Con Người là Ai ?
(St 12, 1-4a; 2 Tm 1, 8b-10; Mt 17, 1-19)
Để nhận diện một ai đó, không đơn giản từ cái nhìn ấn tượng đầu tiên, một buổi nói chuyện tiếp xúc. Đây là cả một trải dài ở, sống và chia sẻ với. Tuy nhiên, cũng chưa chắc có thể hiểu và nắm bắt được toàn diện người đó, bởi vì :
Dò sông, dò biển dễ dò
Mấy ai lấy thước mà đo lòng người
Nhìn qua ánh mắt nụ cười
Làm sao biết được lòng người cạn sâu
Chờ nghe lời nói ngọt ngào
Mà chân mãi bước chẳng dò chông gai…
Không chỉ như thế, muốn hiểu biết ai, thường làm so sánh giữa người với người, đồng thời còn kèm theo đó là lăng kính cá nhân. Thế nhưng, lại có cô virus Vũ Hán với tính cách ma quái đã lột trần bao khuôn mặt giả tạo-vô cảm-độc ác-ích kỷ của nhiều người khi vì chính trị đá banh trách nhiệm, vì lợi ích kinh tế đã trục lợi từ đại dịch nguy hiểm này, để rồi số lượng người bị nhiễm trên nhiều quốc gia trên thế giới tăng chóng mặt, đã vượt qua con số 102k. Khả năng ngăn cản, phòng tránh để không trở thành đại dịch toàn cầu ngày càng hẹp. Một thông điệp cụ thể cho từng kitô hữu sống trong hoang địa với Thầy Giêsu mùa Chay Thánh này, khám phá và tái khám phá khuôn mặt đời sống u ám cá nhân trước Con Thiên Chúa-Thầy Chí Thánh Giêsu để sửa đổi bản thân, để tin tưởng, cậy trông và phó thác vào lòng yêu thương khoan dung Thiên Chúa can thiệp vào nhân họa này.
Cụ thể hãy cùng bước vào cuộc trải nghiệm của vị Tông đồ Phêrô với Thầy Giêsu để nhận diện rõ sự khác biệt trong cái nhìn lăng kính bản thân. Từng được Thầy khen cho câu tuyên tín về Thầy: “Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16); thế nhưng ngay sau đó: “Satan lui lại đằng sau Thầy” (Mt 16, 21) khi Phêrô muốn cản bước chân Thầy sắp trải qua trên con đường khổ nạn thập giá.
Phêrô tưởng như biết, hiểu về Thầy nhưng lại càng xa và không nắm bắt được gì, tất cả đều từng bước nhờ Thầy dẫn dắt để “đến mà xem”, tái khám phá lại “Con Người là Ai; Thầy Giêsu là Ai”. Một biến cố vào thời điểm quan trọng này, Thầy chỉ dẫn ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê lên núi chứng kiến để biết Thầy là Ai.
Chết và sống lại, nhục nhã và vinh quang là con đường Thầy trải qua của mầu nhiệm cứu độ, hai biến cố được tiên báo sẽ xảy ra. Và đây ngay trên núi, ba môn đệ được diễm phúc chiêm ngưỡng trước thoáng qua vinh quang mà Thiên Chúa là Cha hé mở về Thầy. Vinh quang tập trung về Con Người Giêsu đang sống thường ngày với họ. Trong cảm nếm đó, vẫn lại là Phêrô lên tiếng nói đầy quả quyết, hăng hái, và quảng đại: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia” (Mt 17, 4). Phêrô nhìn nhận nơi Thầy là Đấng Messiah được chờ đợi qua hai nhân vật chủ chốt: Môsê và Êlia.
Môsê cứu dân khỏi ách nô lệ Ai Cập, hướng dẫn họ qua sa mạc, trao truyền cho họ luật pháp và giao ước của Đấng Thánh. Tuy nhiên, ông chỉ được phép ngắm nhìn Đất Hứa từ xa. Lúc này ông được gần Đức Kitô, chính Thầy sẽ giải thoát không những riêng dân Do Thái, nhưng toàn thể nhân loại khỏi ách nô lệ sự chết. Chính Thầy hướng dẫn họ cách vô ngộ qua sa mạc cuộc đời tạm gửi. Thầy là Môisê đích thực, dẫn dắt Dân Chúa vào Đất Hứa đích thực, để thực hiện cuộc biến hình muôn thuở. Êlia là người thứ nhất trong các đại tiên tri. Người đã cấm không được dành cho Baal là thần trái đất những quyền lợi như Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới là Chúa tể của trời cao và vũ trụ.
