CN.II.MC.C

what to give up for lent

Ánh sáng Chân lý…
(St 15, 5-12.17-18; Pl 3, 17-4,1; Lc 9, 28b-36)

 

Văn hào André Frossard (1915-1999) thuộc Hàn lâm viện Pháp đã được ơn “trở lại” lạ thường. Ông đã thuật lại trong cuốn sách thời danh Dieu existe, je l’ai rencontré – Có Thiên Chúa, tôi đã gặp Ngài, xuất bản năm 1969. Thân phụ ông, một trong những người thành lập và là Tổng thư ký đầu tiên của đảng Cộng sản Pháp, đã từng tuyên bố: “Nếu có Thiên Chúa, thì tôi khuyên ông ấy lo rút lui vì không ai thích ông”. Cuộc đời André Frossard cũng đắm chìm ảnh hưởng của người bố cộng sản vô thần, thế nhưng năm 20 tuổi biến cố đến vào buổi chiều ngày 08/07/1935.

Với cái hẹn đi ăn tối với bạn, ông vô tình bước vào một nhà nguyện của các soeur Adoration lúc 17h10, thay vì đi vào Trường trung học phổ thông/École Normale Supérieure. Ông tường thuật: “Đẩy cánh cổng sắt của tu viện, tôi là người vô thần (…) bước vào nơi ngược lại với ánh sáng nên tôi chỉ thấy bóng tối, trong đó tôi không thể phân biệt được bạn mình và một loại mặt trời chiếu sáng ở sâu thẳm tòa nhà: Tôi không biết đó là nơi đặt Thánh Thể. Nguồn ánh sáng này tôi không thể nhìn thấy bằng đôi mắt thể lý, không phải là thứ ánh sáng soi sáng chúng ta, hay làm cho chúng ta rạng rỡ; đó là một ánh sáng tâm linh/thiêng liêng, nghĩa là như một ánh sáng giảng dạy, như ánh sáng chiếu soi chân lý. Một nguồn sáng chắc chắn đã đảo ngược trật tự tự nhiên của mọi thứ. Tôi đã hỏi người bạn, để rồi đối với tôi, chỉ có một mình Chúa tồn tại và những quan niệm trước đây chỉ là giả thuyết”. Ông khẳng định thêm: “Khi người ta may mắn được gặp Thiên Chúa thì mọi sự khác chỉ là trò hề. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng không làm cho tôi thất vọng kể từ một buổi sáng năm ấy, năm 1935”.

Ánh sáng Chân lý, ánh sáng Vinh quang đó được Thầy Giêsu tỏ hiện trong bài Tin Mừng hôm nay. “Khoảng 8 ngày” sau việc Thầy loan báo tin lần thứ nhất sẽ chịu tử nạn và Phục Sinh (Lc 9, 22), nhóm 12 sống trong choáng váng, bối rối, bất an và sụp đổ thất vọng khi bước đi theo Thầy, khi đối diện trước mầu nhiệm Thập giá. Đặc biệt là tám ngày trước đó, cuộc trò chuyện giữa Thầy và các môn đệ với câu hỏi: “Anh em bảo Thầy là ai?”. Phêrô đã mạnh dạn tuyên xưng là Đấng Messiah, Đấng được xức dầu và là Con Thiên Chúa. Đồng thời, đại diện và bày tỏ quan niệm chung của Nhóm 12 về Thầy nên đã cản bước đường Thập tự. Choáng váng, sụp đổ và thất vọng là đây. Nhưng, Thầy đã củng cố lại niềm tin vào Đấng Cứu Thế khi hiển dung.

Không phải cả Nhóm 12, Thầy đã chọn riêng 3 môn đệ, Phêrô-Gioan-Giacôbê, cùng lên núi cầu nguyện. Thế nhưng, cả ba môn đệ lại “ngủ mê mệt” nên không chứng kiến ngay từ đầu những gì xảy ra. “Khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giêsu, và hai nhân vật đứng bên Người” (Lc 9, 32). Họ chỉ có thể cảm nếm kết quả cuối khi Thầy hiển dung, cũng như, trước cảnh tượng gây ngỡ ngàng mà các ông đang chứng kiến một lần nữa, các tông đồ không hiểu gì. Các ông đang sống trong tình trạng tranh tối tranh sáng, vừa tỉnh vừa mê, nói linh tinh. Khi mọi sự kết thúc, nghĩa là khi Môsê và Êlia đã ra đi, thì các ông mới nhập cuộc, mới ấp úng mở lời. Các ông chỉ hiểu rõ hơn sau cuộc tử nạn của Thầy cũng với biến cố “hiển dung” trên Thập giá.

