CN.II.TN.A Tôi đã thấy…

65 lượt xem Suy Niệm
3

CN.II.TN.A

Tôi đã thấy…
(Is 49, 3,5-6; 1 Cr 1, 1-3; Ga 1, 29-34)

Sống trong những ngày cuối năm Hợi, ai nấy tất bật với bao lo toan để chuẩn bị hướng tới năm mới để luôn được may lành. Cuối năm Hợi, với những biến động về giá thịt heo nên những lũng đoạn giá và buôn bán âm binh luôn xay ra, để giúp những nội trợ cẩn thận lựa chọn được thịt chất lượng, ông bà có câu:

Xem mặt mà bắt hình dong,
Con lợn có béo cỗ lòng mới ngon…

Một cách nói nhân hóa để nhận xét về người nào đó qua biểu hiện bên ngoài với ấn tượng ban đầu, tuy nhiên để tránh sai lầm còn có câu: “Hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm”, nghĩa là vẽ hổ bên ngoài khó vẽ xương, hiểu người hiểu mặt không hiểu lòng. Bởi vì, “sông sâu biển thẳm dễ dò, đố ai lấy thước mà đo lòng người”, lòng người luôn sâu thăm thẳm và biến đổi khôn lường với biết bao vỏ bọc ngụy trang. Cũng chính lối sống này ngày nay luôn khiến ai nấy luôn đề phòng – nghi kị lẫn nhau, và đương nhiên cũng nghi kị đến cả niềm tin tôn giáo, bởi vậy: tin đạo chứ không tin người có đạo.

Sống những ngày cuối năm, cùng theo nếp truyền thống tốt đẹp là cùng nhìn lại hành trình từng ngày sống đức tin của bản thân để khám phá được rằng tôi vẫn chưa thật sự thấy Thiên Chúa nên chưa sống đúng với Lời-Ngôi Lời. Hãy dành thời gian cùng chiêm ngắm lại Thầy Giêsu qua lời chứng nhân giới thiệu của Gioan Tẩy giả.

Thông thường khi muốn giới thiệu ai, ta đều phác họa một khuôn mặt với những đặc điểm nổi trội, đẹp và hấp dẫn với những khả năng, hoa trái họ đạt được. Gioan Tẩy giả lại khác, với một câu định nghĩa ngắn gọn và bình thường về Thầy Giêsu: “Đây là Chiên Thiên Chúa”, và ngài bổ sung thêm sứ vụ “Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1, 29). Dù trước đó Gioan Tẩy giả cho rằng mình chưa từng biết Đấng Cứu Thế: dù là bà con với Thầy nên chắc chắn Gioan và Đức Giêsu đã quen biết nhau, nhưng Gioan không biết hoặc biết không chắc chắn Giêsu trong chính thực thể của Người, Đấng Thiên Sai. Chỉ khi Thầy Giêsu đến xin chịu phép rửa và sau đó có những dấu chứng từ trời cao, ông mới biết điều đó cách chính xác. Vì chính Thiên Chúa đã báo trước cho ông điều ấy: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần” (Ga 1, 33). Khi đã biết đích xác Thầy Giêsu là ai, Gioan bắt đầu làm chứng về Ngài với lời giới thiệu và sứ vụ ngắn gọn trên.

“Đây là Chiên Thiên Chúa”, một biểu trưng đã đi suốt chiều dài lịch sử-truyền thống của dân Do Thái được khởi đi từ năm tháng Xuất hành: “Suốt thời gian sắp tới, mỗi ngày các ngươi hãy hiến tế trên bàn thờ hai con chiên tuổi được một năm, một con hiến tế vào buổi sáng, con kia vào buổi chiều” (Xh 29, 38-39). Kéo dài đến năm 70 với biến cố Đền thờ bị phá hủy, mỗi ngày vào buổi sáng sớm và buổi chiều, các tư tế trong đền thờ phải sát tế mỗi buổi một con chiên nhỏ cỡ một tuổi làm của lễ toàn thiêu để đền tội thay cho dân chúng. Như vậy, tội lỗi của toàn dân mỗi buổi đều đổ hết lên đầu con chiên, và con chiên gánh tội ấy phải chết để đền tội thay hầu dân chúng được khỏi tội trước mặt Thiên Chúa. Tội lỗi của dân chúng đối với Thiên Chúa đáng lẽ phải trả giá bằng sinh mạng của chính mình, nhưng Ngài đã chấp nhận để con chiên chết thay con người. Đức Giêsu đã trở thành chiên hi sinh như thế: “Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta” (1 Cr 5, 7).

Từ hi lễ Chiên hiến tế đã nêu bật sứ vụ của Thầy Giêsu là “Đấng trừ khử tội trần gian” và “Người thanh tẩy trong Thánh Thần”. Người khử trừ, Người cất đi tội lỗi như thể đó là một gánh nặng, một chướng ngại. Ngôn ngữ của vị ngôn sứ này gởi lên hình ảnh Đức Kitô đến thực hiện một cuộc giải phóng và cho thấy con người như thể bị giới hạn trong tư tưởng hay trong hành động bởi những trở ngại nặng nề ngăn cản họ đi đến cùng đích số mệnh. Vì thế, Thầy Giêsu đến cất đi các xiềng xích đang trói buộc trái tim con người trong ích kỷ, tham vọng, chai đá, nhục dục, ghen tương, oán hờn, thụ động, rồi “làm phép rửa trong Thánh Thần”. “Phép rửa” trong ngôn ngữ Hi Lạp thánh kinh βαπτίζω/baptízô không chỉ mang nghĩa “thanh tẩy, rửa” mà còn là lặn, dìm sâu, nhấn chìm, làm sạch. Thầy Giêsu tái tạo con người bằng cách dìm sâu trong Thần khí Thiên Chúa, làm cho thấm nhuần Thánh Thần của Ngài. Nhờ vậy, con người sẽ được biến đổi một cách sâu xa; ta có thể bảo rằng sở dĩ con người được cứu, là vì đã bị hủy tiêu và thay thế bằng một người mới trong Thánh Thần: kitô hữu.

Kitô hữu, một danh hiệu mà thánh Phaolô tông đồ lần đầu tiên đã tặng cho các tín hữu ở Antiochia. Thời kỳ đầu các tín hữu đã có một cuộc sống rất gương mẫu làm cho dân ngoại phải ngạc nhiên. Sách Công vụ Tông đồ còn ghi lại : “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ”(Cv 2, 44-47).

Kitô hữu là muối, là men, là ánh sáng, là linh hồn của thế gian: thành phần của đám đông nhưng lại hành động như men; không thể phân biệt khỏi cộng đồng nhân loại, nhưng khác biệt hoàn toàn. Bởi vì, như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,19). Nếu Đức Kitô sống ta, Ngài sẽ hoán đổi dần con người của ta để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Để được như thế, tôi cần thật sự khám phá được Thầy là ai; mạnh dạn tuyên xưng và sống như Gioan Tẩy Giả “tôi đã thấy”…