Cảm nếm vinh quang tuyệt vời đó của Thầy, vui mừng vì khám phá của mình, Phêrô như muốn sỗng mãi khoảng khắc hạnh phúc trong vinh quang này.
“Đây là Con Ta yêu dấu, rất đẹp lòng ta, các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17, 5), đó cũng chính là câu trả lời của Thiên Chúa dành cho Phêrô, cho ba môn đệ, cho mỗi kitô hữu về đề nghị được sống mãi trong vinh quang. Ngay lúc này, Thầy chưa đi trọn vẹn con đường cứu độ. Thầy phải tới Giêrusalem, để chịu nhục hình, bị đối xử như tên tội phạm, chịu đau đớn, bị đóng đinh vào thập giá và chết. Và, trong thời điểm nặng nề nhất như cơn hấp hối tại vườn Ghetsêmani, ba môn đệ này chứng kiến “cuộc biến hình” thứ hai của Thầy (Mt 26, 36-46). Trong cuộc hiển dung lần thứ nhất, Thầy từ hình dáng loài người hiển dung thành hình dáng Con Thiên Chúa, nhưng trong lần thứ hai từ hình dáng Thiên Chúa Vinh Quang thành hình dáng con người yếu đuối mỏng dòn. Dáng vẻ yếu đuối của Thầy Giêsu là hình ảnh của Ađam cũ, còn dáng vẻ uy nghi sáng láng là hình ảnh của Ađam mới. Và đặc biệt, hai việc biến hình đều xảy ra khi Thầy Giêsu cầu nguyện.
Cảm nghiệm sống và phản ứng của Phêrô cũng như mỗi kitô hữu: có những lúc sốt sắng ngất ngây, như thấy Thầy Giêsu hiển dung trên núi, nên cảm thấy mến Chúa yêu người, muốn luôn ở mãi trong tình trạng ngây ngất đó; nhưng rồi lại có những lúc suy sụp trầm trọng như đang ở vườn Ghetsêmani. Khi ấy, phần Ađam cũ trỗi dậy mãnh liệt với chán nản, không ai thương mình và mình cũng không muốn thương ai. Và, hình như Thiên Chúa cũng xa lánh mình. Khó có thể vượt qua, đó chính là khi thiếu hướng lòng cầu nguyện: trong những lúc ngất ngây sốt sắng, hãy dâng lời tạ ơn Thiên Chúa; trong cơn khốn quẫn, cũng đừng quên cần hướng đến Ngài để được an ủi, được nâng đỡ.
“Đây là Con Ta yêu dấu”, mỗi kitô hữu được mời gọi tái khám phá lại cuộc hiển dung của Thầy trên núi Tarbo và trong vườn Ghetsêmani để biết được “Con Người là Ai”, từ đó :
“Hãy vâng nghe lời Người”, cùng Thầy xuống núi, nối tiếp bước chân Thầy trong Mùa Chay hướng về Jerusalem, trên con đường Vượt Qua tràn đầy chông gai của kiếp người. Và:
Hãy “ở trên núi xuống”, Thầy mời gọi cùng xuống núi, bước xuống khỏi mọi vinh quang để hạ mình xuống tận bóng đêm yếu đuối kiếp người như Thầy, can đảm phải chết trước khi được sống. Hãy chết cho những yếu đuối, ích kỷ, thực dụng, vô cảm của bản thân để yêu thương, để tha thứ… để Thầy “chạm vào” biến đổi bản thân trở nên giống Thầy, chứ không phải chỉ là đáp ứng sống theo mùa, trở thành “nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi” ; hay là :
Thay quần, thay áo, thay hơi,
Thay dáng, thay dấp mà người chẳng thay…
Tin cùng chuyên mục:
Dự án Nhà Mẹ Lavang-Fatima và đại lễ khánh thành và làm phép tượng đài Đức Mẹ Lavang-Fatima do Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng chủ tế
Ngôn ngữ của tình yêu
Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Truyền giáo 2023
Thứ tư tuần XXVI thường niên, Thánh Phaxicô Assisi: Không có gì quí hơn là Thập Giá của Đức Kitô