Cửa Tử, Cửa Sinh…
(Cv 10, 34.37-43; Cl 3, 1-4; Ga 20, 1-9)
Đối với kiếp người, đặc biệt những người vô thần không có niềm tin, ngôi mộ luôn là điểm tận cùng của phàm nhân: vua cũng như quan, tướng cũng như lính, anh hùng cũng như vô lại, người giàu có quyền quý cũng như dân cơ bần khổ cực… tất cả đều chấm hết và bị chôn vùi, mục nát trở về với cát bụi, đặt dấu chấm hết cho tất cả. Phải chăng vì thế, nói đến mộ-mả luôn gây ra cảm giác hãi hùng, đáng sợ. Còn trong niềm tin dân gian, ngôi mộ trở thành cánh cửa tử hãi hùng dù chưa phải là điểm kết thúc của kiếp người. Bởi vì, ngay sau đó lại phải đối diện với những phán xét có thể khiến bản thân rơi vào mười tầng âm ty địa ngục với những hình phạt khác nhau từ nhẹ đến nặng, nên còn gọi là hỏa ngục. Một ngục tù ngăn cách với bao rùng rợn, giam hãm muôn đời trong lửa không thể dập tắt.
Tuy nhiên, cánh cửa ngục tù của chữ Tử đó bị phá vỡ trở thành cánh cửa Sinh.
Sáng sớm tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, bóng tối của sự chết sắp bị đẩy lui nhường chỗ cho ánh sáng của một ngày mới, cho một khởi sự mới của vũ trụ; đó là “ngày đầu tuần” của một công trình tạo dựng mới, ngày được gọi là Chúa Nhật, tiếng Latinh là “dies dominica”, Ngày Chúa Phục Sinh. Maria Macđala đến thăm mộ nơi gửi thân xác tàn tạ của Thầy sau bao roi đòn-nhục hình. Khi đến mộ, bà vô cùng kinh ngạc. Mồ mả thời xưa thường không có cửa để đóng lại, tại lối ra vào có một đường rãnh dưới mặt đất, trên có một tảng đá tròn như chiếc bánh xe, tảng đá được lăn vào chặn vào chỗ xem như cửa mộ, để bảo đảm không có ai lăn tảng đá ấy đi (Mt 27, 26). Maria kinh hoàng khi thấy tảng đá đó đã bị lăn ra. Có hai điều xuất hiện trong trí: Bà nghĩ là người Do Thái đã lấy xác Thầy Giêsu đem đi nơi khác, vì họ chưa bằng lòng với việc giết Thầy trên thập giá, mà còn muốn làm nhục thi thể Thầy thêm nữa; hoặc là, cũng có một số người bất lương chuyên nghề đào mộ để ăn trộm xác. Có lẽ Maria nghĩ người ta đã lẻn vào trong mộ ăn cắp xác Thầy.
Đây là một tình cảnh mà Maria Macđala cảm thấy không thể xử lý được, nên chạy vào thành tìm Phêrô và Gioan. Maria là trường hợp tiêu biểu cho một người cứ tiếp tục yêu thương, cứ tiếp tục tin tưởng, dù mình không hiểu được: một yêu thương, tin tưởng trong phó thác đến cuối cùng sẽ được tôn vinh.
Một cuộc chạy đua diễn ra trong bao lo lắng cho thân xác của Thầy, Gioan đến trước tiên nhưng không vào mộ, chỉ đứng ngoài quan sát. Phêrô dù chạy đến chậm hơn nhưng lại là người đặt chân vào mộ trước tiên. Sự tinh tế của tông đồ Gioan là đây để nêu bật vai trò vị thủ lãnh của Phêrô luôn được chấp nhận, dù ông đã chối bỏ Thầy trong đêm tối yếu đuối tính người.
Vào mộ trước tiên, ông nhìn thấy chuyện lạ với những băng vải để đó cùng khăn che đầu Thầy Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuộn lại, xếp riêng ra một nơi. Và như vậy, những nghi ngờ và lo lắng của Maria Mácđala đã không xảy ra, vì “kẻ trộm sẽ chẳng lợi gì mà lấy băng vải, cuộn lại rồi đặt riêng ra một nơi” (Thánh Gioan Kim Khẩu). “Người môn đệ kia, người được Đức Giêsu thương mến”, tuy chạy tới mộ trước Phêrô, và vội cúi xuống để nhìn vào trong, nhưng lại nhường cho Phêrô tiến vào trước, chính người môn đệ ấy bằng trực giác của tình yêu, lại đang nhìn thấy trong cảnh mồ trống và cảnh các khăn vải sắp xếp ngăn nắp, dấu chỉ của một Thực Tại Khác mà chỉ lòng tin mới cảm nhận được: “Ông đã thấy và ông đã tin”. Theo ông, không phải người ta đã lấy trộm xác Thầy, mà chính là quyền lực của sự Sống đã chiến thắng và tước hết quyền của sự Chết.
Bằng cuộc Vượt Qua của mình, Thầy Giêsu đã bật tung cửa mồ sống lại, đẩy lùi quyền lực sự chết đang bao trùm thế giới: Thầy biến ngôi mộ là điểm cuối của đời người trở thành cửa ngõ dẫn vào cõi trường sinh; Thầy khiến cho cửa mồ đã từng há rộng nuốt lấy bao người xuống cõi âm ty trở thành cổng chào hân hoan tiếp đón nhân loại vào thiên quốc; Thầy đã biến đau thương của sự chết thành niềm hoan lạc của ngày Phục Sinh; biến ngày cuối của kiếp sống trần gian trở thành ngày thứ nhất trong đời sống mới.
Để cho ngôi mộ không còn là điểm tận cùng bi đát, nhưng trở thành ngõ vào cuộc sống vinh quang, mỗi kitô hữu được mời gọi cần phải cùng chết với Thầy Giêsu để sống lại với Đức Kitô trong đời sống mới. Chết với Thầy là hủy diệt con người cũ đang nằm dưới ách thống trị của tham lam, ích kỷ, kiêu căng, ghen ghét, hận thù, đam mê quyền lực, ham muốn danh vọng,… để cho con người mới được tái sinh trong Đức Kitô…
Tin cùng chuyên mục:
Thứ ba tuần XXVI thường niên: Phản ứng của con người khi gặp trái ý hay đau khổ
Thứ hai tuần XXVI thường niên-Các Thiên thần hộ thủ, Lễ nhớ
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người