Nếu không sám hối…
(Xh 3, 1-15 ; 1 Cr 10, 1-6.10-12 ; Lc 13, 1-9)
Từ sám hối dường như càng ngày càng trở nên xa lạ với con người ngày nay. Cái xa lạ đó có nhiều nguyên do đưa đến : tiếng nói lương tâm chai lì dần theo dòng thời gian do cuốn trôi theo dòng chảy cuộc đời ; rồi cũng có lý do phải kiếm tiền nuôi sống gia đình trong hoàn cảnh khó khăn đến mức độ ăn gian bán dối ; rồi rõ nét hơn nữa là buôn bán các sản phẩm mình trồng cấy ngập đầy thuốc độc, bán sản phẩm mà chính bản thân ghê sợ không dám ăn để rồi lương tâm chai lỳ đến độ giết bao người cách dần dần mà không chút động dung… Chữ sám hối cũng trở nên xa lạ khi nhiều kitô hữu chỉ hiểu bó buộc theo một ý nghĩa là ăn năn, khóc lóc, và ngày xưa còn có việc đánh tội xoa dịu tiếng lương tâm, xoa dịu cảm giác bất an trong lòng. Để rồi, hết mùa Chay, hết cảm giác cắn rứt, cuộc đời bản thân lại tiếp tục lao vào vòng xoáy thiêu thân cuộc đời. Và, cũng có những người không cảm thấy những sai phạm của bản thân, có chăng là do vô tình bị lôi kéo vào, không phải bản thân chủ động…
Cũng chính nếp sống đó, cách hiểu sai lầm đó mà Thầy Giêsu lên tiếng mạnh mẽ trong biến cố quan tổng trấn tàn sát mấy người Galilê và việc tháp Silôê đổ sập làm 18 người chết. Trong suy nghĩ thời đó, những người gặp tai ương là do bị Thiên Chúa trừng phạt bởi tội lỗi đã phạm, còn những ai bình yên là vì vô tội. « Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì các ngươi cũng sẽ bị hủy diệt như thế ». Thầy Giêsu lên tiếng nhắc nhở đừng để bản thân rơi vào lối suy nghĩ máy móc theo kiểu ác giả ác báo, nhưng hãy luôn chất vấn và làm tiếng lương tâm trở nên trong sáng và nhạy cảm hơn trong đời sống. Hãy luôn lắng nghe và thực hiện lương tâm nhắc nhở. Để rồi sám hối, không còn chỉ gói gọn việc ăn năn những lầm lỡ đã phạm, nhưng còn là sửa đổi, thay đổi cuộc đời theo chất vấn lương tâm như : có những việc tôi nên làm nhưng lại không thực hiện ?
Dụ ngôn cây vả là một gợi ý cho nếp sống an phận cũng như trả lời cho câu hỏi đó. Ông chủ muốn chặt đốn đi không phải vì cây vả xấu nhưng vì không sinh hoa trái trong đời sống của mình. Cây vả, hay chính những người sống theo luật định cách máy móc, vô cảm, đã không sinh hoa trái, đã không sống đúng với ơn gọi hiện hữu của mình nên bị ông chủ đòi chặt bỏ. Thế nhưng cây vả có được cơ hội thứ hai nhờ lời bảo chữa của anh làm vườn, được bồi dưỡng-chăm sóc tận tình để sinh trái, để hữu ích.
Hình ảnh ông chủ, cây vả, anh làm vườn dường như là Thiên Chúa, mỗi kitô hữu và thầy Giêsu…
Thiên Chúa luôn bao dung, yêu thương, nên dành cho mỗi người những cơ hội để sống trọn vẹn ơn gọi của mình. Hãy cảm nhận lòng thương xót đó của Ngài, hãy để tiếng lương tâm luôn vang vọng, thúc đẩy trong tâm hồn. Hãy sám hối thật lòng không chỉ giới hạn nơi những lầm lỡ, mà còn cả những thúc đẩy nên làm mà không thực hiện. Hãy quay trở về, thay đổi nếp sống, trổ sinh hoa trái ân phúc…
Tin cùng chuyên mục:
Thứ ba tuần XXVI thường niên: Phản ứng của con người khi gặp trái ý hay đau khổ
Thứ hai tuần XXVI thường niên-Các Thiên thần hộ thủ, Lễ nhớ
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người