CN.III.MC.A

64 lượt xem Suy Niệm
290456.b

Ta khát…
(Xh 17, 3-7; Rm 5, 1-2.5-18; Ga 4, 5-42)

 

Mỗi năm bước vào mùa khô, người nông dân Việt luôn gặp muôn ngàn khó khăn vì hạn hán, và đặc biệt tại miền Tây Nam Bộ năm nay xâm nhập mặn được cho là khốc liệt hơn bao giờ hết trong lịch sử. Nhiều nguyên nhân được đưa ra, phần vì là kết quả của hiệu ứng nhà kính cũng như nhiều khí thải công nghiệp chưa được xử lý đúng làm nhiệt độ trái đất nóng dần lên, phần khác là tận dụng nguồn nước chảy tự nhiên để sản xuất thủy điện tại đầu nguồn; hay đổ tội cho hiện tượng El Niño rồi đến La Niña. Tựu trung lại, nguyên nhân đều do chính con người tự gây ra cơn khát cho nhau nhưng lại không nhận lỗi về phần mình, đổ mọi thứ tội đều là do thiên nhiên, do thiên tai gây ra. Như một bước đệm, để từ đó kêu gọi cùng chung tay tìm giải pháp ứng phó, cơn khát nguồn nước ngọt trong lành trở thành khẩu hiệu “chống hạn như chống giặc”.

Trở về nghĩa gốc của từ trong ngôn ngữ Tây Ban Nha, El Niño là “hiện tượng con trai của chúa” và La Niña “bé gái hài đồng” để diễn tả hai chiều hướng đối nghịch nhau theo quy luật tự nhiên giữa nóng và lạnh cùng với hệ quả của nó. Như một quy luật để trái đất tự chữa những vết thương mang theo trong mình, lại trở thành “thiên tai” vì chính những tác động trực tiếp của con người gây ra những cộng hưởng làm vết thương nặng thêm, cụ thể là đã bóc lột tối đa nguồn lợi ích từ thiên nhiên để phục vụ cho ích kỷ – hưởng thụ bản thân. Chính vì thế, trở về nguồn thì không thể đổ thừa là do thiên tai, mà do chính con người tự gây họa cho nhau, là nhân họa. Đây cũng là điều mà trong Thông điệp Laudato Si’, ĐTC. Phanxicô lên tiếng một cách khẩn thiết: “Chúng ta cần có một cái nhìn thật thẳng thắn vào sự thật là ngôi nhà chung của chúng ta đang rơi vào trong tình trạng hư nát nghiêm trọng” (n. 61).

Tình trạng hư nát tại các vùng đất, người dân – nông dân đã ngấm nhiều, đặc biệt là cơn khát nguồn nước ngọt, nguồn nước sạch cho đời sống sinh nhai. Nhưng cơn khát đó vẫn chưa đủ, con người còn đặc biệt khát sự thật trước muôn ngàn giả dối, khát công bình trong bao bất công xảy ra hằng ngày, khát niềm tin giữa biển đời nghi kỵ, khát yêu thương trong lũng đoạn của vô cảm. Những cơn khát này qua đại dịch virus viêm phổi Vũ Hán đã được trải bày sau bao năm bị đè nén và chiêu trò.

Ngược trở về thời Thầy Giêsu, xứ Palestina kéo dài từ Bắc xuống Nam gần 200km, chia thành ba vùng: phía Bắc là Galilea, phía Nam là Giuđêa, và giữa hai phần đó là Samaria. Người Samaria nguyên gốc là người Do Thái, nhưng do cuộc sống chuyển biến, họ có nhiều liên hệ với các dân tộc khác nên bị coi là bội giáo, bị khinh thường và xa cách. Vì thế, luật sĩ Do Thái quen nói: “Nước người Samaria ô trọc hơn tiết heo”. Nghe tin Gioan Tẩy giả bị bắt giam, Thầy Giêsu quyết định rời Giuđêa, vì những người biệt phái tỏ ra ghen tức, nghi kỵ, phản đối (Ga 4, 1). Thầy đã dùng con đường ngắn nhất để đi đến miền Galilêa là đi ngang qua Samaria; con đường khác dài gấp đôi để tránh vùng Samaria ô uế là đi vòng qua sông Giorđan. Thầy Giêsu đã làm một cuộc hành trình đi Galilêa theo như Gioan viết: “Đức Giêsu tới thành gọi là Kikha thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng Giacóp, Đức Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu” (Ga 4, 5-6).

Quãng đường dài đã làm Thầy khát nhưng lại không có dụng cụ để múc nước sâu đến 32m, Thầy đã phá vỡ tập tục tránh xa người Samaria khi lên tiếng: “Chị cho tôi xin chút nước uống” (Ga 4, 7). Một câu đề nghị dẫn vào những khám phá mới trong sự Thật – Chân lý. Người phụ nữ đã khám phá và chân nhận con người yếu đuối thật của mình: chỉ biết sống cho hiện tại mà không có tương lai; chỉ sống chiều theo dục vọng thể xác mà thiếu thốn yêu thương đích thực; chỉ lo sống hưởng thụ mà quên đi phục vụ; chỉ thích bay nhảy mà không sống có trách nhiệm. Trải qua sống chung với tất cả 5 người đàn ông, nhưng không có ai là người chồng của mình. Một kiểu sống mà không ít người Việt ngày nay đang lao vào như thiêu thân: tranh giành quyền lực, danh vọng, tiền tài cùng những thỏa mãn đam mê nhục dục đầy trụy lạc. Sống ích kỷ vô cảm chỉ biết đến bản thân mà không để ý đến hậu quả gây ra cho người khác. Bộ mặt sống đó đã được cô virus Vũ Hán lột trần, phải chăng nên cám ơn Covid-19 để có thể cảnh tỉnh?

Cũng như bao người, chân nhận con người thật của bản thân đã giúp người phụ nữ Samaria trở về và tìm được đúng cơn khát của mình: “xin cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát, và khỏi phải đến đây lấy nước” (Ga 4, 15). Một gặp gỡ với Thầy Giêsu đã thay đổi tất cả cuộc đời người phụ nữ. Dù bị Thầy đụng chạm đến vết thương nhức nhối của nếp sống bóng đêm, người phụ nữ đã tìm được cho mình nguồn Nước Trường Sinh, nguồn nước đem lại sự sống đời đời cho cơn khát không bao giờ hết của mình.

Cùng suy nghĩ về nhân họa hạn-mặn,
cùng suy nghĩ về virus viêm phổi Vũ Hán,
cùng thức tỉnh thoát khỏi mọi ràng buộc thực dụng – tục hóa
để nhìn nhận lại bản thân, tìm được cơn khát thật sự của mình,
cùng hướng về Thầy Giêsu, nguồn nước sự sống tuôn trào không bao giờ dứt
để kín múc, để thay đổi cuộc sống…