi hi vọng đang ấp ủ trong lòng. Họ tự phong tỏa, giam cầm chính mình không chấp nhận chuỗi sự kiện xảy ra. Họ không hề tin vào biến cố phục sinh dù đã nghe những người phụ nữ loan tin về biến cố ấy. Họ vẫn lưỡng lự, hồ nghi vì thực tại phũ phàng của thập giá đã khiến chính họ phải tháo chạy, hơn nữa phải rời bỏ Giêrusalem, và vì thất vọng họ đã để mất lòng cậy trông.

Tâm trạng của hai môn đệ có lẽ diễn tả cái « cứ ngỡ, cứ tưởng là » của bao người. Thất vọng, nản lòng, các tình cảm tiêu cực dồn nén luôn là lý do, là chướng ngại khiến nhiều người dễ dàng lung lay niềm tin. Bước trên đường chiều mỏn mỏi, chợt có một người bắt kịp và cùng đồng hành với họ. Câu hỏi người khách lạ như gợi một điểm dừng trong hành trình trôi nổi mất đi mục đích của họ. Một điểm dừng để thổ lộ, cởi mở tâm hồn nhìn lại chuỗi dài các sự kiện trên một lăng kính khác. Một lăng kính thoát khỏi cái tù túng của cá nhân, của toan tính cho hi vọng tương lai tươi sáng đi theo Đấng Messiah bị xụp đổ, của không dám mở lòng đón nhận biến cố sau cuộc tử nạn.

Không chỉ đặt câu hỏi, người khách vô danh đồng hành bắt đầu gợi mở tâm hồn hai môn đệ bằng cách lập lại một chuỗi dài mọi điều liên quan đến « vụ án ông Giêsu tử nạn » : duyệt lại cuộc sống và cái chết của Thầy họ, « mọi điều liên quan tới Ngài » dưới ánh sáng Thánh Kinh. « Và, khởi đi từ Môsê và các tiên tri », vị khách đặc biệt này hé mở cho họ thấy thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa đã thể hiện giữa những biến cố mà họ cho là thê thảm ấy. Cái chết của Đức Giêsu, đối với họ dường như là một ngõ cụt khiến họ quay trở về điểm khởi đầu cuộc đời của Emmaus, thực sự lại là đường « dẫn đến sự Sống » : Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao.

Hai môn đệ được mời gọi đảo ngược tận căn niềm tin của mình: Làm sao mà Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa lại có thể phải trải qua cái chết như thế được? Nhưng một điều gì đó đã nẩy mầm trong lòng họ; tảng đá nặng nề phong tỏa họ đã bắt đầu lung lay « xin ở lại với chúng tôi […] vì trời dã chiều và đêm đã xuống ». Bóng đêm đã bao phủ nhưng trong lòng họ lại nhóm lên ánh sáng, và ánh sáng đó được thổi bùng lên khi thấy vị khách « cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ ». Thầy Phục Sinh một cách khéo léo dẫn đưa họ từ bỏ cái nhìn, quan điểm của cá nhân để đi vào con đường lữ hành quan điểm của Thiên Chúa. Để rồi từ đó, hai môn đệ không quay trở về điểm xuất phát, mà hướng về lại hành trình Giêrusalem mới trong hân hoan, niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn.

« Xin ở lại với chúng tôi », mỗi kitô hữu hãy cất vang lời mời gọi đó xin Thầy Phục Sinh hiện diện trong cuộc lữ hành trần thế của mình. Xin Thầy dẫn dắt để không phải trở về điểm xuất phát ban đầu Emmaus, mà vững bước hướng tới Giêrusalem tương lai. Hãy mời Thầy ở lại để cùng chia sẻ tấm bánh Thánh Thể với mọi người trong từng ngày sống. Hãy nhận ra Đấng Phục Sinh trong mọi người, nơi tấm bánh được bẻ ra trên con đường phục vụ yêu thương…