CN.I.MV.A Đêm sắp tàn, ngày gần đến…

61 lượt xem Suy Niệm
maxresdefault 4

CN.I.MV.A

Đêm sắp tàn, ngày gần đến…
(Is 2, 1-5; Rm 13, 11-14; Mt 24, 37-44)

 

Một năm Phụng vụ mới khởi đầu, nhưng khác hoàn toàn khái niệm “năm mới” mà bao người Việt luôn hướng về để chuẩn bị chào đón mùa Xuân. Năm Phụng vụ được khởi đầu bằng mùa Vọng, vọng nghĩa là mong chờ nhưng trở về nguyên ngữ Latinh Adventus/Adventum mang nghĩa đến, hiện diện, quang lâm. Trong đó quang lâm (quang = ánh sáng, lâm = đến) được thánh sử Matthêu sử dụng để nói về việc Con Người/Ngôi Lời trở lại, παρουσία/parousia. Trong nét văn hóa Hi Lạp – Latinh, quang lâm được dùng để chỉ việc hoàng đế long trọng ngự đến hay chính thức thăm viếng một nơi nào đó. Và như thế, Mùa Vọng không phải là hướng đến lễ mà đúng hơn là lạc Giáng Sinh, nhưng là chuẩn bị hướng đến kỷ niệm Ngôi Hai Thiên Chúa làm người; và qua việc kỷ niệm sự kiện trọng đại này, hướng lòng trông đợi Đức Kitô ngự đến trong vinh quang ngày cánh chung.

Phỏng theo kịch bản Táo Quân chầu Trời cuối năm, Lucifer triệu tập đại hội đồng táo quỷ để kiểm điểm tình hình hoạt động suốt năm qua. Mọi thành phần quỷ già, quỷ trẻ, quỷ con đều họp mặt đông đủ và báo cáo cho quỷ vương biết tình hình cám dỗ của toàn bầy. Nói chung, hoạt động cám dỗ trong năm qua không đạt kết quả như chỉ tiêu đã đề ra. Vì thế, khi bước qua phần hai chương trình thảo luận, quỷ vương Lucifer kêu gọi hội đồng hãy đề ra những chiêu thức cám dỗ tinh vi và hiệu quả hơn để lôi kéo được nhiều người sa hoả ngục.

Các quỷ tham gia tranh luận sôi nổi, ý kiến thì nhiều, nhưng quỷ thư ký hội nghị tóm lại: 1. Không có Thiên Chúa, không có thiên đàng hoả ngục. Thiên đàng là ảo tưởng do Giáo Hội bày ra để dụ loài người; hoả ngục chỉ là sản phẩm thêu dệt để hù doạ những người yếu bóng vía. Tôn giáo chỉ là thuốc phiện của nhân dân. Thế nhưng, chiêu thức này đã được áp dụng từ lâu mà chưa mang lại kết quả mong muốn; 2. Có quỷ thì hiến kế nên thuyết phục người ta biết rằng Đức Giêsu chỉ là hạng phàm phu tục tử, Phúc Âm của Ngài gồm toàn những chuyện bịa đặt viển vông…, nhưng ý kiến này cũng không được hưởng ứng; 3. Cuối cùng có lão quỷ già lên tiếng: “Theo tôi, chúng ta nên cám dỗ thế này: có Thiên Chúa, có thiên đàng hoả ngục, có linh hồn, có sự sống đời sau… Mình phải nói như vậy để người ta tin mình đã, rồi ta sẽ thêm: nhưng hãy nhớ rằng đời còn dài chưa chết ngay đâu! Cứ mê đắm hưởng thụ lạc thú đi, khi nào già yếu rồi ăn năn sám hối cũng chưa muộn.

Những suy nghĩ đó dường như cũng là của kiểu sống bao người ngày nay, tự ru ngủ hoặc cuốn theo bao vòng xoáy ru ngủ của tham lam, quyền lực, danh vọng và thỏa mãn bao hấp dẫn lạc thú. Kitô hữu cũng không thoát khỏi để rồi quên đi lời mời gọi tỉnh thức, sẵn sàng và chờ đợi trong hi vọng – niềm vui; quên đi ngày Thầy Giêsu quang lâm, ngự đến lần thứ hai.