Cũng trên núi, Thầy Giêsu hiển dung sau khi tỉnh thức và cầu nguyện, còn các môn đệ cũng lại ngủ mê mệt đến độ Thầy phải đánh thức nhắc nhở: “Sao anh em lại ngủ? Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22, 40.46). Cả hai biến cố “hiển dung” như quyện chặt vào nhau mạc khải trọn vẹn Thầy Giêsu: Trên núi biến hình, các môn đệ thấy được thiên tính của Chúa Giêsu vinh quang hơn bao giờ hết, khiến họ ngất ngây sung sướng, muốn ở mãi trong tâm trạng ngất ngây đó; Trên núi Cây dầu, họ thấy Thầy trong nhân tính yếu đuối hơn bao giờ hết. Con người thật của Thầy Giêsu vừa có thiên tính vừa có nhân tính. Cả hai cũng bộc lộ con người thật của các môn đệ, của mỗi kitô hữu, của chính bản thân ta: có một phần con cái của Adam mang đầy tràn tính xác thịt, luôn bị lôi kéo trở thành những satan; nhưng, trong ta cũng có một phần là con của Thiên Chúa để sống nên thánh.

Cụ thể, cũng như ba môn đệ chứng kiến Thẩy hiển dung trong ánh sáng vinh quang, có nhiều lúc ta cảm thấy ngất ngây sung sướng: thấy mình sốt sắng, gần Thiên Chúa, yêu thương anh chị em, sẵn sàng làm những điều tốt cho mọi người xung quanh, sẵn sàng tha thứ cho những ai làm hại mình. Nhưng cũng như các môn đệ chứng kiến Thầy Giêsu “hiển dung” trên núi Cây dầu, lại có những lúc ta suy sụp trầm trọng, phần Adam nổi lên lấn áp phần Con của Thiên Chúa. Khi đó ta thấy đời thật buồn nản, thấy không ai thương mình, không ai hiểu mình, Thiên Chúa hình như cũng xa mình. Từ đó, ta sống nguội lạnh với Thiên Chúa, ích kỷ với anh chị em, khe khắt với những kẻ làm khổ mình.

Điều khiến mỗi kitô hữu hay rơi vào là đây, luôn ngủ quên trong mọi cuộc “hiển dung” của Thầy, luôn quên cầu nguyện nên bản thân không được “biến hình”, không được như Thầy: “đang lúc cầu nguyện dung mạo Người bỗng đổi khác” (Lc 9, 29). Trong cuộc sống đầy thử thách và thất bại, đầy đau khổ và tội lỗi chỉ có cầu nguyện mới có thể biến đổi ta. Bởi vì, ta cũng được chia sẻ “biến đổi” phản chiếu vinh quang của Thầy Giêsu như một bức gương (2 Cr 3, 18). Khuôn mặt của mỗi kitô hữu trong Mùa Chay cần phải là khuôn mặt “hiển dung”.

Cũng chính trong cầu nguyện gặp gỡ Thiên Chúa, André Frossard chia sẻ sâu thẳm hơn, điều đã xảy ra với tôi “có thể xảy ra với tất cả mọi người, người giỏi nhất, người kém nhất, người không biết và thậm chí là người nghĩ rằng mình biết. Hãy tự tổ chức buổi gặp gỡ/cầu nguyện với Thiên Chúa, nghĩa là dành thời gian bước vào hành trình nội tâm để khám khá đời sống thiêng liêng trong ánh sáng vinh quang Thiên Chúa. Để rồi đột nhiên như trong trường hợp của tôi, khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa. Và, tôi không còn cảm thấy đơn độc bởi vì nhờ đức tin và đức ái, trải qua đau khổ và cái chết, tôi trở về với Thiên Chúa Tình Yêu”. André Frossard khám phá ra rằng thế gian này chỉ là “sự phản chiếu nhợt nhạt của thực tại bao la vô hình, thiêng liêng, rực rỡ”.

Như André Frossard, mỗi kitô hữu hãy để bản thân được ánh sáng vinh quang, ánh sáng chân lý “hiển dung” của Thầy chiếu rọi và “hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”…