Đây là một thời điểm bí mật của Cha, nói như thế không phủ nhận việc Thầy biết đến ngày này, nhưng đó không phải là sứ mạng của Người công bố và định đoạt. Điều này thuộc về thẩm quyền của Cha. Và, cũng không phải đóng khung như bao người nghĩ là thời điểm của cơn thịnh nộ và sự trừng phạt khủng khiếp. Trên hết, là thời điểm đặt thế giới vạn vật trong vòng tay của Thiên Chúa, trong đôi tay nhân từ và luôn giàu lòng xót thương của Ngài.

Một thời điểm bất ngờ mà Thầy Giêsu cảnh tỉnh từ câu chuyện ngàn xưa trong sách Sáng Thế: Noê đã chuẩn bị cho mình khi thời tiết còn tốt, luôn chuẩn bị sẵn sàng cho cơn nước lụt đến. Những người khác còn mải mê ăn uống, cưới vợ gả chồng nên bị nước lụt cuốn đi cách bất ngờ. Cơn hồng thủy được trình bày như một hình phạt tội vô luân của con người thời đó: “Đức Chúa thấy rằng con người quá gian ác trên mặt đất, và lòng họ chỉ toan tính những ý đồ xấu xa suốt ngày […] Ta đã quyết định giờ tận số của mọi xác phàm, vì tại chúng mà đất đầy bạo lực” (St 6, 5tt). Thế nhưng khi gợi lại đại hồng thủy, Thầy Giêsu không nói gì về nạn vô luân. Thầy không trách móc những người đương thời Noê, đó chỉ là những người nam và nữ đang hít thở niềm vui của cuộc sống! Người không trách về sự sa đọa của họ. Cuối cùng thì họ chẳng làm chuyện gì xấu: họ chỉ chú tâm đến những nhu cầu hoàn toàn bình thường của cuộc sống.

Họ không bị khiển trách vì phóng đãng hay vì tội lỗi. Bởi vì, chính họ “không biết sợ hãi gì cả!” không lo đến chuyện chính yếu, không có một nhận thức đúng đắn về thực tại… Họ có vẻ tin là họ bất tử! Mắt họ bị bịt không thấy thân phận con người của mình. Và lẽ đương nhiên, họ phải chịu cái chết “nuốt trôi”, để rồi trong phút chốc, họ khám phá thấy rằng họ không phải là “những thần linh” và nếu muốn sống thì họ cần đến Thiên Chúa! Lúc đó, phải chăng là quá trễ?

Một thời điểm đến như trong cuộc sống hằng ngày, hai người đàn ông đang làm nương, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay, một người được đem đi, một người bị bỏ lại… Chính trong những tất bật rất thường ngày mà Thầy Giêsu đến, giữa lúc người nông dân đang làm, người nội trợ đang làm và ngày nay có thể thêm, nơi văn phòng, ngoài phố, shopping, vũ trường…

Hãy canh thức, tỉnh thức và sẵn sàng, Thầy Giêsu παρουσία/parousia-quang lâm, ngự đến lần thứ hai tạo ra một cách thế riêng của Người, ở chỗ mà người ta không thấy có gì khác nhau, bởi lẽ không có gì phân biệt giữa hai người này đang cùng làm ruộng, hai người đàn bà cùng kéo cối xay. Chỉ có chính Thiên Chúa mới thấy cái khác nhau: Một người thì sẵn sàng, người kia thì không.

Hãy canh thức, tỉnh thức và sẵn sàng. Cùng thắp lên ngọn nến đầu tiên của Mùa Vọng xua tan mọi ru ngủ ban thân, xua tan mọi thứ thuốc phiện hưởng thụ lạc thú cùng với bao lý lẽ – triết thuyết sai lạc đầy thuyết phục làm bao người mê đắm, quay cuồng. “Đêm sắp tàn, ngày gần đến” cùng “từ bỏ những việc làm đen tối và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu”; cùng thay đồi nếp sống cũ đầy hưởng thụ và “như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương…” (Rm 13, 11-14).

Lm. Jos. PHẠM, SCJ